Chi tiết bài viết

Huyền thoại rừng mẹ Nghèng

11:12, Thứ Hai, 8-4-2013

200 ha rừng phi lao chắn cát do một tay người mẹ Anh hùng Lao động Phạm Thị Nghèng (thôn Tây Phú, xã Quang Phú, Đồng Hới, Quảng Bình) vun trồng năm nào để chống lại “sự xâm lăng của cát” giờ chẳng còn nguyên vẹn. Không phải đến bây giờ, mà hơn 10 năm trước, sau ngày mẹ Nghèng mất, người ta đã dự báo được số phận khu rừng "huyền thoại" này.


Bà Ngành - con gái mẹ Nghèng trò chuyện với chúng tôi

Người mẹ trồng rừng

Từ Đồng Hới, chúng tôi bắt xe về xã Quang Phú cách đó chừng 7 km. Hai bên đường nhựa phẳng phiu to đẹp là những hàng cây phi lao mọc trên đồi cát trắng, từ thấp bé lè tè cho đến cao to như chiếc cột điện. Thấp thoáng dưới rừng phi lao là những nhà hàng, khách sạn len lỏi bên trong không gian “xanh” ấy. Có đoạn, cả một khoảng rừng to bị xén gọn, nhường chỗ cho các nhà hàng hải sản san sát nhau. Chỗ thì nguy nga, xa hoa và tráng lệ, chỗ thì đang “giải phóng mặt bằng” cho một dự án nhà hàng mới, nơi thì nhấp nhô vật liệu xây dựng ngổn ngang trên mặt bằng đắc lợi. Xa xa, sóng biển như gào thét từng đợt vào triền cát trắng phau bên bờ biển vắng.

Rừng mẹ Nghèng dài hơn 3km chạy dọc theo bờ biển từ phường Hải Thành (thành phố Đồng Hới) ra xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Cặm cụi suốt 45 năm trời, mẹ Nghèng đã trồng được gần 200ha rừng phi lao chắn cát trên vùng đất Quang Phú. Năm 2000, mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được Chủ tịch nước gửi thư khen, Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2002.

Tại căn nhà nhỏ của mẹ Nghèng, tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm mẹ được treo ở vị trí trang trọng trong căn nhà dành riêng thờ mẹ. Đó là tấm ảnh chụp một lần Đại tướng về thăm mẹ Nghèng. Nhìn cánh rừng che sóng, chắn cát bạt ngàn, Đại tướng xúc động tâm sự rằng: “Quảng Bình cát trắng, gió nhiều, nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy. Dù không biên chế, không hưởng lương nhưng mẹ Nghèng đã bỏ ra hơn 40 năm trồng cây chắn cát. Nếu không có những cuộc chiến tranh và không trở thành một vị tướng cầm quân, tôi rất muốn được làm một người trồng rừng chống cát cho quê hương mình như mẹ Nghèng”.


Những công trình xây dựng mọc lên ngày càng nhiều ở rừng mẹ Nghèng

Bà Phạm Thị Ngành, con gái mẹ Nghèng kể: Trước khi mất, mệ (mẹ) dặn giữ nguyên trạng ngôi nhà mệ ở khi còn sống để làm nhà thờ.

Kể về những tháng ngày trồng rừng đầy gian khó của mẹ Nghèng, bà Ngành xúc động: Mệ trồng rừng vô tư lắm, chẳng quản trên nắng dưới mưa. Mệ làm Đội trưởng đội trồng rừng của xã, còn một chị làm Đội phó phụ trách trồng khoai sắn. Mệ bảo mệ muốn trồng rừng. Người trồng khoai sắn để nuôi đoàn trồng rừng ngoài bờ biển. Cây non mệ tự đi hái hạt về ươm, mùa Hè lấy hạt xong về phơi, đến mùa Đông mệ ra ươm giống. Tháng 10-11 mặc mưa gió, mệ vẫn đưa cây giống ra bờ biển cấy. Mùa này là mệ cơm gói đi hái hạt, phơi, sàng sẩy. Mệ vẫn bán hạt nhỏ cho lâm trường để họ trồng chỗ khác. Mệ cũng là người đầu tiên có sáng kiến dùng cành phi lao để ươm ra cây phi lao giống, thay vì chỉ ươm giống từ hạt. Mẹ Phạm Thị Nghèng qua đời ngày 27-10-2002, hưởng thọ 74 tuổi. Bà Ngành bảo: Mệ không muốn cơ quan, ban, ngành xây cho mệ cái nhà để sống cho đàng hoàng mà mệ chỉ thích cái hòm (quan tài-PV). Mệ nói mệ sống không được bao nhiêu mà xây nhà cửa. Khi mệ mất, bà con trong làng đã xây cho mệ một mộ riêng và đưa mộ bố về ở gần với mệ.

"Răng mà họ không biết đường bảo vệ chớ?"

Bây giờ rừng mẹ Nghèng từ đoạn giáp ranh với phường Hải Thành (vùng biển Nhật Lệ) ra đến giáp xã Nhân Trạch, với chiều dài hơn 3km, chỉ còn một dải hẹp ven bờ biển (nằm ở phía đông đường du lịch Đồng Hới - Nhân Trạch) là được giữ lại nguyên sơ như hồi mẹ còn sống. Còn rừng phía tây đường du lịch gần như đã cắt cho xây dựng đô thị. Vụ chặt hạ rừng mẹ Nghèng đầu tiên là ngày 11-8-2003, trên diện tích 15,4ha, 5.178 cây phi lao đã bị chặt hạ để xây dựng khu tái định cư sân bay Đồng Hới. Sau đó báo chí vào cuộc, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình lập tức yêu cầu trồng lại cây rừng trên vùng đất bị san ủi và không cần thiết cho việc xây dựng công trình.


Những nhà hàng san sát nhau trong rừng mẹ Nghèng

Mẹ chết, rừng cũng "hấp hối" theo. Tên tuổi mẹ cũng ngày càng ít người biết tới, ngoài những người đã một thời tự hào về vùng đất đã sinh ra một người mẹ trồng rừng. Trước khi ra về, bà Ngành dặn chúng tôi: Khu Bố Trạch còn nhiều lắm nhưng bị phá cũng nhiều. Các chú cứ đi xe ra ngoài ấy là thấy ngay. “Răng mà họ không biết đường bảo vệ chớ?”.

Câu hỏi của bà Ngành khó quá! Chợt nghĩ, biết bao giờ mới đến… ngày xưa, ngày có người mẹ già lom khom gieo từng hạt phi lao trên bờ cát trắng, dưới cái nắng rang người và cái vị mặn mòi của biển để ươm mầm cho tương lai con cháu. Chắc lâu lắm, vì nhìn gương rừng mẹ Nghèng, chẳng ai dám tự tin đảm bảo rằng: Cái cảnh trồng rừng hôm nay, phá rừng ngày mai không tái hiện. Ngẫm mà thấy đau nhói lòng cho số phận hẩm hiu của cánh rừng huyền thoại.

Theo Hải quan Online

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập