Chi tiết bài viết

Xả thân cứu người

17:12, Thứ Hai, 11-10-2010

Bất chấp lũ dữ, họ vẫn lao ra giữa dòng nước xiết hướng về nơi có tiếng kêu cứu tuyệt vọng của người dân. Nếu không có họ, số người chết do trận mưa lũ vừa qua ở Quảng Bình còn tăng gấp nhiều lần.

Sau cơn lũ, căn nhà của anh Hoàng Văn Ninh ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình đã trôi theo dòng nước. Vợ con anh Ninh mấy ngày nay phải tá túc nhà người quen, còn anh vẫn đôn đáo đi cấp phát hàng cứu trợ hoặc giúp bà con dọn dẹp nhà cửa.

Xoay xở trong đêm

Chị Nguyễn Thị Tình, vợ anh Ninh, tâm sự: “Hôm lũ về, anh Ninh lo chèo ghe đi cứu người nên của cải trong nhà không kịp lấy thứ gì. Anh chạy ghe chở khách du lịch, còn tôi chụp ảnh cho khách tham quan động Phong Nha, vợ chồng tích cóp mãi mới xây được căn nhà nhưng chừ thì không còn một thứ gì”.

Tối 4-10, lũ ập đến, toàn bộ nhà dân thôn Xuân Tiến ngập sâu hơn 2 m. Nước vẫn tiếp tục dâng và chảy rất xiết. Hàng trăm người chỉ biết trèo lên trên nóc nhà, cầu thang kêu cứu tuyệt vọng. Thấy tình hình nguy cấp, Ninh chèo ghe chở vợ con qua gửi bên nhà người chú rồi vội vã quay về cứu bà con.

Tới đầu thôn, nghe chị Phương ngồi trên cầu thang nhà kêu cứu, anh Ninh liền tìm cách lách qua khỏi những sợi dây điện chằng chịt, đưa ghe qua cửa đón chị qua ngôi nhà cao tầng cạnh bên trú ẩn.

Mãi lo cứu người, căn nhà và mọi tài sản của anh Hoàng Văn Ninh đã bị lũ dữ cuốn phăng

Chưa kịp quay ghe, Ninh lại nghe tiếng kêu cứu của bà Thiệu cùng 2 cháu nhỏ đang mắc kẹt trong nhà. Không chút do dự, anh cho ghe lao thẳng vào, nhanh chóng đưa 3 bà cháu bà Thiệu đến nơi cao ráo.

Trong đêm tối mịt mùng, tiếng kêu cứu của hàng chục người dân thôn Xuân Tiến vẫn liên tục vang vọng. Một mình Ninh với chiếc ghe giữa dòng nước lũ lần lượt tới từng nhà cứu mọi người, nhờ vậy thôn không có ai thiệt mạng.

“Gần 21 giờ, khi tình hình đã tạm ổn, tôi định chèo ghe quay về xem nhà cửa của mình thế nào thì lại nghe tiếng kêu cứu của một phiên dịch viên đi cùng 2 du khách nước ngoài đang mắc kẹt ở khách sạn Thảo Nguyên. Tôi liền đưa ghe tới cứu họ đến chỗ an toàn. Khi về tới nhà, căn nhà và mọi của cải của vợ chồng tôi đã trôi theo nước lũ” - anh Ninh nói.

Cao Văn Thí (trái) cùng gia đình chị Hiên, người đầu tiên được anh cứu trong trận lũ dữ


Chưa kịp định thần, anh Ninh lại nghe loáng thoáng có tiếng kêu cứu nên quay ghe đi tiếp. Vừa mới quay lại, gặp lũ cuốn mạnh, gió thổi to nên chiếc ghe lật úp, chìm sâu dưới nước.

Anh Ninh phải cố hết sức bơi gần 50 m mới tới được căn nhà 2 tầng kế bên. Không kịp cởi bộ quần áo ướt sũng, anh đã chụp lấy chiếc ghe cạnh đó rồi dốc hết sức chèo thẳng về hướng có người kêu cứu. “Trong nhà lúc đó có đến 5 - 6 người, nước lũ đã lên quá cửa, ghe không thể vào được. Tôi hét lớn bảo mọi người leo lên trần nhà tháo ngói chui ra để lên ghe. Phải mất gần một giờ, tôi mới cứu được hết người trong nhà này” - anh Ninh kể.

Sáng hôm sau, lũ tiếp tục dâng, rốn lũ Sơn Trạch chìm trong biển nước. Anh Ninh lại tiếp tục chèo ghe tới ứng cứu bà con ở thôn 1, đưa nhiều người đến nơi an toàn. “Khi chèo ghe cứu người, tôi nghĩ mình có thể sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng nhưng không thể không đi. Hàng chục người đang kêu cứu tuyệt vọng thì làm sao mình làm ngơ được” - anh Ninh tâm sự.

Ngồi chờ chết, gặp cứu tinh

Cạnh thôn Xuân Tiến, trong cơn lũ dữ vừa qua, toàn bộ nhà dân thôn Hà Lời cũng ngập sâu trong biển nước. Suốt đêm 4-10, đâu đâu cũng nghe tiếng người dân kêu cứu. “Nếu đêm đó không có anh Cao Văn Thí thì cả trăm người trong thôn đã thiệt mạng do bị lũ cuốn” - chị Nguyễn Thị Hiên, người đầu tiên được anh Thí cứu, cảm kích.

23 giờ đêm 4-10, nước lũ dâng cao gần 3 m. Thí vội vàng đưa cha mẹ, vợ con lên ghe chở qua gửi nhà người quen trú ẩn rồi lần theo tiếng kêu cứu để tiếp ứng.

Chị Hiên xúc động: “Lúc đó, nước đã ngập tới tận trần nhà, cả gia đình tôi trèo lên gác ngồi chờ chết nhưng may mắn được anh Thí tới cứu”. Việc giải cứu gia đình chị Hiên gặp rất nhiều khó khăn vì chị mới sinh con được 14 ngày, nhà lại thêm đứa cháu mới 4 tuổi.

Với chiếc thúng này, chị Phương đã cứu gần 100 người dân thôn Phú Kinh trong rốn lũ

“Phải khó khăn lắm tôi mới bồng được mẹ con chị Hiên cùng đứa cháu lên ghe. Trên đường đến nơi tránh lũ, đứa cháu sợ quá run rẩy rơi xuống nước, tôi phải nhảy theo quần thảo một lúc mới vớt được. Suốt quãng đường còn lại, một tay chèo ghe, tay kia tôi phải ghì chặt đứa bé vì sợ nó lại rơi xuống nước” - anh Thí nhớ lại.

Đưa xong gia đình chị Hiên tới nơi an toàn, Thí vội vàng quay ghe trở lại cứu chồng và mẹ chị. Chưa kịp lấy lại sức, nghe tiếng kêu cứu của chị Nguyễn Thị Thái trong thôn, anh lại chèo ghe tới. Lần ứng cứu này cũng vô cùng gian nan vì chị Thái mới sinh con 20 ngày, nhà chị lại ở nơi nước lũ chảy xiết, cây cối rậm rạp... Phải mất gần 30 phút, Thí mới đưa được họ ra khỏi nhà.

Không kịp nghỉ ngơi, anh Thí lại tiếp tục chèo ghe đến các ngôi nhà trong xóm cứu hàng chục người đang mắc kẹt trong biển nước mênh mông. Đến 3 giờ hôm sau, khi trong thôn đã hết tiếng người kêu cứu thì anh Thí lại nhận được điện thoại cầu cứu từ xóm Lính kế bên. Nước lũ lúc đó đã lên gần 4 m, 6 nóc nhà với hơn 30 người ở xóm Lính sắp chìm trong dòng nước. “Mọi người đứng ngồi lố nhố trên nóc nhà chờ đợi. Do ghe nhỏ, chỉ chở được 2 người nên tôi phải chèo tới, chèo lui vài chục lần mới đưa hết mọi người lên lèn núi tránh lũ” - anh Thí cho biết.

Trời tờ mờ sáng, khi người dân xóm Lính đã được an toàn, anh Thí quay ghe về nhà lặn ngụp trong biển nước nhặt nhạnh được một gói muối, ít gạo và một cái xoong đem lên núi cho người dân nấu ăn. Tới lúc đó, Thí gần như đã kiệt sức nên giao chiếc ghe lại cho cha và chú mình tiếp tục đi cứu người.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, 60 tuổi, người dân xóm Lính, kể lại chuyện gia đình mình được anh Thí cứu mà nước mắt cứ chảy dài: “Nhà tôi có 6 người, chồng thì già yếu, mấy đứa cháu lại nhỏ dại nên khi nước lũ dâng chỉ biết leo lên nóc nhà chờ chết. Nếu không có anh Thí thì cả gia đình tôi và nhiều người dân xóm Lính đã chết sạch cả rồi”.

Bóng hồng trong rốn lũ

Đêm 4 rạng sáng 5-10, nước lũ hung hãn đổ về thôn Phú Kinh, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình như thác, hất văng cả một đoạn dài đường bê tông dẫn lên cầu treo; nhà cửa, cây cối bị phá tan tành. Vậy mà hôm đó, một mình chị Mai Thị Hoài Phương đã bất chấp nguy hiểm, chèo thúng đảo quanh thôn cứu gần 100 người thoát chết.
 
Chị Phương nhớ lại: “Lũ về nhanh, tôi chỉ kịp đưa gia đình lên ga Lạc Sơn lánh nạn rồi quay về nhà canh chừng. Rạng sáng 5-10, nghe tiếng người dân trong thôn kêu la tuyệt vọng, tôi liền tức tốc chèo thúng tới ứng cứu”.
 
 Trong rốn lũ, chiếc thúng của chị Phương chỉ như chiếc lá giữa biển khơi. Mưa to, gió lớn, lũ chảy xiết, chiếc thúng cứ xoay tít giữa biển nước. Trong khi đó, gần 100 người - đa số là người già, phụ nữ và trẻ em - đang lâm nguy, chỉ biết dỡ mái ngói chui đầu ra vẫy tay kêu cứu.
 
Cắn răng dốc hết sức, chị Phương chèo thúng tiếp cận từng người. Mỗi lần, chị chở được 2 người đưa vào núi rồi quay lại cứu người khác. Đến 18 giờ, gần 100 người dân thôn Phú Kinh đã được chị Phương đưa đến nơi an toàn.

 

Hơn một ngày liên tục dầm mình trong mưa lũ, lại không kịp ăn uống gì nên đêm đó, chị Phương đổ bệnh, không còn chút sức lực.
 
Ông Cao Huấn, 70 tuổi, một người tàn tật được chị Phương cứu sống, xúc động: “Nếu chị Phương tới muộn một chút thôi, chắc gia đình tôi đã chết hết rồi”.
 
Sau cơn lũ, căn nhà chị Phương trống hoác, tất cả tài sản đã trôi theo dòng nước. Gặp tôi khi vừa tỉnh táo sau cơn bệnh nặng, chị bộc bạch: “Của cải mất còn làm lại được chứ bà con có mệnh hệ gì thì mình mang tội suốt đời.
 
Một mình vừa xoay xở với nước lũ vừa bồng người từ trên nóc nhà xuống thúng, chừ mà làm lại như rứa chắc không nổi mô! Lúc đó, thấy bà con nguy cấp nên mình như được tiếp thêm sức mạnh”.

Bài và ảnh: QUANG TÁM
(www.nld.com.vn)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập