Chi tiết bài viết

Niềm khát khao cháy bỏng

14:14, Thứ Tư, 8-12-2010

Sau hơn 31 năm giảng dạy và làm công tác quản lý, đến giữa năm 2010, nhà giáo nhân dân (NGND) Nguyễn Xuân Tiều, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Ðồng Hới (Quảng Bình) được về hưu. Thế nhưng những trăn trở với nghề dạy học, khát khao nâng cao chất lượng giảng dạy vẫn luôn cháy bỏng trong ông.

Ðến thăm ông vào một chiều đầu tháng 11, chúng tôi vô tình được chứng kiến một câu chuyện giữa NGND Nguyễn Xuân Tiều và hai mẹ con chị nọ chung quanh câu chuyện hướng nghiệp cho con. Chị có đứa con gái út vừa tốt nghiệp THPT đang học đại học kế toán tại chức ở TP Ðồng Hới mà theo chị là để sau này vào làm việc ở cơ quan bố. Còn cháu bé thì học một cách miễn cưỡng vì không thích ngành học này. Hai mẹ con đến gặp NGND Nguyễn Xuân Tiều để được tư vấn về hướng nghiệp cho cháu. Thầy giáo Tiều đón họ trong sự niềm nở rồi ông mời cháu gái đến trước máy tính cá nhân của mình thực hiện các bài trắc nghiệm chọn nghề. Qua năm lần test, kết quả cho thấy, tư duy học sinh này không phù hợp với nghề kế toán và em cũng không thích học nghề này; ngược lại em có thiên hướng về nghệ thuật hơn là gắn bó với những con số tính toán. Nhà giáo Nguyễn Xuân Tiều góp ý với chị nên để con mình lựa chọn nghề hơn là ép cháu học nghề.

Câu chuyện của chúng tôi đã xoay quanh vấn đề tư vấn hướng nghiệp thông qua máy tính mà NGND Nguyễn Xuân Tiều tâm đắc. Ông nói, chỉ qua vài lần test như vậy sẽ cho thấy khả năng tư duy của từng học sinh như thế nào, phù hợp với nghề gì để tư vấn cho các em chọn nghề; nếu không nhiều em sau khi tốt nghiệp THPT không biết chọn nghề gì, cứ nộp hồ sơ thi theo bạn, hoặc theo sự sắp đặt của gia đình. Nếu tư vấn hướng nghiệp tốt sẽ giúp học sinh tự tin trong việc lựa chọn và đào tạo nghề, góp phần phân luồng hợp lý học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, tiết kiệm chi phí cho từng gia đình và xã hội.

Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (KTTHHN) Ðồng Hới là cơ sở giáo dục đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thông qua phần mềm máy tính. Năm 2006, đề tài này đã được Bộ GD-ÐT đánh giá cao và nhà giáo Nguyễn Xuân Tiều đã được mời báo cáo về ứng dụng đề tài tại hội thảo về hướng nghiệp dạy nghề do Bộ GD-ÐT tổ chức tháng 6-2008 tại tỉnh Quảng Ninh. Những năm gần đây, toàn bộ học sinh theo học tại Trung tâm đều được tư vấn hướng nghiệp một cách khoa học như thế, nên việc lựa chọn, đào tạo nghề của các em thu được hiệu quả cao. NGND Nguyễn Xuân Tiều cũng là người đi đầu trong việc tuyên truyền ứng dụng cách làm này để tư vấn, hướng nghiệp nghề cho học sinh trong ngành GD-ÐT Quảng Bình. Tại các diễn đàn, ông say sưa nói đến việc làm này và giới thiệu với nhiều người để hiểu được cách phân loại sở thích, khả năng tư duy, qua đó giúp cho công tác hướng nghiệp mang tính thực tế và hiệu quả hơn.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Tiều được đồng nghiệp yêu mến phong tặng 'chiến sĩ xung kích của ngành GD-ÐT'. Quả thực, suốt cả chặng đường gắn bó với ngành giáo dục, ông đã có những đóng góp không nhỏ để củng cố và nâng cao hiệu quả đào tạo của ngành học bổ túc - đào tạo nghề ở Quảng Bình.

Năm 2002, Trung tâm KTTHHN Ðồng Hới gặp nhiều khó khăn, giám đốc bị cách chức. Nơi dạy và học nằm trong khuôn viên một khu di tích lịch sử. Khi được điều động về làm giám đốc, việc làm đầu tiên của thầy giáo Nguyễn Xuân Tiều là xây dựng đề án củng cố, phát triển Trung tâm hướng nghiệp mà trước hết là tách nơi làm việc của đơn vị ra khỏi khu di tích. Chỉ sau hai năm, việc đổi mới hoạt động của Trung tâm KTTHHN Ðồng Hới đã thu được kết quả khả quan. Ðơn vị đã có nơi làm việc khang trang. Ðội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, ý thức trách nhiệm cao. Qua ba kỳ thi học sinh giỏi kỹ thuật do Sở GD - ÐT Quảng Bình tổ chức gần đây, học sinh của Trung tâm đều dẫn đầu về giải cá nhân. Từ năm học 2006-2007 đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của Trung tâm đạt cao nhất trong khối ngoài công lập.

Từ việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS ở thành phố Ðồng Hới còn những bất cập khiến không ít em không có tay nghề để lập nghiệp, ông đã xây dựng đề án 'liên kết đào tạo nghề dài hạn, kết hợp thực hiện chương trình bổ túc THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS'. Ðây là mô hình được áp dụng đầu tiên ở Quảng Bình và nhận được sự ủng hộ tích cực. Mỗi năm, Trung tâm được giao tuyển sinh đào tạo hai lớp với 100 học sinh, ông liên kết với Trường trung cấp nghề Quảng Bình để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho học sinh. Từ đó, các em vừa học văn hóa, vừa được đào tạo nghề may công nghiệp hoặc điện dân dụng. Phần văn hóa bậc THPT và một phần lý thuyết nghề do giáo viên của Trung tâm giảng dạy, phần lý thuyết nghề còn lại và hướng dẫn thực hành rèn tay nghề do giáo viên Trường trung cấp nghề đảm nhiệm. Từ kết quả đào tạo của khóa đầu tiên cho thấy, việc liên kết đào tạo nghề dài hạn kết hợp với học bổ túc đã thu được hiệu quả cao. Học sinh học văn hóa, đồng thời học nghề để khi ra trường vừa có bằng bổ túc nhưng cũng được công nhận bậc thợ 3/7 để có thể tự làm nghề kiếm sống, hoặc học thêm nâng cao tay nghề, có thể quay trở lại thi vào đại học.

Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Tiều, điều quan trọng nhất của việc liên kết đào tạo này là để một bộ phận học sinh không cảm nhận rằng mình bị 'bỏ rơi' do học lực trung bình hoặc yếu không vào được các trường THPT. Mặt khác, việc liên kết đào tạo đã làm cho chất lượng học các môn văn hóa được nâng cao so với chỉ học văn hóa thuần túy; đồng thời tiết kiệm kinh phí và cả thời gian cho người học. Nhiều em đã tự làm ra sản phẩm và sửa chữa dịch vụ được thị trường chấp nhận.

Ðến nay, hai đơn vị đã liên kết đào tạo được năm khóa, trong đó có ba khóa với gần 300 học sinh đã ra trường. Cùng với học lý thuyết, học sinh được thực hành trong các nhà xưởng với đầy đủ các thiết bị của trường trung cấp nghề và tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh Quảng Bình nên việc rèn luyện tay nghề có nhiều thuận lợi. Có hai khóa học, các doanh nghiệp đến 'đặt hàng' toàn bộ học sinh để đưa về làm công nhân với bậc thợ 3/7.

NGND Nguyễn Xuân Tiều kể lại, có lần ông đến Xí nghiệp xuất khẩu may Hà Quảng (thuộc Công ty cổ phần May 10 - Hà Nội) thì nhiều công nhân may đến chào mình. Hỏi ra mới biết, các em là 'sản phẩm' của việc liên kết đào tạo nghề dài hạn và bổ túc THPT mà ông là 'cha đẻ'. Họ bây giờ đã trở thành những công nhân may lành nghề tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Ông nói vui 'tôi trồng cây đã đến ngày hái quả'. Hiệu quả xã hội của mô hình liên kết đào tạo là chỗ đó.

Khi nhận xét về người đồng nghiệp đáng kính của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc phục trách Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Ðồng Hới nói: 'NGND Nguyễn Xuân Tiều đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục. Ông là nhà giáo có tài năng sư phạm, là tấm gương sáng để đồng nghiệp và học sinh noi theo'.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp 'trồng người' năm 1998, thầy giáo Nguyễn Xuân Tiều được tặng danh hiệu NGƯT, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2000 và năm 2008; năm 2010 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Vừa qua, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGND để ghi nhận những công lao, đóng góp của ông đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

HƯƠNG GIANG
(Nhân dân)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập