CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH

Nỗ lực duy trì việc làm phục hồi thị trường lao động

20:22, Thứ Tư, 21-12-2022

(Quang Binh Portal) - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 4.015 doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu với khoảng 45.320 người, trong đó 18 doanh nghiệp Nhà nước với 3.330 người; 3.974 doanh nghiệp dân doanh với 38.090 người; 23 doanh nghiệp FDI với khoảng 3.900 người.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số doanh nghiệp có sử dụng số lượng lao động trên 1.000 người có khoảng 04 - 05 doanh nghiệp, số còn lại chủ yếu sử dụng từ vài chục đến vài trăm lao động. Qua nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp, từ tháng 8/2022 đến nay, mặc dù có một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh nhưng chưa có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; tuy nhiên có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc có cắt, giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ một số ngày trong tháng để chờ đơn hàng.

Nguyên nhân việc giảm giờ làm trong các doanh nghiệp là do ảnh hưởng biến động kinh tế chung của kinh tế thế giới; các khách hàng chính của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề dẫn đến việc không có đơn hàng sản xuất, doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động (có các doanh nghiệp có thời điểm đơn hàng giảm từ 30 - 70%, như Công ty Cổ phần Dệt may Huế - Chi nhánh Quảng Bình, Công ty TNHH May Thăng Long...) do đó buộc phải giảm giờ làm, nghĩ chờ việc để chờ đơn hàng mới.

Trước tình hình đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để có phương án kết nối cung - cầu lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm... Liên đoàn Lao động tỉnh cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc của người lao động trên cơ sở giữ tối đa số lượng người lao động có việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc sẽ bị giảm, gián đoạn đơn hàng, đặc biệt là các tháng đầu năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Để duy trì việc làm phục hồi thị trường lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, khắc phục khó khăn nhằm tạo việc làm ổn định cho người lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động theo quy định; tổ chức thực hiện các tiêu chí an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ trong doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động vào làm việc.

Mặt khác, các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người lao động cùng chia sẻ khó khăn chung với doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua, sớm phục hồi sản xuất, thị trường lao động; thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhằm kịp thời tham mưu giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế của địa phương, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu, lao động, kịp thời tạo việc làm cho người lao động; triển khai Kế hoạch về thu thập lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm có cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thực tế tại địa phương, yêu cầu của thị trường lao động; tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

PV:NQ

Các tin khác