Chi tiết bài viết

Huyện Bố Trạch: Khát vọng miền Di sản

9:44, Thứ Sáu, 19-5-2023

(Quang Binh Portal) - Bố Trạch là vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, kinh tế đồi, kinh tế biển. Khát vọng về một vùng đất trở thành giàu có nay, mai đang là quyết tâm lớn của Đảng bộ và Nhân dân huyện Bố Trạch. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch đã có cuộc trao đổi, với nội dung như sau:

PV: Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXII, năm có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường phát triển 05 năm (2021 - 2025). Xin ông cho biết chúng ta cần có những giải pháp đột phá nào để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong 02 năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với cả nước, huyện Bố Trạch đã tập trung cho cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19, làm bước khởi đầu việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nhiệm kỳ gặp khó khăn, nhiều chỉ tiêu không đạt như kỳ vọng. Do đó, năm 2023 được xác định là năm “bản lề” cho cuộc tăng tốc thực hiện mục tiêu kế hoạch 05 năm 2021 - 2025. Với sự khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp, ngành đã thể hiện sự quyết tâm, sẵn sàng tăng tốc để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2023, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đề ra.

Để tăng tốc hiệu quả trong năm “bản lề”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng đã triển khai Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ với mục tiêu tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá, huy động mọi nguồn lực để phát triển KT-XH; cơ cấu kinh tế hợp lý; dịch vụ, du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần Nhân dân được cải thiện; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái; quyết tâm phấn đấu đưa huyện Bố Trạch phát triển nhanh và bền vững.

Ngoài ra, huyện xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ đột phá quan trọng, bằng các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư mọi thành phần kinh tế, huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế; phối hợp lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn để ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa phương, lĩnh vực có khả năng đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo phúc lợi xã hội; tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương để đầu tư xây dựng một số tuyến đường lớn quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, tạo nền tảng cho việc đô thị hóa; tiếp tục xây dựng để thực hiện chương trình, đề án trọng điểm theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” để xây dựng kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, huyện Bố Trạch cũng sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng vùng chuyên canh những loại cây trồng có lợi thế để phát huy chuỗi giá trị và tính liên kết sản xuất hàng hóa; chú trọng xây dựng chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, các đối tác kinh tế khác; thực hiện chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả và cơ cấu cây trồng vùng gò đồi; từng bước nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng đối với các loại cây trồng chủ lực, cây trồng tiềm năng có hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ, tập trung đất đai để thúc đẩy cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Việc thực hiện tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, Thường trực Huyện ủy cũng đã chỉ đạo địa phương rà soát tiêu chí để tập trung đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đồng thời phải hướng đến tính bền vững lâu dài của các tiêu chí, gắn với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; tiếp tục thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm; chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn có lợi thế gắn với vùng nguyên liệu, ưu tiên sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và tiêu dùng nội tỉnh để từng bước hướng đến các thị trường lớn hơn; đẩy mạnh phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo; thực hiện những chính sách khuyến công kịp thời, có giải pháp hữu hiệu để tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển đa dạng ngành nghề phi nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động ở nông thôn; phát triển nhóm sản phẩm phục vụ du lịch. 

Có thể nói, nhiệm vụ năm 2023, trong tổng thể mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ là rất lớn, những giải pháp cũng đã được xây dựng để sẵn sàng cho cuộc tăng tốc năm 2023. Vấn đề còn lại là đòi hỏi lãnh đạo các cấp, ngành trong huyện cần tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt; có sự chuyển biến, hành động ngay ở từng ngành, địa phương, cán bộ, công chức phải thật sự nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

PV: Thu hút đầu tư đang được nhiều đại phương coi là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển. Vậy, quan điểm của huyện Bố Trạch về vấn đề nay như thế nào? Và huyện đang có chính sách gì để thu hút đầu tư, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Xác định thu hút đầu tư là đòn bẩy quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, linh hoạt trong kêu gọi, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn huyện. Với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên địa bàn, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ để đáp ứng nhu cầu phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp; nỗ lực xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian cấp phép kinh doanh, song song đó, huyện đã nâng cao tính công khai, minh bạch, hoàn thiện và công bố công khai quy hoạch; thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác khảo sát địa điểm, cung cấp thông tin quy hoạch, giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng và cấp phép; đồng thời tiến hành rà soát, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, giải quyết kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp và quản lý tốt hơn doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa, xây dựng chiến lược sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, đưa hàng Việt về nông thôn, kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá trên địa bàn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, huyện cũng từng bước đổi mới, cải thiện môi trường, chấn chỉnh lối làm việc, chú trọng công tác quảng bá con người, hình ảnh, đặc biệt là những tiềm năng, thế mạnh của địa phương… Từ đó, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tin tưởng, an tâm hơn khi chọn huyện Bố Trạch để đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của địa phương; cung cấp thông tin kịp thời các dự án đầu tư, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, kịp thời giải quyết những khó khăn của nhà đầu tư; tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng. Trong tương lai gần, địa bàn huyện Bố Trạch có thêm 02 tuyến đường trọng điểm, quan trọng là Đường cao tốc Bắc Nam và Đường ven biển đi qua. Về cơ bản hướng tuyến Bắc - Nam đã được kết nối khá đồng bộ và thông suốt, vì vậy, với định hướng đón đầu, huyện đang nghiên cứu xem xét, đầu tư mới một số khu vực và một số công trình, dự án nhằm khai thác các lợi thế từ hai dự án nói trên; nhất là việc đầu tư hệ thống giao thông kết nối Đông - Tây, đảm bảo cho việc kết nối đồng bộ và thực hiện xây dựng hiện đại ở một số đoạn tuyến có điều kiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hết các tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.  

PV: Bố Trạch là vùng đất của “Vương quốc hang động” là điều kiện để phát triển du lịch, là đòn bẩy để phát triển nền kinh tế huyện nhà. Vậy, xin ông cho biết bước đột phá từ du lịch của huyện là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Bố Trạch là địa bàn rộng với 28 xã, thị trấn, trong đó có 09 xã miền núi, 06 xã miền biển và 02 xã miền núi rẻo cao. Bố Trạch được coi là điểm đến của nhiều du khách trong nước, quốc tế, với những khu du lịch hấp dẫn, nhiều loại hình du lịch phong phú như: Tham quan thắng cảnh tự nhiên, Động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, Hang Én; Sơn Đoòng, du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo tồn; thăm các di tích lịch sử là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…; Bố Trạch còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, lễ hội truyền thống, lễ hội của các bản làng dân tộc như: Lễ hội đập trống của đồng bào Macoong, Lễ hội cầu ngư... 

Thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Bố Trạch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế du lịch, tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, trong đó tập trung tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội, các cấp, ngành về định hướng của Đảng, Nhà nước để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; triển khai có hiệu quả đề án quan trọng.

Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến sự phát triển du lịch của huyện. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/HU ngày 30/3/2021 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025; UBND huyện hàng năm đã ban hành các chính sách phát triển du lịch, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch một cách hợp lý. Từ đó động viên thúc đẩy toàn dân tham gia phát triển du lịch.

Trong tình hình hiện nay, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, UBND huyện đã có những thay đổi cần thiết trong kế hoạch phát triển du lịch để dần khôi phục và phát triển mạnh nền du lịch huyện nhà: Trước hết là nhắm tới khách du lịch nội địa, phát triển phong trào “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình”, “Người Bố Trạch đi du lịch Bố Trạch”, “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch”; quảng bá một cách rộng rãi các giá trị tạo nên danh xưng “Vương quốc hang động” mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Bố Trạch, đặc biệt là qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, các chuyên trang du lịch… Xây dựng các sản phẩm du lịch có tính mới lạ, độc đáo không rập khuôn sao chép các nơi khác mà sản phẩm đó là “Chỉ duy nhất có ở Bố Trạch”. Đây là những cơ sở cốt lõi để thu hút khách du lịch quốc tế, lượng khách đưa lại doanh thu vượt bậc và có sự quan tâm đặc biệt đến các dịch vụ du lịch mạo hiểm, khám phá.

UBND huyện đang chỉ đạo xây dựng và thực hiện tiêu chí văn minh ứng xử trong du lịch, tuyên truyền thực hiện trên địa bàn huyện, nhất là các xã, thị trấn đón tiếp nhiều du khách, từng bước chuyên nghiệp hóa những dịch vụ du lịch, hướng đến “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Huyện chủ trương chỉ đạo hỗ trợ các gia đình, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, những sản phẩm du lịch mới, mô hình quản lý du lịch, học tập kinh nghiệm làm du lịch trên địa bàn.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

CTV Trọng Lãnh (Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập