Chi tiết bài viết

Người mang niềm vui đến người bệnh nghèo

9:50, Thứ Ba, 26-3-2013

Gần 10 năm qua, ông Phạm Quang Lịch, Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Bình luôn gắn với các hoạt động trợ giúp người nghèo mổ tim, mổ mắt và khám bệnh miễn phí. Những bữa cơm phục vụ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong mỗi dịp Tết đến đã động viên họ vượt lên hoàn cảnh, giành lại sự sống cho bản thân, gia đình và xã hội.


Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Quảng Bình Phạm Quang Lịch trao tiền hỗ trợ cho gia đình người mổ tim bẩm sinh

Ân nhân của người bệnh nghèo

Những ngày giáp Tết Quý Tỵ 2013, Chủ tịch hội Phạm Quang Lịch càng tất bật hơn. Được sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân hảo tâm, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Bình phối hợp các bệnh viện trong tỉnh tổ chức bữa ăn miễn phí cho những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đang điều trị tại tám bệnh viện công lập trên địa bàn. Ông Phạm Quang Lịch đi lại như con thoi giữa các bệnh viện để bàn với ban giám đốc, bộ phận hành chính và nhà ăn về mức ăn, về cách phát phiếu, phục vụ và điều quan trọng như ông nói "làm sao để mức ăn 40 nghìn đồng/ngày/người nhưng phải bảo đảm vệ sinh, người ăn ngon miệng và đủ no".

Hôm tôi đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu-ba Đồng Hới, thấy nhà ăn rất đông người đến ăn miễn phí, dù lúc này mới 10 giờ 30 phút. Tôi dừng lại trò chuyện với một cụ già chừng 70 tuổi, một mắt đang bị băng. Cụ cho biết tên mình là Trần Văn An ở xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy đến mổ mắt. Nhà xa, mấy ngày áp Tết con cái cụ trở về lo việc nhà nên cụ ở một mình. Cụ An là hộ nghèo cho nên được cấp phiếu ăn miễn phí trong mấy ngày Tết. Cụ nói: "Đĩa cơm ngoài cổng bệnh viện giá 25 nghìn đồng mà chỉ được hơn bát cơm, còn một suất ăn của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo chỉ 20 nghìn đồng nhưng có ba bát cơm, lại có thịt, lát trứng, bát canh và thêm quả chuối nên tôi ăn thấy ngon miệng".

Chủ tịch hội Phạm Quang Lịch cho biết, qua thống kê sơ bộ, trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Quảng Bình phục vụ hơn 8.000 suất ăn miễn phí. Đây là năm thứ sáu Hội tổ chức bữa ăn miễn phí, với hơn 30 nghìn suất ăn đã cung cấp trong các dịp Tết. Việc làm này tuy nhỏ nhưng đã giúp người bệnh nghèo có được những bữa cơm no trong mấy ngày Tết. Qua đó, động viên họ vượt lên hoàn cảnh khó khăn giành lại sự sống cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tình cờ, tôi đọc được lá thư của một người bệnh tim được phẫu thuật thành công gửi đến ông Phạm Quang Lịch. Bức thư viết: "Cháu sinh ra đã là một đứa bé mồ côi không nơi nương tựa. May mắn cháu đã được mẹ nhận về nuôi nhưng cũng thật trớ trêu từ mấy năm nay cháu phát hiện mình mắc căn bệnh hiểm nghèo. Những tưởng cuộc đời cháu coi như đã hết. Qua phương tiện thông tin đại chúng, cháu được biết có một quỹ hỗ trợ (Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo- PV) cho những bệnh nhân nghèo nhưng không may như cháu. Mẹ con cháu đã làm đơn đi khắp nơi để cầu xin những tấm lòng nhân ái của tất cả mọi người. Và rồi cháu đã gặp may khi được hỗ trợ mổ tim và nay đã bình phục, khỏe mạnh. Cháu xin gửi lời cảm ơn đến bác Phạm Quang Lịch và các chị trong Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, nhờ sự giúp đỡ đó mà cháu có được cuộc sống như hôm nay".

Và tôi đã tìm gặp người viết lá thư cảm động ấy. Đó là chị Lương Thị Thu Hường, 28 tuổi ở tiểu khu 10, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới. Chị Hường kể, lúc hơn 15 tuổi chị bị bệnh tim nặng. Năm 2008, mẹ con chị tìm đến Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Quảng Bình nhờ giúp đỡ. Thông qua giới thiệu của Chủ tịch hội Phạm Quang Lịch, một nhà hảo tâm trong tỉnh đã giúp mẹ con chị một số tiền để mổ tim. Sau khi mổ, sức khỏe chị dần phục hồi, khỏe mạnh, sau đó chị lập gia đình và nay có con trai một tuổi. Chị nói, gia đình mình xem bác Lịch và Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo là ân nhân của mình.

Còn sức còn làm từ thiện

Ông Phạm Quang Lịch, nguyên là Giám đốc Sở Tài chính Quảng Bình. Sau 41 năm cống hiến cho ngành ngân hàng và tài chính Quảng Bình, ông về nghỉ chế độ. Nghỉ hưu hôm trước, hôm sau ông được cử làm Chủ tịch Hội khuyến học phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới. Chưa ấm chỗ thì ông được Tỉnh ủy Quảng Bình cử làm Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh. Ngày đầu Hội ra đời, chỉ có mình ông vừa làm công việc bàn giấy, vừa xây dựng mối quan hệ để vận động tài trợ, lại lo việc mở rộng tổ chức hội ra các cơ quan, địa phương. Ông tâm niệm: Muốn làm từ thiện, phải bám các nhà hảo tâm để vận động kinh phí và bám vào Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh - "đầu tàu" trong lĩnh vực này - để xin hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm hoạt động. Thật may mắn là cố Anh hùng Lao động Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, người sáng lập và là Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh đã giúp đỡ, chỉ bảo tận tình cho Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Quảng Bình từ ngày đầu thành lập.

Ông Lịch đưa cho tôi xem cuốn sổ ghi chép mà ông luôn mang theo bên mình. Trong đó, bên cạnh những ghi chép công việc hằng ngày, ông còn dành nhiều trang để ghi địa chỉ, số điện thoại của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Tất cả đều được ông ghi chép cẩn thận theo đề mục và thứ tự chữ cái để khi cần không mất công tìm kiếm. "Làm việc thiện, càng chi li, càng kiên trì mới có hiệu quả" - ông nói. Với tâm niệm như thế nên gần 10 năm qua, ông Phạm Quang Lịch và Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Quảng Bình đã vận động được hơn 14 tỷ đồng để mổ tim miễn phí thành công cho hơn 200 trẻ em và người lớn, mổ mắt miễn phí 3.300 người, tặng hơn 500 xe lăn cho người nghèo tàn tật, xây sáu phòng học mầm non cho các xã khó khăn...

Năm nay đã bước sang tuổi 74 nhưng trông ông còn tráng kiện, khỏe khoắn. Ông nói: "Sáng mình nhảy tàu lên huyện Minh Hóa, cách thành phố Đồng Hới hơn 150 km, chiều đón xe đò về là chuyện bình thường. Trong thành phố Đồng Hới, tôi có thể chạy xe máy cả ngày. Sức khỏe còn cho phép, mình sẽ cố gắng vận động để giúp đỡ bệnh nhân nghèo". Hội có bốn người, một nữ Phó Chủ tịch hội đã lớn tuổi, sức khỏe kém nên ít đến trụ sở, hai cô còn lại làm kế toán, thủ quỹ và văn phòng, gần như các công việc từ vận động nhà hảo tâm, sắp xếp lịch mổ cho người bệnh đến việc đi xin tiền tài trợ các đơn vị trong tỉnh... đều do ông đảm nhận. Gần đây, ông còn kiêm luôn Trưởng ban quản lý dự án xây dựng phòng khám bệnh miễn phí, cũng là trụ sở của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Quảng Bình.

Ông Phạm Quang Lịch thuộc tuýp người ít nói về bản thân mình. Có thể vì thế mà nhiều lần ông "khất" hẹn khi tôi xin gặp. Cũng vì thế nên ông ít xuất hiện trong báo cáo thành tích các phong trào thi đua ở Quảng Bình. Hỏi về chuyện này, ông cười: "Thành tích của mình là những lá thư cảm ơn của người bệnh tim vừa được cứu sống, của người mù bẩm sinh nay thấy ánh sáng cuộc đời, của những cháu nhỏ ở xã khó khăn nay có chỗ học mới khang trang". Ông lưu giữ chúng như một tài sản, trân trọng như vừa được trao món quà mà ông biết sẽ mang niềm vui cho nhiều bệnh nhân nghèo.

Theo Nhân dân

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập