Chi tiết bài viết

Chinh phục đồng hoang

16:11, Thứ Ba, 24-9-2013

Bốn năm trước, vùng đất xóm Sặt thuộc thôn Sen, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) gần như hoang hóa với cỏ tốt bời bời, mùa mưa lũ nước trắng đồng. Thế rồi cùng một số hộ dân trong vùng, gia đình chị Dương Thị Bắc đã ra đây lập nghiệp. Sau bao khó khăn vất vả buổi ban đầu, giờ vợ chồng chị đã có trong tay một cơ ngơi "ra tấm ra món" nhờ quyết tâm chinh phục đồng hoang...

Hòa Trạch được xem là "thiên đường" của cây cao su, cây sắn, nhưng với gia đình vợ chồng chị Bắc, anh Dũng (đều sinh năm 1972), thế mạnh ấy luôn là niềm mơ ước khi họ chỉ được sở hữu 5 sào ruộng. Từ năm 2009 trở về trước, đời sống cả gia đình gồm hai vợ chồng và hai con trai đang tuổi ăn học phụ thuộc vào diện tích ruộng được sở hữu. "May mắn lắm thì cũng chỉ đủ chi tiêu trong gia đình nhưng phải rất tằn tiện. Lắm khi nhìn bạn bè, bà con trồng cao su, trồng sắn... mà thèm!", chị Bắc chia sẻ.

Cho đến năm 2009, vợ chồng chị bàn bạc rồi quyết định ra lập nghiệp ở vùng đất xóm Sặt còn hoang hóa. Với 50 triệu đồng vay mượn được của anh em bạn bè, họ dựng lên một căn chòi vững chãi. Tiếp sau đó là thuê máy móc đào ao nuôi cá với diện tích gần 1 ha. Cạnh ao cá là hệ thống chuồng nuôi heo, gà, ngan, vịt. Thời gian ấy, cứ bán được con lợn, đàn gà hay thu một mẻ cá, vợ chồng chị lại dùng một nửa tiền trả nợ, nửa còn lại chi tiêu tằn tiện và đầu tư mở rộng trang trại tổng hợp của mình. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, cơ ngơi của họ ngày một khang trang.

Chị Dương Thị Bắc và "cánh đồng hoang" giờ đã xanh màu dưa chuột.


Hai năm trở lại đây, thấy nhiều hộ dân các xã lân cận trồng dưa chuột khá hiệu quả, chị mạnh dạn thuê 3 sào đất và đầu tư trồng loại cây mới mẻ này. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, chị cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng sau vài vụ, chị đã nắm được các kỹ thuật cơ bản cũng như "bí quyết" của nghề mới này. Với vốn đầu tư không lớn, lại quay vòng nhanh, mỗi năm gia đình chị thu lại từ nghề trồng dưa chuột khoảng 30 triệu đồng. "Thuận lợi nhất là tư thương thu mua ngay tại ruộng, mình không phải đưa đi tiêu thụ. Mà năm nay dưa chuột được giá, hiện tại là 6 nghìn đồng/kg...", chị Bắc phấn khởi cho biết.

Cùng nguồn thu từ ruộng dưa, với đàn lợn gồm 2 lợn nái và 40 lợn thịt, mỗi năm chị Bắc thu về khoảng 100 triệu đồng. Gần 1 ha mặt nước với hàng nghìn cá trắm cỏ, trê phi, cá gáy, cá mè và đàn gia cầm, bình quân chị thu gần 40 triệu đồng nữa. Như vậy, tổng doanh thu mỗi năm đạt 170 triệu đồng, lãi ròng gần một nửa. Điều đáng nói là nhờ sự bố trí hợp lý nên chỉ ở những khâu quan trọng mới cần đến hai lao động, còn hầu hết việc chăm sóc là do một mình chị đảm nhận. Chồng chị, sau thời gian đầu tư cho trang trại còn làm thêm nghề thợ nề với thu nhập khá ổn định. Từ quyết tâm và nỗ lực của mình, sau sự khởi đầu với nhiều khó khăn, hiện nay vợ chồng chị đã bắt đầu có "của ăn của để" và trang trại tổng hợp đang được đầu tư ngày càng quy mô hơn. rao đổi về những dự định của mình trong tương lai, chị Bắc cho biết, sắp tới vợ chồng chị sẽ tiếp tục mở rộng ao cá để nuôi với quy mô lớn hơn. Đồng thời sẽ thuê thêm đất để trồng dưa chuột, đáp ứng nhu cầu khá lớn của thị trường hiện nay. Vợ chồng chị cũng dành một khu vực đất quanh trang trại để trồng 200 gốc cây cao su vừa có tác dụng giữ đất, về lâu dài cũng sẽ có thêm một nguồn thu nhập. Nguồn thu từ trang trại trong thời gian qua, họ đã đầu tư cho một con trai đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan và một người con nữa đã có công việc ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh. "Chúng tôi muốn được vay vốn ưu đãi để có thêm điều kiện đầu tư và mở rộng trang trại. Bây giờ, mỗi khi mùa lũ về là vẫn nơm nớp lo bởi mùa lũ năm trước, hệ thống điện của trang trại do chưa được đầu tư hiện đại nên bị lũ cuốn trôi, thiệt hại hàng chục triệu đồng và ảnh hưởng đến sản xuất trong một thời gian...", chị Bắc tâm sự.

Nói về mô hình trang trại tổng hợp của hội viên Dương Thị Bắc, chị Võ Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Trạch cho biết: Nếu đem so con số thu nhập và lợi nhuận với một số trang trại có cây cao su, cây sắn chủ lực do các hội viên khác làm chủ, thì trang trại của chị Bắc còn ở mức khiêm tốn. Nhưng xét về hiệu quả của mô hình, thì đây là một hướng đi mà Hội Phụ nữ xã đã và đang động viên, khuyến khích chị em nhân rộng. Tận dụng ruộng đồng hoang hóa, vốn đầu tư không lớn, đầu ra cho các sản phẩm ổn định... chính là thế mạnh của trang trại này, đó cũng là hướng đi bền vững trên hành trình xóa đói giảm nghèo.

Tin tưởng rằng từ hướng đi đúng đắn và khát vọng chinh phục đồng hoang của vợ chồng chị Bắc và những người nông dân Hòa Trạch, bộ mặt nông thôn nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên quê hương Bố Trạch.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập