Chi tiết bài viết

Quy hoạch xây dựng vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030

17:14, Thứ Năm, 17-8-2017

(Quang Binh Portal) - Ngày 14/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2885/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Theo đó, Quy hoạch có những nội dung chính sau:

1. Phạm vi ranh giới, quy mô diện tích và thời hạn lập quy hoạch

1.1. Phạm vi lập quy hoạch:

Khu vực lập quy hoạch có phạm vi từ Quốc lộ 1 ra đến biển, kéo dài theo Quốc lộ 1 từ phía Nam Cầu Quán Hàu đến hết địa giới hành chính phía Nam huyện Lệ Thủy, ranh giới như sau:

- Phía Tây Bắc giáp các xã Bảo Ninh và thị trấn Quán Hàu;

- Phía Đông Bắc giáp Biển Đông;

- Phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Trị;

- Phía Tây Nam giáp các xã Hàm Ninh, Tân Ninh, Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) và các xã Hoa Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy, Tân Thủy (huyện Lệ Thủy);

Phạm vi lập quy hoạch có liên quan đến địa giới hành chính của 11 xã, bao gồm: Võ Ninh, Hải Ninh, Gia Ninh (thuộc huyện Quảng Ninh); Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, Hưng Hủy, Sen Thủy (thuộc huyện Lệ Thủy).

1.2. Quy mô diện tích:

Toàn bộ phần diện tích là 29.645,72ha (quá trình lập quy hoạch đã nghiên cứu mở rộng phạm vi quy hoạch phù hợp với thực tế - diện tích theo nhiệm vụ được duyệt là 21.820 ha).

1.3. Thời hạn nghiên cứu lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn từ năm 2017 đến năm 2030; tầm nhìn dài hạn từ năm 2030 đến năm 2050.

2. Tính chất và mục tiêu phát triển

2.1. Tính chất vùng:

- Quy hoạch xây dựng vùng kinh tế tổng hợp, các khu chức năng đặc thù đa ngành đa chức năng, đa lĩnh vực bao gồm: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; dịch vụ du lịch; các cụm công nghiệp tập trung; các khu dân cư đô thị, nông thôn; trung tâm công cộng, các khu sản xuất nông nghiệp, rừng phòng hộ….

- Là vùng phát triển công nghiệp chế biến, khai thác nông sản, nông nghiệp, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng;

- Là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

2.2. Mục tiêu phát triển:

- Cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và Quy hoạch vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.

- Kế thừa định hướng trong quy hoạch vùng tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt.

- Xác định các vùng động lực, trục kinh tế động lực, các khu chức năng đặc thù trong vùng.

- Đề xuất phân bố không gian xây dựng các cụm công nghiệp, du lịch, hệ thống hạ tầng xã hội, và các khu đô thị, điểm dân cư nông thôn…trong đó xác định các vùng kinh tế động lực, định hướng phát triển các khu chức năng đặc thù cấp vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội theo hướng cân bằng và bền vững.

- Xác định khung hạ tầng kỹ thuật cơ bản làm cơ sở cho việc phát triển các khu chức năng đặc thù, khu đô thị, cụm công nghiệp, và các khu chức năng khác trong vùng.

- Tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quản lý quy hoạch xây dựng, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chi tiết, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

2.3. Các chỉ tiêu phát triển:

- Quy mô dân số:

+ Dân số hiện tại khu vực lập quy hoạch khoảng 48.847 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên bình quân 1,5%.

+ Năm 2030: Dự kiến tổng dân số trong khu vực quy hoạch khoảng: 68.426 người, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 25,7%.

+ Năm 2050: Dự kiến tổng dân số trong khu vực quy hoạch khoảng: 73.433 người, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 30,3%.

+ Mật độ dân cư đô thị khoảng 70-100 người/ha.

- Tổng hợp cơ cấu sử dụng đất toàn vùng:

STT

CHỨC NĂNG KHU ĐẤT

DIỆN TÍCH (ha)

TỶ LỆ (%)

1

Đất dự phòng phát triển

1.526,01

5,15%

2

Đất phát triển du lịch

3.988,04

13,45%

3

Đất phát triển dân cư đô thị

967,67

3,26%

4

Đất phát triển công nghiệp, năng lượng sạch

1.623,09

5,47%

5

Đất phát triển dân cư nông thôn

6.295,10

21,23%

6

Đất rừng phòng hộ

2.975,79

10,04%

7

Đất rừng sản xuất

5.490,34

18,52%

8

Đất phát triển ngư nghiệp

236,32

0,80%

9

Đất nông nghiệp

4.478,06

15,11%

10

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

245,13

0,83%

11

Đất an ninh quốc phòng

121,00

0,41%

12

Mặt nước

1.252,00

4,22%

13

Đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật

448,17

1,51%

 

TỔNG

29.645,72

100,00%

3. Định hướng phát triển không gian vùng

3.1. Định hướng phát triển không gian vùng:

a. Phân vùng phát triển không gian kinh tế - đô thị:

Vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chia làm 3 phân vùng: Phân vùng phía Bắc, phân vùng Trung tâm và phân vùng phía Nam.

- Vùng trung tâm (xã Thanh Thủy, Cam Thủy, Ngư Thủy Bắc, lấy khu công nghiệp Cam Liên làm động lực, định hướng phát triển thành đô thị trung tâm của vùng, kết nối cực phát triển Dinh Mười ở phân vùng phía Bắc và cực phát triển Sen Thủy ở phân vùng phía Nam bằng các tuyến đường Tỉnh lộ 569, Quốc lộ 1, Quốc lộ 1 (BOT). Mở rộng kết nối với trung tâm vùng phía Nam tỉnh Quảng Bình là thị trấn Kiến Giang và các cực phát triển ở phía Tây bằng các tuyển Tỉnh lộ 564, Tỉnh lộ 565, Huyện lộ 30.

- Phân vùng phía Bắc (các xã: Võ Ninh; Duy Ninh; Hải Ninh; Hồng Thủy; Thanh Thủy): Tính chất chủ đạo của vùng là phát triển đô thị du lịch nghỉ dưỡng và nông nghiệp sinh thái liên kết với với vùng động lực du lịch phía Nam thành phố Đồng Hới.

- Phân vùng phía Nam (xã Hưng Thủy, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, Sen Thủy): Chủ đạo phát triển du lịch sinh thái ven biển, không gian hồ Bàu Sen và sản xuất nông -lâm nghiệp trên diện tích rừng sản xuất phía Tây Quốc lộ 1.

Ngoài 03 phân vùng tổ chức tập trung như trên, khu vực quy hoạch định hướng không gian vùng dọc theo tuyến đường BOT từ huyện Quảng Ninh đến Lệ Thủy là trục liên kêt ba cụm động lực trung tâm toàn vùng. Đây là trục động lực chính, là hành lang kinh tế liên kết toàn vùng. Phía Bắc kết nối với hạ tầng đô thị Đồng Hới, phía Nam kết nối với các vùng động lực tỉnh Quảng Trị. Với vị trí có tầm quan trọng như trên, quản lý quy hoạch dọc tuyến cần có một số yêu cầu cụ thể như sau:

+ Xây dựng kế hoạch lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các khu chức năng tiếp cận trục đường này để có lộ trình phát triển phù hợp. Trong đó tập trung đồng bộ cho từng vùng, từng giai đoạn cụ thể để xây dựng quy hoạch và kêu gọi đầu tư một cách hợp lý, hạn chế việc đầu tư nhỏ lẻ, phát phá vỡ định hướng quy hoạch tổng thể liên vùng.

+ Không phát triển đất ở mới riêng lẻ và hạn chế quy hoạch các khu dân cư tập trung tiếp cận trục đường này, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dọc trục phải tổ chức đường gom để đấu nối vào Quốc lộ 1 (BOT).

+ Khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án có quy mô lớn thuộc các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghiệp sạch và dịch vụ thương mại gắn với kinh tế biển. Bên cạnh đó cần có định hướng phát triển các trạm dừng nghỉ, đất bến bãi trung chuyển hàng hóa, kho hàng… dọc tuyến để khai thác tiềm năng vận chuyển hàng hóa của tuyến đường này. Từ đó hình thành nên một trục kinh tế phụ trợ dọc tuyến đường BOT, phục vụ và hỗ trợ cho trục kinh tế và du lịch biển dọc tuyến đường tỉnh lộ 569.

+ Một số quỹ đất khác ưu tiên phát triển các mô hình trang trại sinh thái, rau sạch, rau hữu cơ, làm tiền đề cho sự phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Các trang trại chăn nuôi tập trung khuyến cáo không bố trí tiếp cận trục đường này.

b. Định hướng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư đô thị và nông thôn:

- Hệ thống các điểm đô thị: Căn cứ vào định hướng quy hoạch vùng tỉnh, các quy hoạch liên quan đã phê duyệt và các định hướng các ngành, lĩnh vực chủ chốt trong vùng, định hướng vùng ven biển hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy sẽ phát triển một đô thị mới đó là Dinh Mười (đô thị loại V dự kiến thành lập trước năm 2030). Đô thị Dinh Mười: Là trung tâm huyện lỵ mới, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá huyện Quảng Ninh trong tương lai.

- Điểm dân cư đô thị - Cam Liên: Là điểm dân cư thuộc đô thị Kiến Giang với tính chất là trung tâm kinh tế, đào tạo gắn với khu công nghiệp Cam Liên. Điểm dân cư đô thị Cam Liên xác định là khu vực đô thị hỗn hợp đan xen giữa phát triển dịch vụ phụ trợ cho công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nghiên cứu, đào tạo và dân cư đô thị, là cụm động lực phát triển phía Đông của thị xã Kiến Giang.

- Hệ thống điểm dân cư nông thôn phát triển trên nguyên tắc:

+ Thực hiện theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

+ Các khu dân cư hiện có cơ bản giữ nguyên. Các khu dân cư mới mở rộng phát triển lan tỏa trên cơ sở hiện có hoặc bố trí đan xen và lấp đầy các quỹ đất trống còn lại.

+ Hạn chế phát triển các điểm dân cư dọc theo các trục đường chính, các nút giao thông lớn, dành quỹ đất xây dựng các khu dịch vụ, thương mại tạo động lực phát triển kinh tế.

c. Định hướng kết nối các điểm du lịch:

- Trục du lịch Bắc - Nam:

+ Trục du lịch nghỉ dưỡng gắn liền với biển: Kết nối và phát triển theo trục ven biển hai huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, khai thác lợi thế bờ biển có chiều dài hơn 45km với các bãi biển đẹp, có cảnh quan tự nhiên được bảo tồn để phát triển trục dịch vụ du lịch: Biển Hải Ninh, biển Ngư Thủy Bắc, biển Ngư Thủy Nam.

+ Trục du lịch sinh thái nông nghiệp: Khu vực phía Tây Quốc lộ 1 có hệ thống cảnh quan nông nghiệp trù phú hình thành nên trục du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch tham quan kết hợp với trải nghiệm công việc nông nghiệp. Trung tâm của trục này là các khu vực: Dinh Mười, Hồng Thủy và Cam Thủy.

- Trục du lịch Đông - Tây: Kết nối các điểm du lịch trong vùng với các điểm du lịch văn hóa tâm linh khu vực phía Tây vùng quy hoạch như: Lăng mộ Lê Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh; nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; núi Thần Đinh; khu du lịch suối nước nóng Bang....., hình thành trục du lịch Đông - Tây, kết nối các mô hình du lịch thành một chuỗi có tính hỗ trợ nhau: Du lịch biển - du lịch nông nghiệp sinh thái - du lịch lịch sử, văn hóa và tâm linh.

3.2. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:

a. Giao thông:

- Hệ thống giao thông liên kết ngoại vùng:

+ Các trục liên kết theo hướng Bắc - Nam: Tuyến tránh Quốc lộ BOT kết nối từ khu vực phía Nam cầu Quán Hàu, huyện Quảng Ninh đến khu vực xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy. Tuyến đường này quản lý mặt cắt và hành lang đường theo hiện trạng với bề rộng nền đường 12m, hành lang đường bộ mỗi bên 20m đồng thời định hướng quy hoạch 02 tuyến đường gom theo quy hoạch Chung đô thị Dinh Mười mỗi bên rộng 15m. Đoạn tuyến phía Bắc khu vực xã Võ Ninh định hướng kết nối với tuyến đường 36m thuộc xã Bảo Ninh với quy mô 4 làn xe.

Ngoài ra, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam (có có một phần hướng tuyến trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông hiện có, xây dựng đạt quy mô đường cao tốc 4-6 làn xe) cũng là một trục giao thông đối ngoại liên kết với các trục đường trong vùng quy hoạch.

+ Các trục liên kết Đông Tây như: Quốc lộ 9B (Quán Hàu - Vĩnh Tuy - Vạn Ninh - Tăng Ký- Cửa khẩu Chút Mút); đường tỉnh 565 (Tỉnh lộ 16 cũ) ngã ba Cam Liên đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; Đường tỉnh 564 từ Hải Ninh đi Gia Ninh và định hướng kéo dài lên đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua các xã Tân Ninh - Xuân Ninh - Vạn Ninh.

- Hệ thống giao thông nội vùng:

Trên cơ sở tuyến tránh Quốc lộ BOT từ huyện Quảng Ninh đến huyện Lệ Thủy, kéo dài thêm đoạn tuyến từ xã Võ Ninh kết nối với tuyến đường 36m thuộc xã Bảo Ninh đạt quy mô đường 4 làn xe. Các tuyến nội vùng khác chủ yếu là các tuyến đường theo hướng Đông - Tây kết nối đường ven biển, Quốc lộ BOT và Quốc lộ 1.

- Hệ thống đường ven biển: Tuyến đường Hà Trung (xã Bảo Ninh) - Mạch Nước (giáp ranh giới giữa tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị) dài 47,0Km. Quy mô thiết kế đường cấp III đồng bằng, quy mô 4-6 làn xe. Hướng tuyến cơ bản được nâng cấp trên cơ sở đường tỉnh 569 hiện có.

- Hệ thống Huyện lộ:

+ Định hướng phát triển tuyến đường từ các xã Gia Ninh, Duy Ninh sang các xã Tân Ninh, Hiền Ninh đạt tiêu chuẩn đường cấp III, để kết nối hai khu vực Đông và Tây huyện Quảng Ninh.

+ Cải tạo, nâng cấp 100% đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp IV-V, kết cấu mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng.

+ Đường liên xã, đường xã: Nâng cấp toàn bộ mạng lưới đường xã, liên xã đạt tiêu chuẩn GTNT loại H­A, HANM, hoặc loại A.

- Hệ thống giao thông khác: Vùng lập quy hoạch chủ yếu sử dụng giao thông đường bộ, các hình thức giao thông khác như đường sắt, đường thủy, đường không chủ yếu kết nối với hạ tầng ngoài vùng quy hoạch.

b. Chuẩn bị kỹ thuật:

- Vùng Phía Đông Quốc lộ 1 cơ bản có địa hình đồi cát, chủ yếu san gạt, khống chế phù hợp với các khu vực dân cư hiện hữu lân cận. Vùng phía Tây Quốc lộ 1 có địa hình thấp hơn, vì vậy thực hiện quản lý các cao độ xây dựng đảm bảo an toàn ngập lũ và khống chế các trục tiêu chính chủ yếu (sông, suối, kênh trục chính).

- Hoàn chỉnh hệ thống thoát nước cho các đô thị, tiến tới đạt 100% đường nội thị của các đô thị có cống thoát nước mưa, 70% đường ngoại thị có cống thoát nước mưa.

c. Cấp nước:

- Nguồn nước: Khu vực lập quy hoạch sử dụng nguồn nước từ hồ Rào Đá, hồ Troóc Trâu cấp nước bổ sung cho huyện Quảng Ninh; hồ An Mã (xã Kim Thủy) hồ Phú Hòa cấp nước cho khu vực huyện Lệ Thủy.

- Chỉ tiêu cấp nước:

+ Đến năm 2030 khu vực đô thị là 12.954 m3/ng.đ; khu công nghiệp là 10.345 m3/ng.đ; khu dân cư nông thôn là 6.115 m3/ng.đ.

+ Đến năm 2050 khu vực đô thị là 16.089m3/ng.đ; khu công nghiệp là 12.850 m3/ng.đ; khu dân cư nông thôn là 6.774 m3/ng.đ.

- Phương án cấp nước:

+ Trước mắt khi hệ thống cấp nước đồng bộ chưa được đầu tư, phương án câp nước là khai thác nguồn nước ngầm hoặc nước mặt tại chỗ.

+ Lâu dài sẽ đầu tư đồng bộ các trạm cấp nước đầu mối với hệ thống đường ống cấp nước đến từng đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn để cấp nước sinh hoạt và sản xuất

d. Cấp điện:

- Nguồn điện: Đấu nối với hệ thống điện lưới Quốc gia thông qua 04 trạm biến áp trong vùng quy hoạch: Trạm biến áp 110/35/22KV -1x25MVA xây dựng mới ở khu vực phía Tây Nam khu đô thị Dinh Mười; trạm biến áp 110/35/22KV-2x40MVA tại khu vực Cam Liên; trạm biến áp 220/35/22KV-1x250MVA tại khu vực phía Bắc xã Ngư Thủy Bắc; trạm biến áp 110/35/22KV-1x63MVA tại khu vực nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Ngư Thủy Bắc. Ngoài ra còn kết nối với trạm biến áp 110/35/22KV-2x25MVA tại khu vực xã Mai Thủy để kết nối lưới điện toàn vùng.

- Dự báo chỉ tiêu, công suất tiêu thụ: Tổng phụ tải khu vực quy hoạch đến năm 2030 là 151 MVA, đến năm 2050 159 MVA.

- Phương án cấp điện:

+ Sử dụng, nâng cấp hệ thống lưới điện phân phối 220KV, 110KV đấu nối từ các trạm biến áp đầu mối phân phối đến lưới điện 22KV để cấp cho các khu chức năng.

+ Các khu vực xây dựng mới: Sử dụng hệ thống cáp ngầm; các khu vực dân cư hiện có chủ yếu chỉnh trang, cải tạo các tuyến điện theo tiêu chuẩn và di dời theo đúng chỉ giới quy hoạch.

đ. Thông tin liên lạc:

Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông công nghệ hiện đại, phủ rộng toàn vùng, với băng thông lớn, tốc độ cao và chất lượng thông tin đảm bảo độ tin cậy.

e. Thoát nước thải:

- Các khu đô thị, khu chức năng đặc thù xây dựng trạm xử lý tập trung theo quy hoạch chung được duyệt như khu vực đô thị mới Dinh Mười, khu nghỉ dưỡng FLC, khu du lịch ven biển, khu công nghiệp Cam Liên:

+ Trạm xử lý nước thải Dinh Mười - Công suất: 1.000 m3/ng.đêm.

+ Trạm xử lý nước thải Khu nghỉ dưỡng FLC 1 - Công suất: 150 m3/ng.đêm.

+ Trạm xử lý nước thải Khu nghỉ dưỡng FLC 2 - Công suất: 450 m3/ng.đêm.

+ Trạm xử lý nước thải Khu dân cư xã Hồng Thủy - Công suất: 120 m3/ng.đêm.

+ Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Cam Liên - Công suất 4.000 m3/ng.đêm.

- Khu vực nông thôn xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học tự nhiên. Khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Nước thải y tế nguy hại phải xây dựng trạm xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn hiện hành mới xả vào hệ thống cống chung.

f. Quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:

- Chất thải rắn thu gom vận chuyển theo 02 hướng chính về 02 khu vực bãi rác đã quy hoạch:

+ Bãi rác huyện Quảng Ninh ( xã Vĩnh Ninh).

+ Bãi rác huyện Lệ Thủy (xã Trường Thủy).

- Nghĩa trang: Quy hoạch 02 nghĩa trang tập trung cho toàn vùng quy hoạch, trong đó 01 nghĩa trang tại khu vực xã Ngư Thủy Bắc (cập nhật theo định hướng quy hoạch chung đô thị Kiến Giang) và 01 nghĩa trang khu vực phía Đông Nam đô thị Dinh Mười, huyện Quảng Ninh.

Ngoài ra các nghĩa địa nhỏ lẻ hiện có khoanh vùng, chôn cất theo dòng họ trên cơ sở hiện trạng:

+ Khu vực đồi cát các xã Võ Ninh, Gia Ninh, Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy...

+ Khu vực đồi núi, cuối nguồn nước xã Sen Thủy.

g. Bảo vệ môi trường:

- Bảo vệ môi trường các khu vực ven biển: Kiểm soát ô nhiễm, quan trắc môi trường, đổi mới công nghệ, lựa chọn loại hình sản xuất công nghiệp không ô nhiễm, mô hình nuôi trồng thuỷ hải sản sạch, nuôi hữu cơ, luân canh, sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý nước thải tuần hoàn.

- Bảo vệ môi trường khu vực phát triển đô thị - nông thôn:

+ Thiết lập các vành đai cây xanh trong đô thị và trong khu công nghiệp. Tăng cường trồng cây xanh hai bên đường, dải phân cách, cây xanh cách ly tại các khu nghĩa trang.

+ Ưu tiên các loại hình công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường: Công nghiệp dệt may, da giầy, chế biến nông lâm sản xuất khẩu.. khuyến khích và tiến tới sử dụng vật liệu không nung, sử dụng công nghệ xanh.

+ Bảo vệ vùng di sản văn hoá và bảo tồn đa dạng sinh học: Tăng cường quản lý, tạo việc làm cho người dân, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên. Thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của các hồ sinh thái, cảnh quan tự nhiên, rừng phòng hộ ven biển...

+ Tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, trồng cây chắn cát, bảo vệ cồn cát tự nhiên ven biển. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đồi cát ở các đoạn xung yếu nhất; định hướng phát triển công nghiệp xanh, đẩy mạnh sử dụng có kiểm soát các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời.

+ Thu gom nguồn nước thải, rác thải, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh tại các khu dân cư.

+ Sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, hạn chế tàn dư thuốc bảo vệ thực vật.

- Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng. Xây dựng các trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, theo quy hoạch.

Đ.C

Nguồn: Quyết định số 2885/QĐ-UBND ngày 14/8/2017

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập