Chi tiết bài viết

Hội thương binh Võ Ninh

16:30, Thứ Năm, 26-7-2012

Thương binh Lê Hồng Chông (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho hay: “Hồi đầu, khi thành lập Hội thương binh cũng gặp khó khăn. Khi đó, một số anh em thương binh đã rủ nhau làm những việc thiết thực nhằm giữ vững uy tín của mình, để không cho một số người khác lợi dụng. Sau này, Hội được thành lập và chúng tôi có nhiều hoạt động giúp nhau trong đời sống và các mặt công tác khác".

Ngôi nhà chung

Trước năm 1996, trên địa bàn xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) có phà Quán Hàu trên đường QL1A Bắc - Nam (nối liền hai bờ sông Nhật Lệ). Ở bến phà này, thường xuất hiện một số người trên ngực áo đeo huy hiệu thương binh. Họ thường cản trở các nhân viên thuế, quản lý thị trường để nhận hàng hóa cho những người buôn bán đường dài khi đi qua phà. Một số người khác có biểu hiện “công thần”, ra bến phà nhũng nhiễu cán bộ, công nhân để tự ý làm những việc trái với quy định ở bến.

Ông Phan Văn Quốc, thương binh nặng, nguyên là Hội trưởng Hội thương binh Võ Ninh lúc mới thành lập, nhớ lại: “Lúc đó, có tình trạng một số thương binh hay làm càn quấy, kiếm cớ gây áp lực với chính quyền để đòi hưởng chế độ một cánh thái quá. Thậm chí cơ quan chức năng đang làm việc mà thấy thương binh đến can thiệp cũng phải nhún nhường, chiều theo vì sợ”.

Cũng có trường hợp thương binh mất niềm tin, sinh ra chán chường rồi bê tha rượu chè, phá phách. Chính những hành động tiêu cực đó gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các thương binh có lối sống mẫu mực, luôn nêu cao phẩm chất sáng ngời của những người lính Cụ Hồ.

Trước thực trạng đáng ngại đó, một số thương binh ở xã Võ Ninh đã mạnh dạn đứng ra vận động, thuyết phục những thương binh có lối sống tiêu cực, buông thả để tập hợp về “ngôi nhà chung”, cùng nhau “gạn đục khơi trong”, sẻ chia ngọt bùi, hỗ trợ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống.

Ông Lê Hồng Chông, Hội trưởng Hội thương binh xã Võ Ninh, kể lại: “Dưới sự chủ trì của thương binh Lê Bá Phấn (lúc đó là Bí thư Đảng ủy xã Võ Ninh), sau khi tập hợp được 30 thương binh trong xã, mọi người đã ngồi lại cùng nhau để xây dựng một bộ quy chế, quy ước hoạt động với những tôn chỉ, mục đích tiến bộ, hướng thiện. Bám sát vào những chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước".

Nhiều thương binh đã có mặt kịp thời tại bến phà để giải thích, động viên, can ngăn việc làm sai trái của một số thương binh khác. Mưa dầm thấm lâu, tình trạng xấu trên bến phà cũng được khắc phục dần.

Thương binh Trương Đình Chuyển mở tiệm sửa chữa xe đạp góp phần nuôi 3 con ăn học

Thời gian sau, các thương binh vừa hoạt động, vừa xây dựng bộ quy chế, quy ước sinh hoạt hội và viết đơn xin chính quyền được thành lập Hội. Lúc đầu, chính quyền xã đồng ý nhưng một số lãnh đạo huyện vẫn chưa chấp nhận. Nguyên do lãnh đạo huyện không chấp nhận là bởi lúc đó hầu hết thương binh xã Võ Ninh đã là hội viên Hội Cựu chiến binh của xã. Hơn nữa, nếu cho phép thành lập hội, huyện rất lo các thương binh sẽ nhân việc này để tập hợp đông người quấy rối an ninh trật tự ở địa bàn…

Tuy nhiên, sau khi được các thương binh bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đưa ra tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức hội, thậm chí họ còn ký cam kết với xã, huyện, lúc đó huyện mới chấp nhận. Hội thương binh xã Võ Ninh chính thức được “khai sinh” và trở thành “ngôi nhà chung” có một không hai của những người thương binh ở huyện Quảng Ninh lúc bấy giờ và cả sau này.

Chia ngọt sẻ bùi

Hội trưởng Hội thương binh xã Võ Ninh Lê Hồng Chông cho biết: “Ngay sau khi thành lập Hội, chúng tôi đã đứng ra xin chính quyền xã Võ Ninh đấu thầu 3 ha diện tích mặt nước ở thôn Tây để tiến hành nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, Hội còn kết nối với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp…để tạo thêm công ăn việc làm cho hội viên. Nhờ đó, đời sống vật chất của hội viên được nâng lên đáng kể, kinh phí hoạt động ngày càng thêm dồi dào”.

Có được kinh phí hoạt động, Hội đã tổ chức cho hội viên đi thăm viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn tại Quảng Trị; ra thủ đô Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ… Chính những việc làm đó đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho các hội viên.

"Tổ chức cho các thương binh đi thăm viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn nhằm tạo điều kiện cho anh em trong Hội có dịp tri ân đồng đội; giáo dục cho thương binh biết rằng họ còn may mắn hơn hàng vạn đồng đội khác đang nằm lại nơi nghĩa trang này”, ông Chông chia sẻ thêm.

Mới thành lập, chỉ có 30 hội viên, đến năm 2012, Hội thương binh xã Võ Ninh đã phát triển lên 104 hội viên, được tổ chức sinh hoạt ở 7 chi hội (mỗi thôn được tổ chức một chi hội). Bằng nguồn vốn tự có và được các cá nhân, tổ chức hỗ trợ, các chi hội đều có quỹ hội để phục vụ sinh hoạt chung và hỗ trợ cho hội viên phát triển sản xuất, ổn định và phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, Hội chính là địa chỉ đáng tin cậy trong việc gắn kết những những thương bệnh binh trong xã lại với nhau; tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn; sống mẫu mực để làm gương cho con cháu học tập, noi theo.

"Tại thời điểm này, tất cả các hội viên thương binh trong xã đã cơ bản thoát nghèo, có nhà ở kiên cố. Nhiều thương binh đã biết vượt qua khó khăn để vươn lên khấm khá. Vừa giúp nhau phát triển kinh tế, các hội viên còn động viên con em học hành. Hiện có gần 60 con em của hội viên đang theo học tạo các trường ĐH, CĐ trong cả nước", ông Phạm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh.

Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ, "thương binh tàn nhưng không phế”, các hội viên đã tận tình giúp nhau từ cây, con giống, đến đồng vốn ban đầu hay công sức bỏ ra để cùng nhau vươn lên. Thương binh Nguyễn Văn Tuế (chi hội thôn Trúc Ly) tâm sự: “Hồi đó, gia đình tôi cực không kể xiết. Hai con đều bị ảnh hưởng chất độc da cam. Được anh em động viên, giúp đỡ, gia đình vay mượn chi hội đầu tư nuôi cá, nuôi lợn và mở thêm nghề khác. Thu nhập ngày càng tăng lên. Dần dần kinh tế gia đình khá hơn và ổn định. Bây giờ thì trở nên khá giả và có điều kiện để giúp cho người khác”.

Thương binh Trương Công Trồi (chi hội thôn Thượng) phát triển kinh tế gia đình theo hướng làm trang trại tổng hợp. Mỗi năm thu nhập gia đình trên 100 triệu đồng và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều thương binh khác. Ngoài ra còn phải kể đến gương thương binh Hoàng Xuân Tứ, làm dịch vụ cung cấp cá giống, mỗi năm lãi ròng cả trăm triệu đồng; hoặc đầu tư mở tiệm sửa chữa xe đạp của thương binh Trương Đình Chuyển, có thu nhập ổn định để nuôi được 3 con học đến nơi đến chốn.

"Sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau còn thể hiện qua việc thăm hỏi, giúp đỡ về vật chất, tinh thần của Hội với hội viên và các hội viên với nhau khi ai đó có niềm vui hay nỗi buồn. Nhờ vậy mà tình cảm giữa các thương binh ngày càng gắn kết", Hội trưởng Lê Hồng Chông nói thêm.

Theo Báo Mới

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập