Chi tiết bài viết

Không ngại khó, ngại khổ

15:10, Thứ Tư, 28-10-2009

Là con trai lớn trong một gia đình có 3 người con, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, trong khi đất đai canh tác lại ít nên tuổi thơ của Phan Văn Tuấn, sinh năm 1979 ở thôn 3, xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) đã sớm chịu nhiều vất vả. Học chưa xong THPT, anh đã xung phong lên đường nhập ngũ. Vừa chọn cho mình môi trường rèn luyện tốt, vừa mang suy nghĩ sẽ bớt được một miệng ăn trong gia đình, giúp ba mẹ có điều kiện hơn để tập trung nuôi hai em ăn học…

Năm 2000, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, Phan Văn Tuấn tích cực tham gia phong trào thanh niên cơ sở và tranh thủ thời gian học văn hoá để tốt nghiệp THPT. Sôi nổi, nhiệt tình với phong trào đoàn thể, Tuấn được bầu làm Bi thư chi đoàn thôn rồi tiếp đó là Phó Bí thư Xã đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN xã Quảng Thạch. ''Ngày tôi xuất ngũ trở về địa phương hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn, hai em còn đi học, tôi cũng đang theo học văn hoá cho hết cấp 3. Để giúp đỡ gia đình, tôi tập trung vào khai hoang đất đồi, trồng các loại cây lương thực và rừng kinh tế…" Tuấn nói. Trong 2 năm 2000 - 2001, Phan Văn Tuấn và gia đình đã khai hoang được 4 ha đất trống đồi trọc trên vùng đồi núi Quảng Thạch cằn khô. Có bàn tay chăm bón cần cù của người thanh niên không ngại khó, ngại khổ, những vườn sắn, mía... đã vươn mầm lên xanh hết vụ này qua vụ khác, mang lại cho gia đình Tuấn nguồn thu nhập đáng kể. Năm 2004, khi phong trào phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi diễn ra khắp nơi, nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng kinh tế, Tuấn chuyển phần lớn diện tích đất đồi sang trồng bạch đàn rồi tiếp đó là keo. Vốn ít, để tiết kiệm chi phí trồng rừng, Tuấn thực hiện đổi công lao động cho các hộ dân xung quanh. Ngày qua ngày, tay cuốc, tay rựa Tuân ở lì trên đồi chăm sóc rừng cây ''khởi nghiệp'' của mình. Đến nay, 3 ha rừng bạch đàn của Tuấn đã bán được lứa thứ 2, thu về hơn 70 triệu đồng. Tuấn còn đầu tư mua giống, khai hoang trồng thêm 1 vạn cây keo, đến nay đã 3 năm tuổi và đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại cho anh một nguồn thu nhập khá trong vài năm tới.

Cùng với phát triển vườn rừng, Phan Văn Tuấn tập trung cải tạo vườn tạp, đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế. Trên diện tích 0,5 ha vườn nhà được cải tạo anh và gia đình trồng 100 gốc tiêu, hàng trăm gốc cam, chanh, bưởi... Anh và gia đình còn trồng 0,5 ha lúa để bảo đảm nguồn lương thực sử dụng trong nhà, không phải mua gạo ngoài, đồng thời trồng 1 ha màu với các loại cây lạc, đậu, mè, sắn. Chưa dừng lại ở đó Tuấn vay 20 triệu đồng từ kênh vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn đầu tư nuôi bò: anh tìm mua về 3 bò cái sinh sản để nuôi gây giống, phát triển nuôi bò đàn. Đồng đất Quang Thạch rộng lớn, nhất là vùng đất đồi, rất phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc nên đàn bò của Tuấn nhanh chóng sinh sôi. Hiện tại, cứ mỗi năm anh bán 2- 3 con bò và bảo đảm đàn bò của gia đình luôn có 10 con. Riêng thu nhập từ chăn nuôi và vườn nhà, gia đình Tuấn đã có số tiền trên 50 triệu đồng/năm. Tuấn tâm sự: ''Lao động trong nông nghiệp ở quê tôi vất vả lắm, ruộng đất ít, năng suất không cao, nhưng nếu mình ngại khó, ngại khổ, không biết cố gắng để vượt lên hoàn thành thì sẽ chẳng có gì cả. Nhờ thành quả lao động mấy năm qua mà gia đình tôi đã làm được nhà mới khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi gia đình. Cuộc sống gia đình đã ổn định hơn trước nhiều lắm...''.

Dẫn chúng tôi đi một vòng trong khu rừng bạch đàn, keo đang toả bóng, Tuấn cho biết sắp tới anh sẽ đầu tư trồng mới 1 ha keo và nuôi mấy trăm con gà để có thêm thu nhập cho gia đình. Chúng tôi thầm chúc cho anh người thanh niên không ngại khó sớm thành công với mô hình kinh tế của mình, là tấm gương cho thanh niên học tập noi theo.

Báo QB số 211

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập