Chi tiết bài viết

Đôi điều về thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

10:53, Thứ Ba, 9-5-2023

Thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều rất đặc biệt trong những mùa xuân cách mạng trước năm 1970. Vào thời điểm đó, cùng với thời khắc chuyển giao của trời đất “đêm giao thừa”, nhân dân cả nước lại được nghe những vần thơ bình dị, dễ hiểu, dễ nhớ đến từ thơ chúc tết của Bác. Điều ấy đã trở thành nét đặc trưng của những mùa xuân lịch sử. Năm tháng qua đi, song những bài thơ chúc tết của Bác vẫn ẩn chứa những giá trị lịch sử quý giá, để cứ mỗi độ tết đến xuân về, việc tìm đọc những bài “thơ tết” của Bác, chúng ta lại thấy được không khí của những mùa xuân cách mạng năm xưa.

Với truyền thống “trọng chữ, trọng trí”, đầu năm khai bút, cho chữ là nét đẹp của dân tộc Việt Nam. Và tết cũng là dịp để mỗi con người nhìn lại khoảng thời gian đã qua, gieo rắc hạt mầm của những dự định, ước muốn trong năm mới. Mùa xuân, mùa của giao thoa trời đất, của thời gian, của cái cũ và cái mới, sinh sôi vạn vật… đã trở thành đề tài, không gian, bối cảnh ra đời nhiều tác phẩm thơ, văn, nghệ thuật. “Thơ chúc tết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ Tết Nhâm Ngọ-1942 đến Tết Kỷ Dậu-1969, tất cả có 22 bài. Trong 24 năm giữ cương vị Chủ tịch nước (1945-1969) năm nào Bác cũng gửi thơ tết đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước, ngoại trừ một số năm do điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, đất nước nên Bác không có “Thơ tết”, hoặc chuyển qua hình thức “Thư tết”. Ví dụ như Tết Tân Tỵ (1941) do điều kiện mới về nước (28-1-1941) nên Bác chưa viết “Thư” hay “Thơ”chúc tết gửi đồng bào, tuy nhiên đây là cái tết đầu tiên sau 30 năm Bác được ăn tết trên quê hương. Các Tết, Quý Mùi-1943, Giáp Thân-1944, Ất Dậu-1945 không có “Thơ” hoặc “Thư” chúc tết, bởi tháng 8-1942 Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây đến tháng 9-1943 mới được thả. Sau này, các Tết Ất Mùi - 1955, Đinh Dậu-1957, Mậu Tuất-1958, Bác gửi tới đồng bào bằng hình thức “Thư” tết. Như vậy, nếu tính từ năm 1941 đến 1969 là 28 năm, Bác đã sáng tác được 22 bài thơ chúc tết, 3 tết không có Thư hoặc Thơ, 3 tết chúc bằng hình thức Thư tết. Điều đặc biệt, trong 22 bài thơ Bác đã khéo léo dùng các từ ngữ tốt đẹp, khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đẩy mạnh thi đua kháng chiến, kiến quốc. Trong các bài thơ tết Bác đã dùng 20 chữ Chúc, 25 chữ Mừng, 18 chữ Xuân, 4 chữ Tết; nhiều bài thơ đầu các câu thơ là lời Mừng, lời Chúc, thi đua, thắng lợi, chiến thắng… để gửi tới toàn dân, toàn quân.

Đặc biệt, mỗi bài thơ chúc tết Bác gửi đến đồng bào đã tái hiện bức tranh sinh động của lịch sử, gắn liền với hành trình hào hùng của dân tộc, đánh dấu những dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các bài thơ đều ra đời vào những thời điểm đặc biệt của lịch sử dân tộc gắn với những dấu mốc quan trọng về chặng đường vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam. Xuất phát từ bối cảnh, nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ để Bác hình thành tứ, ý, nội dung các bài thơ… Có thể chia theo bốn giai đoạn lịch sử đó là: đấu tranh giành chính quyền cách mạng (1941-1945), kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1975).

Giai đoạn (1941-1945), giai đoạn Đảng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền cách mạng. Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước, cùng với Đảng hoạch định đường lối và gây dựng cơ sở khởi nghĩa giành chính quyền. Trên thế giới, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, khi phát xít Đức tấn công Liên Xô (6/1941), cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân Liên Xô nhằm bảo vệ Tổ quốc, tiêu diệt phát xít, góp phần bảo vệ hoà bình thế giới bắt đầu. Với bối cảnh lịch sử ấy, nhân dịp xuân Nhâm Ngọ 1942, Bác viết: “Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!/ Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!”

Tiếp theo, giai đoạn từ 9/1945 đến 12/1946, đây là giai đoạn Đảng lãnh đạo nhân dân với nhiệm vụ cao nhất là bảo vệ độc lập dân tộc vừa mới giành được. Xuân Bính Tuất 1946, xuân  đầu tiên của nước nhà độc lập, song nền độc lập ấy còn chưa nguyên vẹn bởi đất nước còn bị thực dân, đế quốc lăm le xâm chiếm, nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam, bắt đầu xây dựng kháng chiến lâu dài trên cả nước. Vì vậy, Bác viết “Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/ Tết này ta tạm xa nhau/ Chắc rằng ta sẽ tết sau sum vầy”

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng (1946-1954) năm nào Bác cũng gửi thơ tết đến đồng bào. Xuân Đinh Hợi 1947, mùa xuân đầu tiên cả nước bước vào cuộc kháng chiến  “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” chống thực dân Pháp. Trong bộn bề khó khăn, thử thách, từ căn cứ Việt Bắc, Bác đã động viên, kêu gọi toàn quân, toàn dân ta “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông…”. Xuân Mậu Tý 1948, đánh dấu bước khởi sắc của cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đặc biệt là sau Việt Bắc-Thu Đông 1947, dân ta đã đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, bước đầu đứng vững về mọi mặt trong cuộc kháng chiến. Từ kết quả đạt được, Bác viết: “Năm Hợi đã đi qua/ Năm tý vừa bước tới/ Kháng chiến được thắng lợi/ Toàn dân đại đoàn kết…”. Bước sang Xuân Kỷ Sửu 1949, khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang năm thứ ba, với những thắng lợi bước đầu, chỗ đứng ngày càng vững chắc, đặc biệt chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường, Bác viết “Kháng chiến lại thêm một năm mới/ thi đua ái quốc thêm tiến tới/ Động viên lực lượng và tinh thần/ Kháng chiến càng mau thêm thắng lợi”. Xuân Canh Dần 1950, mùa xuân của lịch sử, bắt đầu cho những thắng lợi mới, Bác viết “Kính chúc đồng bào năm mới/ Mọi người đều thêm phấn khởi/ Toàn dân xung phong thi đua/ Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới…”. Xuân Tân Mão 1951, khi chiến thắng Biên Giới thắng lợi, quyền chủ động trên chiến trường hoàn toàn về phía ta, Bác viết “Xuân này kháng chiến đã năm xuân/ Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công”. Xuân Nhâm Thìn 1952, cũng như bao mùa xuân khác Bác điểm xuyến qua tình hình kháng chiến và gửi niềm tin chiến thắng đến nhân dân: “Xuân này xuân năm Thìn/ Kháng chiến vừa sáu năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm”. Xuân Quý Tỵ 1953, mùa xuân bước vào giai đoạn khóc liệt của cuộc chiến với những chiến thắng toàn diện, tinh thần hăng hái thi đua trên cả nước, đập tan kế hoạch NaVa và đi đến thắng lợi cuối cùng, Bác đã gửi nhiều lời Mừng đến nhân dân. Xuân Giáp Ngọ 1954, mùa Xuân của những nhiệm vụ lớn, trận tuyến lớn để đi đến thắng lợi quyết định, kết thúc kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tính từ 1955 đến 1969, Bác có gửi đến đồng bào 12 bài thơ. Xuân Bính Thân 1956, mùa Xuân thứ hai của miền Bắc XHCN, của khát vọng hoà bình và thống nhất non song khi đất nước bị chia cắt. Bác gửi đến nhân dân hai miền “Thân ái gửi mấy lời chúc tết/ Toàn dân đoàn kết một lòng/ ...”. Xuân Kỷ Hợi 1959, tình hình đất nước có nhiều chuyển biến quan trọng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc bước đầu đạt nhiều thành tựu, song nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà gặp nhiều khó khăn, bác viết “Chúc mừng đồng bào năm mới/ Đoàn kết thi đua tiến tới/ Hoàn thành kế hoạch ba năm/ Thống nhất nước nhà thắng lợi” . Xuân Canh Tý 1960, mùa xuân của nhiều sự kiện lịch sử khi Đảng tròn 30 tuổi, nước nhà độc lập 15 năm, thành đồng miền Nam đã vùng dậy Đồng khởi… “Mừng nước ta 15 xuân xanh/ Mừng Đảng ta 30 tuổi trẻ..”. Xuân Tân Sửu 1961, mùa xuân cách mạng mới, của kế hoạch 5 lần thứ nhất về xây dựng CNXH ở miền Bắc, và năm đầu chống chiến lược chiến tranh đặc biệt của Đế quốc Mỹ “Mừng năm mới, mừng xuân mới/ Mừng Việt Nam, mừng thế giới…”. Xuân Nhâm Dần 1962, trên thế giới ghi nhận sự lớn mạnh của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong nước thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác viết “Năm Dần, mừng Xuân thế giới/ Cả năm châu phất phới cờ hồng..”. Xuân Quý Mão, 1963, Bác viết “Mừng năm mới,/ Cố gắng mới,/ Tiến bộ mới,/ Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”. Xuân Giáp Thìn 1964, miền Bắc tăng cường chi viện cho miền Nam, hậu phương với tiền tuyến gắn kết vì sự nghiệp chung, vì mục tiêu “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, Bác viết “Bắc Nam như cội với cành,/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng…”. Xuân Ất Tỵ 1965, ghi nhận những thành tựu bước đầu của nhân dân hai miền và sự nghiệp thống nhất đất nước, đất nước tròn 20 năm giành được độc lập, Bác viết “Chào mừng Ất Tỵ xuân năm mới/ Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi,/ Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi,/ Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới…”. Xuân Bính Ngọ 1966, Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, thực hiện nhiều cuộc càn quét tìm diệt ở miền Nam hòng dập tắt ý chý chiến đấu của nhân dân ta “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plei Me, Đà Nẵng/ Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng/ Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng”. Xuân Đinh Mùi 1967, Bác ca ngợi chiến thắng của cả hai miền trong nhiệm vụ xây dựng và kháng chiến “Xuân về xin có một bài ca,/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Chống Mỹ hai miền đều đánh giởi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”. Xuân Mậu Thân, 1968, Bác so sánh với những mùa Xuân cách mạng trước, chiến thắng và khả năng chiến thắng khi trên khắp các mặt trận đều củng cố vững chắc “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ ..”. Xuân Kỷ Dậu, 1969, Tiền tuyến miền Nam, hậu phương miền Bắc ghi nhận nhiều thắng lợi “Năm qua thắng lợi vẻ vang,/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to…”…

Ngoài ra, thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính chính luận, thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Hầu hết các bài thơ đều có kết cấu gồm có 3 phần: mấy câu đầu thường là tựa đề nhìn lại năm cũ và những dấu ấn đạt được, mấy câu cuối thường nói về nhiệm vụ sắp tới và nguyện vọng, mong ước lâu dài. Đọc thơ Bác hầu như bài nào ở vào giai đoạn nào cũng đều mang hương sắc của không khí vui tươi ngày tết, những lời chúc tốt đẹp, nhưng đồng thời là lời gửi gắm về nhiệm vụ, niềm mong ước trong tương lai.

Trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bài thơ chúc tết Nhâm Ngọ, Bác đã mong muốn đất nước sẽ độc lập, cách mạng thế giới sẽ thành công. Nhưng bên cạnh đó còn là nhiệm vụ, là chỉ thị của Đảng giao cho các lực lượng cách mạng phải hoàn thành, những nhiệm vụ phải làm. “Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong, chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi/ Chúc đồng bào ta đoàn kết mau/ Chúc Việt-Minh ta càng tiến tới/ Chúc toàn quốc ta trong năm này/ Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới/ Năm này là năm Tết vẻ vang/ Cách mệnh thành công khắp thế giới”

Bước sang thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ dù trong bối cảnh chiến tranh khắc nghiệt, thơ  tết của Bác vừa mang sắc thái nghệ thuật của tinh thần lạc quan, giàu tính chiến đấu và tính chính trị: Đó là đánh giá toàn diện những kết quả, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đã qua; đó là các biểu hiện về chủ trương, đường lối, nhiệm vụ sắp tới; đó là lời phát động chiến đấu, hoặc giao nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu cách mạng.... Hầu hết các bài thơ tết, Bác luôn truyền tải đến thông điệp, yêu cầu nhiệm vụ của năm mới, hoặc vài năm tới phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ. Thậm chí, bài thơ tết Xuân 1968 còn là phát súng báo hiệu cuộc tổng tấn công nổi dậy Mậu thân 1968.

Thơ tết Xuân 1968 của Bác (nguồn: Internet)

Năm tháng qua đi, làn gió lịch sử đã phần nào đó xóa mờ đi những ký ức, song mỗi lúc Tết đến Xuân về, tìm đọc thơ tết của Bác vẫn là điều rất thú vị, đem đến những hơi thở mới, sức sống mới trong tết nay. Đặc biệt, đọc Thơ tết để hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc bởi “Thơ tết” của Bác có những giá trị của lịch sử tốt đẹp luôn hiện hữu mãi với thời gian.

Theo https://quangbinh.dcs.vn/

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập