Chi tiết bài viết

Những ''Nhà nông trẻ'' lập thân, lập nghiệp

9:56, Thứ Hai, 10-12-2012

Vừa được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ VII do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, cùng với 300 gương mặt thanh niên nông thôn tiêu biểu trong toàn quốc, 6 “Nhà nông trẻ” Quảng Bình là tấm gương sáng bởi sự táo bạo dám nghĩ, dám làm trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Mở hướng làm giàu

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), sau khi tốt nghiệp THPT, Trần Thanh Hải (SN 1988) đã chọn ngành học chăn nuôi thú y tại Trường trung cấp Công nông nghiệp Quảng Bình để lập thân, lập nghiệp.

Tốt nghiệp năm 2010, với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, Hải đầu tư 20 triệu đồng xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Ban đầu Hải tiến hành cải tạo vườn cây ăn quả, vườn tiêu sẵn có của gia đình, đồng thời khai hoang đồi trọc để trồng bạch đàn, đào ao thả cá, nuôi lợn, bò và xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi gà.

Đất không phụ công người, đến nay, Trần Thanh Hải đã có cơ ngơi đáng nể, gồm: 2ha bạch đàn sắp cho thu hoạch, vườn cây ăn quả rộng 400m2, hồ cá rộng 400m2, hơn 300 gốc tiêu, 3.000 con gà, 10 con bò và 8 con lợn nái. Với mô hình trang trại tổng hợp này, mỗi năm Trần Thanh Hải thu lãi 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 đoàn viên thanh niên ở địa phương và 13 lao động theo mùa vụ. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sắp tới Trần Thanh Hải sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi nhím, chim trĩ...

Những “Nhà nông trẻ” tại lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ VII.

Với tấm bằng chuyên viên phần mềm nhưng Hà Công Trình (SN 1982, ở thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh, Quảng Ninh) lại chọn... chăn nuôi để phát triển kinh tế. Tháng 8-2010, Hà Công Trình đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc 50con/lứa và gà kiến bán thả vườn 600 con/lứa, đồng thời sử dụng công nghệ biogas tận dụng phế thải chăn nuôi làm nguồn năng lượng đốt và thắp sáng, tưới tiêu và tiết kiệm điện. Với doanh thu từ nuôi lợn và gà, mô hình kinh tế này có lợi nhuận ước tính trên 160 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 4 lao động trên địa bàn.

Hiện nay, Hà Công Trình đã làm thủ tục để thuê đất mở rộng trang trại và tự viết dự án “Nuôi thử nghiệm giống chồn hương ở xã Hải Ninh” với kinh phí hơn 258 triệu đồng.

Là một kỹ sư nuôi trồng thủy sản, nhưng từ khi đang ngồi ở giảng đường Trường đại học Thủy sản Nha Trang (Khánh Hòa), Trần Minh Quang (SN 1979, ở thôn Bắc Phú, xã Quang Phú, TP. Đồng Hới), đã tự mình xây dựng một mô hình phát triển kinh tế nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương.

Sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, Trần Minh Quang đã bôn ba ra Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh học nghề làm nước đá sạch và nước đóng chai tinh khiết (nước lọc Khe Su-N.V). Tiếp đó, được sự trợ giúp của gia đình, Quang đã mạnh dạn vay vốn thành lập Công ty TNHH TM-SX-XD thủy sản Tiến Dũng, kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ, nuôi trồng các loại thủy sản. Doanh thu của Công ty mỗi năm 2,5 tỷ đồng, thu lãi 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Điểm sáng chuyển giao khoa học công nghệ

Trong những năm qua, Trần Ngọc Dũng (SN 1984, cán bộ Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ trực thuộc Sở Khoa học-Công nghệ), đã thực hiện nhiều hoạt động ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ như: “Ứng dụng công nghệ mô hom trong sản xuất giống cây lâm nghiệp cao sản phục vụ phát triển trồng rừng tại Quảng Bình”, “Sản xuất phân viên nén hữu cơ-vô cơ ở quy mô cộng đồng thôn, xã phục vụ phát triển nông nghiệp ở huyện Lệ Thủy”, “Chuyển giao ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời vào một số xã thuộc vùng khó khăn tại tỉnh Quảng Bình”, “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống hoa và hoa thương phẩm chất lượng cao tại thành phố Đồng Hới”...

Từ công tác chuyển giao khoa học công nghệ này, người dân ở các địa phương hưởng lợi có thêm ngành nghề để phát triển kinh tế, tiết kiệm chi phí và giải quyết việc làm.

Được giao nhiệm vụ triển khai, chỉ đạo thực hiện các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, Võ Thị Bích Thảo (SN 1983, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần thực hiện thành công mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

Trong lĩnh vực kinh tế hộ, Thảo vừa là thư ký đề tài vừa tham gia chủ trì chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Phát triển kinh tế hộ, trang trại cho các vùng định canh định cư và kinh tế mới ở hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa tỉnh Quảng Bình”.

Với đề tài này, các hộ gia đình sẽ nắm bắt được kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện nay, Võ Thị Bích Thảo cũng đang chủ trì chuyển giao mô hình “Chăn nuôi gà Mía thả vườn bán công nghiệp” cho các hộ nghèo ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh... Trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, Võ Thị Bích Thảo đã tham gia chuyển giao kỹ thuật “3 giảm 3 tăng-Quản lý cây trồng tổng hợp” giúp các hộ giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, sản lượng và đạt hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, Võ Thị Bích Thảo còn tham gia chuyển giao kỹ thuật trồng ớt an toàn theo hướng VIETGAP; mô hình “Máy gặt đập liên hợp” thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất cho bà con nông dân.

Nguyễn Ngọc Nam (SN 1982, cán bộ Công ty TNHH MTV LCN Long Đại), là một cán bộ kỹ thuật luôn đi đầu trong các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ của đơn vị. Từ năm 2010 đến nay, Nguyễn Ngọc Nam đã đề xuất tổ chức và trực tiếp truyền đạt tại 4 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ rừng, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật khai thác nhựa thô, cây cao su, cây keo nhằm giúp cho cán bộ, đoàn viên thanh niên và công nhân lao động nắm vững các kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất.

Là cán bộ Đoàn của Công ty, Nguyễn Ngọc Nam đã thành lập 8 đội thanh niên xung kích bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống cháy nổ và khắc phục hậu quả thiên tai ở các chi đoàn trực thuộc với 160 đoàn viên thanh niên tham gia. Trong phong trào phát triển kinh tế vườn hộ, Nam luôn gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên mạnh dạn đăng ký nhận khoán đất trồng rừng nguyên liệu, trồng cây cao su để tăng thu nhập cho gia đình.

Những “Nhà nông trẻ” được vinh danh lần này thực sự là tấm gương sáng trong phong trào lập thân lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập