Chi tiết bài viết

Nguyễn Hàm Ninh (1808 - 1867)

23:44, Thứ Sáu, 3-10-2014

Ông tự là Thuận Chi, hiệu là Tĩnh Trai, người làng Phù Hoá, sau dời đến làng Trung Thuần xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.


Lăng mộ Nguyễn Hàm Ninh - Ảnh: Phạm Văn Thức

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được người cô nuôi cho ăn học. Năm Kỉ Sửu (1829) đỗ Tú tài đến năm Tân Mão (1831) đỗ thủ khoa kì thi Hương, được bổ Tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) năm 23 tuổi, quen thân với Cao Bá Quát, ông nhiều lần bị thăng giáng, đang làm Quốc học độc thư bị gièm pha phải thôi việc; đang làm Chủ sự phủ Tôn nhân bị cách chức; đang làm Án sát Khánh Hòa, bị thuyền buôn bắt chở sang Trung Quốc nên khi về lại bị triều đình cách chức, rồi bị đưa ra Đà Nẵng. Sau đó, ông được phục chức cũ, được cử làm trước tác ở Viện Hàn Lâm, nhưng một lần nữa lại bị cách chức.

Nguyễn Hàm Ninh nổi tiếng hay chữ. Ông là bạn xướng hoạ của Cao Bá Quát. Ông là tác giả của các tập thơ "Tĩnh Trai thi tập", "Tĩnh trai văn tập" (chữ Hán), một bài văn tứ lục Phản thúc ước và một số bài thơ, ca trù (chữ Nôm). Bài văn Nôm Phản thúc ước là bài văn được đọc trong lễ tế thần theo tục lệ hằng năm ở nông thôn. Thông thường các văn tế thường khuyên dân làng sống an phận, nhẫn nhục chịu đựng những bất công trong xã hội, còn Phản thúc ước chống lại điều đó, công kích rất mạnh bọn cường hào, vạch trần những ung nhọt của xã hội.

Nguồn: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam
NXB Giáo dục, Hà Nội - 2005

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập