Chi tiết bài viết

Tuổi nhỏ làm việc lớn

16:14, Thứ Năm, 21-10-2010

Với vóc dáng nhỏ bé so với lứa tuổi 14, nặng chừng 35 kg, không ai nghĩ Phạm Đức Diệm, học sinh lớp 9E, Trường THCS xã Phúc Trạch lại có thể lập nên kỳ tích cứu 13 người trong trận lũ kinh hoàng xảy ra vào đêm 4/10/2010.

Chúng tôi về thôn 4 Thanh Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch khi đợt mưa lũ thứ hai lại ập về. Con đường nhỏ hẹp rải sỏi vốn đã khó đi nay càng trở nên cách trở, lầy lội với bùn đất nhão nhoẹt. Do vị trí địa lý, địa hình nơi đây vốn đã tách biệt nay càng trở nên cô lập khi có thiên tai mưa lũ. Trong câu chuyện về tình hình thiệt hại của trận lũ lụt, ông Trương Xá, trưởng thôn 4 Thanh Sen cứ nhắc đi nhắc lại và tấm tắc khen về thành tích cứu người của cậu bé Diệm.

Theo chân ông trưởng thôn, chúng tôi tìm về nhà Phạm Đức Diệm. Hôm ấy chủ nhật, Diệm được nghỉ học nhưng cậu đang phải phụ giúp bố ngoài đồng. Khác với hình dung ban đầu, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi Diệm bước vào chính là vóc dáng nhỏ nhắn của em. Bố em, ông Phạm Văn Triều cho biết, cháu chỉ nặng chừng 35 kg, khá nhỏ so với các bạn cùng lứa tuổi. Chính bởi sinh ra trong gia đình đông anh em, Diệm là con thứ trong số 7 anh em, nên cậu phải vừa học vừa phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, việc nhà. Cuộc sống đông con của một gia đình theo đạo Thiên chúa giáo ở thôn công giáo toàn tòng trở nên chật vật, khó khăn. Tuy nhiên, dù nghèo khó, Diệm cũng như tất cả các anh em đều được bố mẹ giáo dục và răn dạy nhiều điều hay, lẽ phải, về tình làng nghĩa xóm, kính già yêu trẻ...

Như rất nhiều địa phương khác của huyện Bố Trạch, tại thôn 4 Thanh Sen, xã Phúc Trạch, vào đêm 4-10-2010 có mưa rất to, nước dâng làm ngập nhiều hộ dân trong thôn. Để tránh lũ, gia đình anh Triều đã phải di dời tất cả các thành viên lên trú ẩn trên tra (gác xép) bởi nước dâng cao gần đến nóc nhà. Đang lúi húi vật lộn với cơn mưa xối xả và nước dâng mấp mé nóc nhà thì khoảng hơn 1 giờ sáng, anh Triều nghe thấy tiếng kêu cứu của ông Trương Toan và rất nhiều phụ nữ, trẻ con khác ở nhà gần đó. Trong lúc gia đình đang rơi vào hoàn cảnh chạy lũ nguy cấp, đặc biệt tài sản giá trị là 3 con trâu còn mắc kẹt phía dưới chưa kịp cứu, nhưng không một phút chần chừ, anh Triều đã quyết định cho đứa con trai của mình đi cứu người. Toàn bộ thôn 4 Thanh Sen không nhà nào có đò. May mắn cho gia đình anh là trong nhà có sẵn một chiếc săm lốp xe đã được bơm căng. Nhưng oái săm là ''Chiếc phao cứu sinh'' này bị mắc kẹt trên nóc nhà do nước dâng cao. Đang phân vân chưa biết xử lý thế nào thì Diệm đã nghĩ ra cách xịt lốp xe rồi mang theo chiếc bơm bơi ra ngoài lèn. Trong đêm tối, cả hai bố con hì hụi bơm chiếc săm xe làm phao rồi kiếm thêm miếng ván nhỏ buộc chặt vào hai thành phao làm chỗ ngồi. Thế rồi, trên chiếc phao tự chế ấy, Diệm đã lao đi cứu người. Mặc dù ngôi nhà có người kêu cứu chỉ cách nhà em khoảng 150m nhưng vì lúc ấy nước sông tràn vào chảy xiết nên Diệm phải chèo xuôi theo dòng nước rồi vòng ngược mất khoảng 200m mới đến được ngôi nhà ấy. Đó là ngôi nhà của ông Trương Toan (58 tuổi), là hàng xóm của gia đình anh Triều.

Hơn nửa tháng sau đêm kinh hoàng đó, ông Trương Toan vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: ''Đêm đó nước dâng cao quá, nhà tui vì làm bằng gỗ, có tra, nên trở thành nơi trú ẩn của hai gia đình kế bên. Nhà anh Hoàng Lưu và Trương Bảy lúc đó chỉ toàn phụ nữ và trẻ con bởi cả hai người đàn ông đều đi rừng mắc kẹt không về được. Trong nhà tôi lúc đó có cả thảy 13 người, trừ tôi là đàn ông còn lại có 4 phụ nữ và 8 trẻ nhỏ đều phải leo lên nóc nhà kêu cứu. Khi nước lũ dâng lên gần sát nóc, chỉ còn ba hàng ngói nữa là toàn bộ ngôi nhà ngập chìm trong nước, đang trong cơn nguy cấp thì chúng tôi thấy cháu Diệm xuất hiện". Và trong đêm mưa to gió lớn ấy, cậu bé Diệm chỉ với chiếc phao nhỏ bé, dùng chân làm chèo, đã đưa từng người về trú ẩn tại nhà mình. Cứ mỗi lần Diệm đưa người về gần đến nhà, ông Triều lại túc trực sẵn ở đó, dỡ ngói để cho từng người luồn vào. Có những lúc người trước chưa kịp chui vào trong nhà thì Diệm đã đưa được người tiếp theo về đến. Đến gần 3 giờ sáng, toàn bộ 13 người đã được đưa về an toàn tại nhà anh Triều. Nhanh nhẹn, hoạt bát là thế nhưng khi được hỏi về cảm giác lúc ấy, Diệm lại rụt rè, cười bẽn lẽn. Bố em bảo: ''Lúc đó trong nhà có 3 con trâu, tài sản có giá trị nhất, chưa di dời được nhưng tui khuyên cháu phải đi cứu người trước, mạng người mới quan trọng cô à''. Trong đêm tối, dòng nước lũ chảy xiết, chiếc phao lại quá nhỏ nên mỗi lần chèo, Diệm chỉ đưa được 1 người. Tổng cộng em phải di chuyển 13 chuyến, mỗi chuyến cả đi và về hết 400m. Tính ra, trong đêm mồng 4 rạng sáng ngày 5-10, suốt gần 3 tiếng đồng hồ, cậu bé Diệm đã vượt quãng đường hơn 5km giữa dòng nước lũ để cứu lấy mạng sống của những người hàng xóm.

Giống như bao đứa trẻ trong thôn, tan cơn lũ, Diệm phải trở lại trường học. Hành trang hôm nay của em giờ vơi đi nhiều bởi cơn lũ kinh hoàng hôm ấy đã nhẫn tâm cuốn trôi toàn bộ sách vở, áo quần. Dù đã cố gắng nhưng 10 quyển vở mà nhà trường phát để kịp thời động viên học sinh sớm ổn định học tập quả là ít ỏi. Trước mắt em và các bạn học sinh vùng lũ là biết bao bộn bề khó khăn và thiếu thốn. Cả thôn ai cũng cảm kích trước hành động của Diệm nhưng vì điều kiện kinh tế họ cũng chỉ biết cảm kích và chia sẻ bằng tấm lòng của người dân quê. Hôm về thăm Diệm, tôi cũng đã nhận được thông tin: Phan Đức Diệm đang được UBND xã Phúc Trạch đề nghị UBND huyện Bố Trạch khen thưởng về thành tích cứu người trong mưa lũ. Dẫu sao, đó cũng là một sự động viên rất lớn về mặt tinh thần cho cậu bé dũng cảm, dù tuổi nhỏ nhưng hành động không nhỏ chút nào.

Báo QB số 205 - 2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập