Chi tiết bài viết

Một cán bộ nữ tận tâm với nghề

14:58, Thứ Sáu, 2-1-2009

Đến Trung tâm y tế dự phòng huyện Bố Trạch vào một ngày xuân, gặp người phụ nữ nhỏ nhắn đang ngồi tư vấn sức khoẻ cho những người dân nơi đây mới thấy hết sự tâm huyết của chị với công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ). Chị là Nguyễn Thị Vút, trưởng khoa chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

Chị Vút tâm sự: Tôi về đây công tác từ năm 1982, trải qua bao nhiêu khó khăn, vì đây là một đơn vị còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng với tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, ngay từ khi được giao nhiệm vụ, tôi đã cùng các chị em trong khoa lập kế hoạch triển khai hoạt động về tận cơ sở, phù hợp với tình hình của từng địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể từ huyện tới xã để tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

Chị nhớ lại những khó khăn vất vả trong công tác. Địa bàn hoạt động của chúng tôi quá rộng, có lần đi công tác về xã phải mất mấy ngày, nếu gặp thời tiết không thuận lợi nữa thì lại càng khó khăn hơn, mất cả tuần. Trong khi đó, nhận thức của người dân về vấn đề sức khoẻ còn nhiều hạn chế, các trạm y tế chưa được đầu tư nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật và phương tiện để nâng cao năng suất làm việc của cán bộ. Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng chưa được đầu tư đúng mức, phụ cấp cho cộng tác viên y tế cơ sở còn quá khiêm tốn, không đủ điều kiện cho chị em yên tâm làm việc. Tuy vậy, thời gian qua, chúng tôi luôn xác định chăm sóc sức khoẻ là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, vì thế phương pháp chúng tôi đặt lên hàng đầu là truyền thống chăm sóc sức khoẻ bằng nhiều hình thức như sử dụng loa truyền thanh, tư vấn sức khoẻ tại trung tâm, tại gia đình. Nhân các ngày lễ lớn hàng năm, chúng tôi truyền thông lưu động tại thôn xóm trong huyện.

Không những thế, chúng tôi đã áp dụng phương pháp truyền thông kết hợp với thực hành phòng chống suy dinh dưỡng, hướng dẫn cho chị em làm vườn dinh dưỡng tại gia đình, sử dụng những sản phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương. Hàng tháng, chúng tôi tổ chức cân trẻ và theo dõi biểu đồ...

Từ những nỗ lực trên, năm 2007 vừa qua, chị cùng các cán bộ trong khoa đã hoàn thành kế hoạch được giao rất sớm, góp phần hạ thấp tỷ lệ sinh trong toàn huyện xuống còn 15,5%. Nhằm tăng cường công tác truyền thông, cung cấp kiến thức về phòng chống suy dinh dưỡng cho các bà mẹ mang thai và bà mẹ nuôi con nhỏ nên nhận thức của người dân trên địa bàn đã có nhiều thay đổi. Có hơn 98% bà mẹ tới kỳ sinh nở đã đến sinh tại trạm y tế cơ sở. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm từ 32% (năm 2000) xuống còn 26,4% (năm 2007). Với phương châm làm việc ''bắt tay chỉ việc", trong nhiều năm qua, chị Vút đã góp sức mình đưa Trung tâm y tế dự phòng huyện Bố Trạch trở thành đơn vị dẫn đầu của tỉnh về công tác KHHGĐ, trong đó công tác đình sản đạt chỉ tiêu cao nhất trong toàn tỉnh, là lá cờ đầu về công tác dân số nhiều năm liền trong toàn tỉnh.

Là Chủ tịch công đoàn cơ sở, chị Nguyễn Thị Vút đã chủ động xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, phối hợp tổ chức nhiều phong trào thi đua đạt hiệu quả, thiết thực, thu hút được đoàn viên tham gia, tạo sự nhất trí cao trong toàn thể đoàn viên. Bản thân chị luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác, là đầu mối của sự đoàn kết trong đơn vị, say mê nghề nghiệp, phấn đấu không ngừng và động viên giúp đỡ mọi người cùng hoàn thành nhiệm vụ. Với những thành quả đó, chị Vút đã vinh dự được tặng Huy chương Vì sự nghiệp dân số, Huy chương Vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Huy chương Vì sự nghiệp hoạt động công đoàn, Bằng khen phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" và nhiều Bằng khen của tỉnh và Bộ Y tế.

Theo Thanh Liễu

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập