Chi tiết bài viết

Thức cùng con nước...

10:39, Thứ Ba, 31-12-2013

Những buổi sớm đầu đông rét thấu da thịt, màn mưa dăng dăng ẩm ướt như làm cái rét thêm phần sắc lạnh, ngoài trời vẫn là một màu đen u tịch. Dòng sông Gianh vốn dĩ hiền hòa, êm đềm đến thế vào lúc nắng sáng, bây giờ bỗng trở nên thăm thẳm, bí hiểm đến lạ kỳ...

Đồng hồ điểm 1 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Viền (Trạm thủy văn Tân Mỹ, Quảng Phúc, Quảng Trạch) đã có mặt ở bờ sông Gianh để thực hiện công việc quen thuộc hàng ngày mà hơn 30 năm qua chị vẫn làm. Đối với những người công tác trong ngành khí tượng thủy văn như chị Viền, thức khuya dậy sớm thực sự đã trở thành một “thói quen”, một “người bạn” tri kỷ, gắn bó.

Mạng lưới khí tượng thủy văn của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh hiện có 3 trạm khí tượng, 6 trạm thủy văn và 5 trạm đo mưa nằm rải rác ở các huyện, thành phố. Do đặc thù của ngành, không ít các trạm, đặc biệt là những trạm thủy văn, nằm ở nơi hoang vu, hẻo lánh, gần kề với con nước dữ, như muốn thử thách lòng kiên trì, tính bền bỉ và tình yêu nghề của đội ngũ những người làm công tác thủy văn.

Dẫu vậy, đối với hơn 13 cán bộ thủy văn của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, dù chỉ mới chập chững vào nghề được dăm năm, hay đã gắn bó suốt thời thanh niên sôi nổi, sống chung và thức cùng con nước đã là một phần không thể thiếu của cuộc đời, mà nếu thiếu, có lẽ sẽ là sự trống trải, nhớ nhung rất lớn.

Anh Ngô Văn Hà (SN 1982, Trạm thủy văn Đồng Hới trên sông Nhật Lệ) tuy mới gắn bó với nghề hơn 7 năm có lẻ, nhưng cũng đã “chinh chiến” từ Trạm thủy văn Kiến Giang (Kim Thủy, Lệ Thủy), đến Trạm thủy văn Thượng Nhật (Nam Đông, Thừa Thiên Huế)... Một ngày làm việc của cán bộ thủy văn nhìn qua thì khá đơn giản, anh Ngô Văn Hà quan trắc, đo đạc các số liệu về mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa, các yếu tố phụ, như: dòng chảy, hướng dòng chảy, các hiện tượng thời tiết bất thường...

Vào mùa khô, một ngày 4 lần (1h, 7h, 13h và 19h), chị Nguyễn Thị Viền (Trạm Thủy văn Tân Mỹ, Quảng Phúc, Quảng Trạch) đều đặn quan trắc mực nước sông Gianh

Nhưng, trên thực tế, mỗi phần việc lại đòi hỏi sự nghiêm túc, tỉ mỉ, chính xác đến từng con số. Đặc biệt, vào những ngày bão lũ, người làm công tác thủy văn mới thực sự sống chung với nguy hiểm. Anh Ngô Văn Hà chia sẻ, trong cơn bão số 10 vừa qua, với yêu cầu công việc phải cập nhật thông tin, số liệu liên tục, trong bối cảnh bão tố vần vũ, vô số cành cây, mái tôn, vật cứng... không ngừng “nhảy múa”, các anh vẫn quyết tâm đội mưa, đội gió đi làm nhiệm vụ. Còn nhớ trong một trận lũ lịch sử, anh Ngô Văn Hà đang trực ở Trạm thủy văn Kiến Giang (Kim Thủy, Lệ Thủy).

Lũ chồng lũ, Trạm thủy văn bị cô lập hơn 10 ngày, lương thực thực phẩm khan hiếm, thông tin liên lạc bị gián đoạn, đó là chưa kể đến những hiểm nguy rình rập ngoài con nước. Khi được hỏi, liệu có khi nào cảm thấy sợ hãi và muốn bỏ cuộc, người thanh niên trẻ tuổi này chỉ trả lời đơn giản, đã yêu nghề, thì dù hiểm nguy đến mấy vẫn nỗ lực để hoàn thành công việc. Ông Nguyễn Đinh Khôi (SN 1947, TP.Đồng Hới) đã gắn bó với nghề thủy văn từ khi là một chàng trai đôi mươi đầy sức sống với quãng thời gian gần 40 năm trời. Ông tâm sự, nghề thủy văn giống như đã ngấm vào máu mình, đến tận khi về hưu, nhiều lúc ông vẫn ghé Trạm thủy văn, nhung nhớ, hồi tưởng lại công việc mà mình đã “sống chung” suốt đời người.

Ông đã tham gia mở nhiều trạm thủy văn khu vực Bình-Trị-Thiên cũ, như: trạm ở đầu cầu Hiền Lương, trạm Bến Quan... Cuộc sống thuở ban đầu đầy cam go, vất vả, có thời điểm, một năm ông chỉ có thể về thăm nhà một lần, chưa kể hiểm nguy từ bom đạn, con nước... luôn rình rập. Có lẽ, nếu không có tình yêu với nghề, ông đã sớm bỏ cuộc quay về.

Với nam giới đã gian nan một, thì với chị em phụ nữ "chân yếu tay mềm", gian nan có lẽ phải là mười. Chị Nguyễn Thị Vương (Trạm thủy văn Kiến Giang, Kim Thủy, Lệ Thủy) vào nghề được 4 năm, không chỉ gắn bó với con nước sông Kiến Giang, mà còn gắn bó với rừng núi hoang vu, không gian tĩnh mịch mỗi khi đêm xuống nơi đây. Trạm cách thị trấn Kiến Giang hơn 20 cây số, mỗi lần đi chợ, chuẩn bị lương thực thực phẩm, chị Vương khá vất vả, nhất là những lúc mưa gió, giá rét.

Công việc quan trắc thường ngày của anh Ngô Văn Hà (Trạm thủy văn Đồng Hới trên sông Nhật Lệ) đòi hỏi sự nghiêm túc tỉ mỉ và chính xác.

Trạm chỉ có hai anh em chia nhau trực ca mỗi ngày, mình chị là con gái. Trực ban ngày còn đỡ, trực ban đêm mới thực sự là sự phức tạp của cảm xúc, vừa lo lắng, vừa sợ, vừa buồn, vừa cô đơn... Chị Vương tâm sự, nhiều lúc nhức nhối thèm cảm giác muốn chia sẻ, nói chuyện với ai đó, dù chỉ là một câu ngắn ngủi. Tuy vậy, vượt qua thử thách tinh thần, mọi công việc chuyên môn chị đều nỗ lực hoàn thành. Vào những ngày mưa lũ, nước sông lên nhanh, yêu cầu công việc mỗi tiếng phải cập nhật một lần, chị vẫn bình tĩnh mặc áo phao, chuẩn bị dây thừng để chằng buộc và thực hiện quan trắc, đo đạc như ngày thường. Năm 2010 trong trận lụt lịch sử, trạm bị cô lập hơn 7 ngày trời.

Mặc dù là một cô gái mới đi làm chân ướt chân ráo đã gặp ngay sự khắc nghiệt của thiên tai, nhưng chị Vương vẫn quyết tâm theo nghề bởi “đã trót yêu”. Chị cho biết, hiện tại, chỉ có một mong muốn đơn giản là "xuất hiện" một cái chợ ở gần trạm để mỗi lần đi chợ bớt vất vả, gian nan...

Riêng chị Nguyễn Thị Viền và chị Phan Thị Thu Hà (Trạm thủy văn Tân Mỹ, Quảng Phúc, Quảng Trạch) lại mang nỗi lo lắng đặt vào mùa nước dâng. Dòng sông Gianh mênh mông, êm đềm là thế, nhưng lắm lúc cũng khiến hai người phụ nữ ở Trạm thủy văn sát bờ sông này giật mình, ám ảnh. Gắn bó với nghề hơn 30 năm, mỗi lần nước sông Gianh lên là chị Nguyễn Thị Viền lại bộn bề suy nghĩ.

Năm 1990, với hai con nhỏ trên tay, mặc dù đồng chí Trạm trưởng đã cho đi sơ tán tránh lũ, nhưng lúc đó, bốn bề là nước, mẹ con không biết đi đâu, chị đành cầu trời khấn phật cho qua cơn nước dữ. Năm 2010, các chị cũng bị cô lập hơn 3 ngày trời. Đợt bão số 10 và ảnh hưởng của bão số 11 vừa qua, hai chị vất vả gian nan không kém. Trong khi bà con làng xóm xung quanh trạm chỉ cần nước lên mấp mé đã phải sơ tán vào nơi an toàn, thì hai chị vẫn phải kiên trì ở lại bám trụ. Nếu bình thường, mỗi ngày, các chị quan trắc theo 4 “ốp”: 1h, 7h, 13h và 19h, thì vào mùa mưa lũ, hầu như 24/24h phải duy trì công việc không ngơi nghỉ. Mùa lũ có nỗi cực nhọc mùa lũ, mùa khô có cái vất vả mùa khô.

Những lúc sông Gianh cạn kiệt nước, các chị phải đo thủ công bằng cách lội xa hàng chục mét dưới bùn ngập. Chị Phạm Thị Thu Hà thủ thỉ tâm sự, cánh chị em làm thủy văn không sợ mệt nhọc, hiểm nguy mà chỉ sợ... buồn. Chị kể nhiều khi mặc chiếc áo đẹp, cài kiểu tóc mới, cũng chỉ mấy chị em tự khen nhau, thiếu người chia sẻ, giao lưu.

Có một điều thật lạ là hầu hết các anh chị em trước khi chọn nghề đều chưa có hiểu biết nhiều về nghề, chưa hình dung mình sẽ làm gì trong tương lai, nhưng khi đã dấn thân, họ lại có niềm đam mê, yêu và sống chết vì nghề đến mãnh liệt. Đúng như chị Phạm Thị Lan (Trạm thủy văn Mai Hóa trên sông Gianh, Tuyên Hóa) đã khẳng định chắc nịch: “Thức cùng con nước, nhưng chúng tôi chưa bao giờ sợ. Bởi nếu sợ sẽ không thể làm nghề, chỉ có tình yêu và đam mê giữ chúng tôi ở lại với nghề...”.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập