Chi tiết bài viết

Tăng cường công tác vận động, xúc tiến, thu hút nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

11:18, Thứ Tư, 23-11-2022

(Quang Binh Portal) - Vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 3.845 km2 với 6.417 hộ và 27.004 nhân khẩu (chiếm 2,96% dân số toàn tỉnh), sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 102 bản thuộc 15 xã và 03 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, trong đó dân tộc Bru - Vân Kiều 4.453 hộ với 19.209 nhân khẩu; dân tộc Chứt 1.717 hộ với 7.064 nhân khẩu; các dân tộc Mường, Thổ, Tày, Thái… với 57 hộ, 177 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69,52%. 

Thực hiện Quyết định số 2152/QĐ-TTg ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và địa phương nhằm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thu hút nguồn lực vốn đầu tư, khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước, tổ chức quốc tế, tập thể, cá nhân ở nước ngoài hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó ưu tiên lồng ghép các hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư để hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Trong năm 2022, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận nguồn tài trợ của 14 chương trình dự án với tổng kinh phí tài trợ 556.460 triệu đồng (vốn tài trợ 402.847 triệu đồng, vốn đối ứng 153.613 triệu đồng), trong đó có 02 dự án ODA, 12 dự án phi Chính phủ nước ngoài. Công tác quản lý hoạt động của các tổ chức nước ngoài cũng như sử dụng nguồn vốn viện trợ đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết của nhà tài trợ, đồng thời phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các dự án tập trung vào một số lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, cung cấp nước sạch, xử lý môi trường… đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh, chính trị, an toàn xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc và miền núi. 

Điển hình như Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ kinh phí 140.300 triệu đồng xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ kinh phí 230 tỷ đồng để cải thiện thu nhập bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì cộng đồng nông thôn hòa bình; Tổ chức DKT Internationnal (Mỹ) hỗ trợ 124,43 triệu đồng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ kinh phí không hoàn lại 1.150 triệu đồng xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và xử lý vệ sinh môi trường tại khu tái định cư bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; Tổ chức Plan hỗ trợ 5.216 triệu đồng thực hiện các chương trình, dự án cải thiện điều kiện sống cho trẻ em, trẻ gái và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn; bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên không gian mạng; cải thiện chất lượng giáo dục; hỗ trợ mô hình sinh kế ở huyện Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ…

Tuy nhiên, vị trí địa lý, điều kiện địa hình tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh không thuận lợi nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động, thu hút nguồn vốn viện trợ; các nguồn vốn viện trợ đã và đang được tài trợ trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn đối với địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều chương trình, dự án không triển khai đúng theo tiến độ và hoạt động đã được phê duyệt. Các dự án ODA phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà tài trợ với nhiều thủ tục phức tạp làm mất thời gian, chậm tiến độ dự án…

Hiện nay, nhu cầu nguồn vốn để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi nguồn ngân sách tỉnh eo hẹp; nguồn vốn viện trợ của các tổ chức còn thấp so với nhu cầu thực tế của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục tăng cường và đẩy manh công tác vận động, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá nguồn viện trợ vào lĩnh vực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo, hướng nghiệp, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ khẩn cấp khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng Chương trình, dự án cụ thể, có cơ chế đặc thù, định hướng thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi, vốn phi chính phủ và các tổ chức nước ngoài đầu tư hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát quản lý, chỉ đạo đơn vị chủ quản, đơn vị tiếp nhận dự án thực hiện các thỏa thuận, dự án theo đúng cam kết với nhà tài trợ, phối hợp triển khai hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng thẩm định các khoản viện trợ không hoàn lại của tổ chức nước ngoài, đảm bảo việc thực hiện khoản viện trợ đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được tài trợ.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc tăng cường phối hợp với các tỉnh trong việc tổ chức hội thảo xúc tiến hoạt động liên quan đến thu hút đầu tư, giữa nhà đầu tư với tỉnh Quảng Bình; quan tâm, tạo điều kiện trong công tác điều phối, giới thiệu các dự án ODA, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho tỉnh Quảng Bình về các dự án có quy mô lớn trong việc hỗ trợ công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề hỗ trợ việc làm, y tế, giáo dục…

PV Mai Anh
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập