Chi tiết bài viết

Tuổi cao gương sáng

9:19, Thứ Ba, 15-12-2009

"Tuổi cao trí càng cao", câu nói đó thật đúng đối với ông Trần Văn Phệ ở tiểu khu 11, phường Bắc Lý thành phố Đồng Hới. Mặc dù đã vào tuổi ''cổ lai hy'' nhưng ông luôn năng nổ với công tác xã hội và còn làm kinh tế gia đình giỏi.

Trước đây, cả gia đình ông Phệ chỉ sống nhờ vào đồng lương cán bộ hợp tác xã ít ỏi của ông. Dù vợ ông đã tiết kiệm và thu vén hết sức mà nguồn thu nhập ấy vẫn không đủ chi phí cho gia đình. Năm 1994, sau khi về hưu, ông Phệ bàn với vợ lên khai hoang vùng đất trũng ở tại phường Bắc Lý để phát triển kinh tế. Từ suy nghĩ muốn làm giàu, trước hết phải tự túc được lương thực trong gia đình, ông Phệ đưa toàn bộ gần 1 ha đất khai khẩn được vào trồng lúa. Vùng đất trũng mà gia đình ông làm cũng chỉ có thể trồng lúa một vụ vì chưa chủ động được nguồn tưới tiêu. Nghĩ là làm, với ít vốn của gia đình chắt góp được, ông Phệ vay thêm số tiền gần 15 triệu đồng của bạn bè đầu tư mua máy bơm nước cải tạo đồng ruộng để làm lúa 2 vụ/năm. Cần cù chịu khó chăm bón, mỗi năm gia đình ông đã thu hoạch được 4-5 tấn lúa.

Năm 2004, thực hiện chủ trương ''dồn điền đổi thửa'' của chính quyền địa phương, ông Phệ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang làm ao hồ để nuôi cá nước ngọt. Ngày đầu
mới chuyển đổi, gia đình ông chưa có kinh nghiệm nuôi cá nên có những vụ ông mất trắng, do mật độ thả cá quá dày và thời tiết không thuận lợi. Không nản chí, những năm sau, ông đúc rút kinh nghiệm và tích cực theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng các mô hình làm kinh tế để áp dụng cho gia đình mình, mang lại hiệu quả hơn. Nhận thấy, làm mô hình kết hợp sẽ vừa tận dụng được diện tích trang trại lại tăng nguồn thu trên một diện tích đất và giảm chi phí nên ông Phệ thực hiện kết hợp chăn nuôi gia cầm, nuôi cá với chăn nuôi lợn thịt. Nhờ mô hình kinh tế kết hợp này, mỗi năm ông có thu nhập 50 triệu.

Khi đã có của ăn của để, ông Phệ quyết định đầu tư làm dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho bà con nhân dân trong vùng. Ông mua sắm máy cày làm đất, máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy xay xát, máy cưa xẻ gỗ và đưa các loại máy cơ giới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp với mục đích góp phần giải phóng phần nào sức lao động cho người nông dân ở địa phương. Ông Phệ tâm sự: ''Nông dân chúng tôi muốn phát triển kinh tế, muốn làm giàu thì phải biết tích góp, chịu thương chịu khó và biết tận dụng, khai thác được điều kiện đặc thù của địa phương".

Chính nhờ mạnh dạn đầu tư và nắm bắt được nhu cầu của người dân để phát triển kinh tế, mà hiện nay gia đình ông Phệ đã trở nên khấm khá và có nguồn vốn để mở rộng và đa dạng ngành nghề kinh doanh. Năm 2007, gia đình ông đã mở thêm cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và mua sắm thêm ô tô tải. Không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình, ông Trần Văn Phệ còn giúp đỡ, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn của mình cho bà con trong phường và trực tiếp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Điển hình, ông đã tổ chức được một đội bốc vác gồm 10 người và trả lương theo sản phẩm với mức thu nhập gần 2 triệu đồng/ tháng/ người. Hiện nay, gia đình ông đã xây được nhà khang trang, có cửa hàng và kho bãi rộng... với tổng giá trị tài sản trên 6 tỷ đồng.

Không chỉ là một người cao tuổi làm kinh tế giỏi, ông Phệ còn tham gia tích cực vào hoạt động của Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi và công tác nhân đạo từ thiện. Hàng năm, gia đình ông đều đạt danh hiệu ''Ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu thảo hiền'' và danh hiệu ''Gia đình văn hoá''.

Báo QB số 241

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập