Chi tiết bài viết

Huyện Tuyên Hóa: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

15:2, Thứ Ba, 22-11-2022

(Quang Binh Portal) - Năm 2022, công tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Tuyên Hóa nói riêng đã gặp phải những khó khăn, thách thức. Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2021 - 2022, công tác sản xuất nông nghiệp đã chịu tác động của đại dịch Covid-19 trên người, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giá cả vật tư, phân bón tăng cao gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của bà con Nhân dân. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND huyện, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, thách thức, tạo chuyển biến tích cực đối với công tác sản xuất trên địa bàn, năng suất, sản lượng một số loại cây trồng chính tăng so với kế hoạch đề ra. 

Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản 605,8 tỷ, đạt 101,73 % kế hoạch (KH), tăng so với cùng kỳ 0,72%. Sản lượng lương thực 23.314,5 tấn, đạt 126,2% so với Nghị quyết HĐND huyện. Tổng đàn gia súc đến tháng 10/2022 là 49.707 con, đạt 97,46% so với KH, tăng 1,4% so với cùng kỳ.  Tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chiếm 54% giá trị sản xuất nông nghiệp. Sản lượng thủy sản tính đến ngày 01/10 là 542 tấn, đạt 99,45% so với cùng kỳ.  Trồng mới, trồng lại rừng tập trung trên 1.300 ha, đạt 130%. Độ che phủ rừng duy trì trên 77,4%, đạt 103,2% KH.  Năm 2022, huyện phấn đấu có thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới  đạt 100%. Đến cuối năm, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 55,56% số xã trên địa bàn huyện.

Về phát triển sản xuất, địa phương đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn gieo trồng đảm bảo khung lịch thời vụ và cơ cấu giống, tích cực kiểm tra kịp thời phát hiện, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh, thực hiện tưới nước tiết kiệm, hợp lý nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính vượt kế hoạch đề ra, trong đó cây lúa 2.623,8ha/2600ha, đạt 100,92%, tăng 1,7% so với cùng kỳ; năng suất 56,3 tạ/ha/KH 52,4 tạ/ha, đạt 107,6% KH; sản lượng đạt 14.780,2 tấn, đạt 108,55%, giảm 1,5% so với cùng kỳ. 

Tổng đàn gia súc, trâu 7.503 con/KH 7.300, đạt 102,28%, tăng 0,33 % so với cùng kỳ; bò 13.998con/KH 15.000 con, đạt 93,32% KH, bằng 97,9 % so với cùng kỳ; lợn 24.650 con/KH 25.200, đạt 97,82%, so với cùng kỳ, tăng 0,18% so với cùng kỳ; dê 3.556 con/KH 3.500, đạt 101,6%, tăng 10,5% so với cùng kỳ; gia cầm: 407.335/400.000 đạt 101,83 % KH, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Nghề nuôi ong lấy mật tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân; hiện nay, toàn huyện có 8.751 đàn, tăng 1.180 đàn so với cùng kỳ; sản lư¬ợng mật ước đạt trên 80.500kg, tăng 25.000 kg so với cùng kỳ; giá trị thu được trên 13 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản 74,03 ha, bằng so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản ước 542 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 372 tấn, sản lượng khai thác 170 tấn, bằng 97,9% so với cùng kỳ.

Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng lâm nghiệp xã hội, công tác trồng rừng được quan tâm và phát triển mạnh; công tác khoanh nuôi phục hồi, chăm sóc, bảo vệ rừng luôn được chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Bảo vệ rừng trên bình quân hàng năm 40.000 ha, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng trên 13.121,7 ha, trồng lại ước thực hiện đến cuối năm 2022 trên 1.500 ha, tổ chức khai thác rừng trồng đến ngày 01/10/2022 trên 1.300 ha, tăng (50 ha) so với cùng kỳ. 

Năm 2023, huyện Truyên Hóa tập trung thực hiện quyết liệt Đề án Phát triển chăn nuôi tập trung giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án Nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, gắn với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng bền vững  giai đoạn 2021 - 2025, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện có hiệu quả; đặc biệt là phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó ưu tiên sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng nhằm tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nông dân, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, góp phần xây dựng nông thôn mới.  

Huyện phấn đấu, sản lượng lương thực 20.500 tấn, trong đó vụ Đông Xuân 14.080 tấn; tổng diện tích cây lương thực 3.800 ha; tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 54,5% giá trị sản xuất nông nghiệp; sản lượng thủy sản 530 tấn; độ che phủ rừng duy trì trên 77,4%; tỷ lệ dân nông thôn dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh trên 97%; có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 12 xã, chiếm 66,67%.

Theo đó, để thực hiện kế hoạch năm 2023 và sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023 đạt hiệu quả, huyện Tuyên Hóa xác định các giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên các lĩnh vực, trong đó ổn định diện tích đất lúa có hiệu quả, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; quy hoạch chăn nuôi phải phù hợp với đặc điểm và lợi thế của từng vùng sinh thái nhằm khai thác tối đa tiềm năng của từng loại vật nuôi, đảm bảo phát triển bền vững, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường; thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi tập trung; cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu hóa, đàn lợn phát triển theo hướng lợn ngoại trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống, lợn đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện triển khai biện pháp thụ tinh nhân tạo; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý tốt vùng nuôi trồng thủy sản, thường xuyên theo dõi chặt chẽ nguồn nước để khuyến cáo thả nuôi các đối tượng thủy sản phù hợp, hạn chế thiệt hại do ô nhiễm môi trường nước gây ra; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Đề án Nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh để tăng năng suất gỗ rừng trồng, nhất là trồng rừng gỗ lớn với các giống năng suất cao như keo lai nuôi cấy mô, kết hợp kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu gỗ rừng trồng, hạn chế tiêu thụ gỗ dăm. Bên cạnh đó, huyện cũng ưu tiên phát triển nông thôn, tập trung giải pháp huy động tối đa các nguồn lực, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các xã điểm để đạt xã nông thôn mới, kiên quyết không để tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân đăng ký ý tưởng sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, từng bước xây dựng thương hiệu, định hướng thị trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm; đổi mới phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; đẩy mạnh vận động, thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên ngành, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lựa chọn ngành nghề phù hợp để tập trung chỉ đạo, nhân rộng; kêu gọi, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là chế biến; khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, đổi mới công nghệ; triển khai chuỗi mô hình cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn...

PV Hồng Mến
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập