Chi tiết bài viết

Tấm lòng của cô giáo Hoàng Thị Đào

16:4, Thứ Năm, 24-9-2009

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của huyện Quảng Trạch, cô ước mơ sau này khi lớn lên sẽ trở thành một cô giáo và hơn thế nữa là cô giáo không chỉ mang cái chữ, mà mang cả tình thương chăm lo cho những học sinh nghèo. Và ước mơ đó của cô bé Hoàng Thị Đào ngày nào đã trở thành hiện thực. Năm 1994, cô về nhận công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới ngay sau khi Trung tâm vừa thành lập được hai năm.

Những ngày đầu tiên ở Trung tâm, cô Hoàng Thị Đào thực sự lo lắng vì học trò của cô là những đứa trẻ thiệt thòi, ngây ngô, khờ khạo, dù cô có cố gắng bao nhiêu thì các em cũng không thể vui chơi, học tập và sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường. Dạy các em không chỉ bằng trách nhiệm, nghĩa vụ và chuyên môn của một cô giáo bình thường mà dạy các em phải bằng cả nhiệt huyết, tâm sức và có cả sự kiên trì, biết chịu đựng, biết hy sinh. Đã bao đêm cô không thể nào chợp mắt được vì hình ảnh những đứa trẻ thiệt thòi, là những học sinh thân yêu của cô với đôi tai câm đặc, đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, đầu óc ngây ngô, khờ dại... Nỗi xót xa cho hoàn cảnh của các em, tinh cảm của một người giáo viên dành cho học sinh thân yêu đã thôi thúc cô phải làm một điều gì đó cho các em. Chính vì vậy, cô đã tìm ra phương pháp giáo dục riêng của mình, đó không chỉ là việc dạy những chữ ê, a, những dấu nhân, dấu cộng, không chỉ hết giờ lên lớp rồi mang cặp ra về mà phải dạy các em gần gũi, hòa đồng với mọi người, dạy các em băng tình yêu thương, sự quan tâm săn sóc và chia sẻ Biết vui cùng niềm vui của các em, động viên, an ủi mỗi lúc các em buồn, mỗi lúc các em không làm chủ được mình. Đó là tình cảm không chỉ của một người cô dành cho học sinh mà phải bằng tấm lòng của một người mẹ đối với những đứa con bất hạnh.

Công việc của những ngày đầu ở trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới tuy vất vả nhưng cô đã tìm được niềm vui. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, mọi người vẫn nhìn thấy cô Hoàng Thị Đào, chở sau chiếc xe máy cà tàng của mình một, hai đứa trẻ khuyết tật về nhà. Cô chăm sóc, tắm gội, cho các em ăn uống và gần gũi các em. Đối với các em, đây là những phút giây quý báu được sống trong tình thương, được vui đùa, được chia sẻ, được cô hiểu như chính người mẹ hiền đang chăm bẳm các con.

Cũng bằng tấm lòng của một người cô và sự yêu mến đặc biệt đối với những đứa trẻ tật nguyền, cô Hoàng Thị Đào không đành lòng nhìn các em suốt đời cam chịu số phận, sống lầm lũi và héo mòn theo những bất hạnh của mình. Nghe đâu có trẻ em khuyết tật là cô xin phép nhà trường, lặn lội đến nhà, vận động gia đình đưa các em đến trung tâm để học. Có lẽ đến bây giờ, cô không còn nhớ hết mình đã bao nhiêu lần đi đến tận Quảng Hoà, lên tận Hiền Ninh, lên Nông trường Việt Trung và các nơi khác để vận động các em về học tại trung tâm. Và kỷ niệm về quãng thời gian vật lộn đầy vất vả cùng với sự lớn lên, sự hiểu biết, sự trưởng thành trong cuộc sống của các em đã đong đầy trong cô. Một lần, em học sinh tên Huyền được bố mẹ dẫn tới trung tâm và giao lại cho cô giáo. Khi bố mẹ ra về, em nằng nặc đòi về theo, cô cố giữ em lại, thế là em nhảy vào cướp ngay chiếc kính cô đang đeo trên mắt ném vỡ tan, giật dây chuyền của cô và đánh vào mặt cô. Cô cố chịu đựng, nhưng đêm về không khỏi chạnh lòng và khóc một mình.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng cô đã vượt qua tất cả để bằng lương tâm, trách nhiệm của một người cô giáo, bằng tình yêu thương của một người mẹ cô đã gần gũi và cảm hóa các em. Để hôm nay đây, những đứa trẻ bất hạnh ở trung tâm luôn xem cô như là một người mẹ. Và bé Huyền, mỗi lần nhìn lên cặp kính của cô lại cúi mặt biết lỗi, và nhìn cô bằng ánh mắt đầy sự ăn năn như thầm hứa với cô sẽ chẳng bao giờ làm điều đó nữa.

Cũng bằng chính lòng yêu thương con trẻ và trách nhiệm với nghề, trên cương vị là tổ trưởng cô đã luôn gương mẫu, thường xuyên có sự theo dõi, kiểm trá việc dạy dỗ, chăm sóc các em của các thầy cô trong tổ mình. Theo dõi nắm số lượng các em để có biện pháp thăm hỏi và vận động các em trở lại trường. Trong công tác chuyên môn, cô luôn có những tìm tòi để nâng cao phương pháp giảng dạy, để truyền thụ kiến thức cho các em.

Hết mình với nghề, những tưởng trong gia đình cô sẽ là người hạnh phúc. Thế nhưng, tai họa ập xuống gia đình cô, khi căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi tính mạng người chồng thương yêu, chỗ dựa của cuộc đời cô. Nỗi đau tưởng như sẽ làm quật ngã người phụ nữ ấy. Nhưng rồi cô đã gượng dậy, đứng lên để sống, để nuôi con và tiếp tục sự nghiệp cao quý của mình. Lúc này đây, đứa con trai là niềm an ủi lớn nhất trung cuộc đời cô. Cô đã nuôi con khôn lớn, hiện giờ con trai của cô đang là sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Giao thông Đà Nẵng. Không quên nỗi đau mất chồng, cô đã dồn hết tình thương yêu cho con và dùng tâm huyết cho những em học trò bất hạnh của mình.

Thầy giáo Trần Quang Trung, Phó Chủ nhiệm Trung tâm cho biết: "Cô Hoàng Thị Đào là một người giáo viên nhiệt tình, giàu lòng thương yêu học trò, thực sự chăm lo cho các em cả trong học tập và cuộc sống. Ngoài trách nhiệm và lương tâm một nhà giáo, cô còn đối với các em như một người mẹ đối với những đứa con yêu. Với đặc thù của những đứa trẻ không bình thường ở trung tâm thì việc nói để các em hiểu và nghe là đã khò. Nhưng cô Đào đã làm được nhiều hơn thế, cô cảm hóa học trò bằng tình thương và trách nhiệm. Các em cũng dành cho cô tình thương và lòng kính trọng. Làm được điều đó là cô đã thành công. Cô đã hy sinh cuộc sống riêng tư để dồn tất cả tâm huyết cho học sinh. Nhiều học sinh ở đây được nuôi dưỡng tâm hồn bằng chính tình yêu thương và trách nhiệm của cô".

Bằng tâm huyết đối với nghề, bằng lòng nhân ái, yêu thương đối với những đứa trẻ bất hạnh, cô giáo Hoàng Thị Đào xứng đáng với danh hiệu giáo viên giỏi dạy trẻ khuyết tật toàn quốc 10 năm giai đoạn 1995 - 2005 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng. Ngoài ra, cô cũng được Hội Người tàn tật tỉnh tặng giấy khen về thành tích chăm sóc và dạy trẻ khuyết tật.

Báo QB số 186

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập