Chi tiết bài viết

Người Hội trưởng dám nghĩ, dám làm

9:20, Thứ Hai, 15-11-2010

(Website Quảng Bình) - Hiền lành, nhỏ nhắn, giọng nói truyền cảm, đó là ấn tượng đầu tiên của những ai đã một lần được gặp chị. Chị không chỉ là nông dân điển hình trong sản xuất giỏi mà còn là tấm gương sáng về sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm và tấm lòng nhân hậu, bao dung...

Với hai bàn tay trắng, chị đã xây dựng thành công mô hình trang trại chăn nuôi, chế biến và dịch vụ thức ăn, thuốc thú y và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vùng gò đồi ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch. Chị là Dương Thị Hạnh, Hội trưởng Hội Trang trại chăn nuôi xã Tây Trạch.

Vốn là một giáo viên mầm non nhưng mỗi lần về thăm quê, nhìn thấy người dân quê mình nghèo khó, chỉ canh tác một vụ lúa, đất đai nhiều nơi còn hoang hóa, tiềm năng kinh tế vùng gò đồi còn bỏ ngõ, nhiều gia đình thiếu ăn, con cái đi học phải vay mượn hoặc bỏ học về sản xuất nông nghiệp. Gia đình chị lúc đó cũng rất khó khăn, chồng không có việc làm ổn định, thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương "ba cọc, ba đồng" của chị. Sau nhiều đêm suy nghĩ và khảo sát địa bàn, thị trường, chị nhận thấy có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương bằng chính bàn tay, sức lao động của mình. Vì mưu sinh, chị tạm gác công việc đã gắn bó 12 năm qua để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi, chế biến và dịch vụ thức ăn, thuốc thú y và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vùng gò đồi ở xã Tây Trạch với mong muốn tăng thu nhập cho gia đình và giúp nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đồng thời hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cùng với lòng quyết tâm, ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, nhất là sự động viên, chung sức của gia đình và bà con nông dân, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp với quy mô 200 lợn ngoại/lứa. Ban đầu, chị vừa học tập kinh nghiệm, vừa sản xuất và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi tiên tiến nên sau 3 tháng, gia đình chị đã xuất chuồng lứa lợn đầu tiên. Với thành công đó, chị đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, mở rộng quy mô và hiện đại hóa sản xuất với quy mô 300 - 500 lợn thịt/lứa.

Song song với việc mở rộng quy mô trang trại, chị còn là nhà phân phối cấp I của Công ty Sản xuất thức ăn gia súc Dabaco trong việc cung ứng thức ăn chăn nuôi gia súc cho các hộ chăn nuôi, đồng thời tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm chăn nuôi cho các trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh nhằm góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất.

Qua hơn 5 năm hoạt động, mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình chị phát triển ngày càng bền vững và có thu nhập ổn định từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Ngoài việc phát triển mô hình trang trại của gia đình, chị đã tiến hành đầu tư trên 15 tỷ đồng cho bà con nông dân vay để mua giống, thức ăn gia súc; đầu tư, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho 30 hộ chăn nuôi của xã Hoàn Trạch, Vạn Trạch sản xuất con giống. Bên cạnh đó, chị cũng đã thu mua lợn giống với giá thị trường và cung ứng giống cho 30 hộ chăn nuôi; hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu lợn thịt của các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã với giá cao hơn giá thị trường (từ 2-3 giá/kg), bình quân tiêu thụ 30 - 50 con/ngày.

Để giúp đỡ bà con nông dân trên địa bàn, chị đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để thành lập Hội Trang trại chăn nuôi gồm những nông dân cùng sở thích và chí hướng sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Hội Trang trại chăn nuôi đã có 65 thành viên, hoạt động theo quy chế thỏa thuận, tự nguyện. Với cương vị là Hội trưởng, chị đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô trang trại như tổ chức hội thảo về chăn nuôi; tạo điều kiện cho nông dân đối thoại với các nhà khoa học để giải đáp những vướng mắc trong sản xuất, chăn nuôi; tổ chức các buổi sinh hoạt để hướng dẫn về kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh và giới thiệu, bao tiêu sản phẩm cho nông dân... Từ năm 2004, chị bắt đầu triển khai cung ứng giống cho dân mua trả chậm gối đầu thức ăn, tư vấn kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng và tổ chức tiêu thụ sản phẩm sau xuất chuồng cho người chăn nuôi. Hàng năm, Hội Trang trại chăn nuôi đã và đang thu mua, bao tiêu sản phẩm lợn thịt, cung cấp giống và thức ăn cho 30 trang trại trong vùng, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc thú y, quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn đảm bảo yêu cầu. Từ năm 2006 đến nay, Hội Trang trại chăn nuôi đã xuất bán bình quân trên 700 tấn lợn hơi/năm, thu được trên 25 tỷ đồng/năm, ước tính năm 2010 tiêu thụ 750 tấn lợn hơi.

Nhờ xây dựng được mô hình chăn nuôi có hiệu quả, tạo được uy tín, đảm bảo chất lượng thịt lợn sạch nên chị đã xây dựng được thương hiệu thịt lợn “Chị Hạnh” trên địa bàn. Chị tâm sự: Là người nông dân nên chị thấu hiểu nỗi vất vả của người sản xuất nông nghiệp, “được thì ít, mất là trắng tay”, nên chị đã tích cực, chủ động giúp đỡ các hộ chăn nuôi khác phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, để vươn lên thoát nghèo. Thời gian qua, chị đã giúp được 10 hộ nghèo lên khá, 20 hộ khá lên giàu và nhiều hộ chưa biết chăn nuôi nay trở thành người chăn nuôi giỏi, quy mô đàn trên 100 con. Hàng năm, gia đình chị còn giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên, hàng chục lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định, giúp đỡ cho trên 30 hộ về vốn, con giống và thức ăn, sau khi xuất chuồng mới hoàn trả vốn. Ngoài ra, gia đình chị cũng vừa mới đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng 01 lò sấy sắn với công suất 30 tấn/ngày nhằm tiêu thụ sắn cho bà con nông dân.

Về kế hoạch trong thời gian tới, chị chia sẻ: Gia đình chị sẽ mở rộng quy mô trang trại từ 700 đến 1.200 con, tăng đàn lợn nái lên 50 con, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thu mua lợn thịt cho 30 trang trại và các xã, vùng lân cận, mở cơ sở sơ chế thịt lợn cung cấp cho thị trường xuất khẩu, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho gia đình.

Không chỉ là một nữ doanh nghiệp thành đạt, chị còn là một người mẹ, người vợ đảm đang, một người công dân gương mẫu. Trong thời gian qua, gia đình chị luôn thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên ủng hộ các quỹ từ thiện như Quỹ hỗ trợ nông dân nghèo của huyện, Quỹ hỗ trợ nông dân nghèo của tỉnh...

Với những thành tích đạt được, chị đã được Đảng uỷ, chính quyền tin tưởng, bà con xã Tây Trạch nể phục và UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào nông dân thi đua yêu nước giai đoạn 2005 - 2010, Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện và Hội Nông dân huyện Bố Trạch khen thưởng.

Mai Anh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập