Chi tiết bài viết

Một người tàn tật biết vươn lên làm giàu

15:58, Thứ Năm, 3-9-2009

Đó là anh Nguyễn Văn Biên ở thôn 5, xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới. Từ một người tàn tật, phải chật vật kiếm ăn từng bữa ngày nào, giờ anh Biên đã trở thành ông chủ một trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi rộng lớn, với thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm.

Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, anh tự hào khoe cơ ngơi của mình và bồi hồi nhớ lại quãng đời gian khổ đã qua: "trong lao động sản xuất, tôi không may bị bom mìn nổ phải cắt bỏ cánh tay phải. Thời gian đầu, có lúc tôi tưởng chừng như mình hoàn toàn ngã quy bởi sự đau khổ, tuyệt vọng khi đời sống gia đình chủ yếu dựa vào người chồng, người cha mà mình thì đã mất đi cánh tay phải" Nhà nghèo, bản thân mình trở nên tàn tật, nhìn người vợ lao động quần quật trên mấy thửa ruộng, gạo không đủ ăn, phải sắn khoai thay cơm, lòng anh như có lửa đốt. Vợ anh lại thường xuyên ốm đau, khi bốn đứa con lần lượt ra đời thì cảnh nghèo càng thêm khó khăn, đặc biệt là khi đất nước chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Không cam chịu trước cảnh đói nghèo, anh quyết tâm lao động: ’’Mình cần phải biết vươn lên để là chỗ dựa cho người vợ hiền và bốn đứa con thơ. Muốn làm giàu thì phải đầu tư tiền của và công sức vào cải tạo đất đai để phát triển nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm". Nghĩ là làm, năm 1996, vợ chồng anh Nguyễn Văn Biên mạnh dạn vay vốn từ Chương trình xoá đói giảm nghèo đấu thầu hơn 2 ha mặt nước ao hồ và ruộng sâu để cải tạo nuôi cá nước ngọt. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn... Năm đầu tiên cá chết hàng loạt, thiệt hại 5-6 triệu đồng. Tìm hiểu nguyên nhân biết là do nguồn nước không sạch, anh Biên tìm sự giúp đỡ từ Hội Nông dân xã, Chi cục Thú y đồng thời anh vay thêm người thân, bạn bè một số tiền để cải tạo hệ thống dẫn nước trong ao hồ và đầu tư thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt xen lúa với những giống cá trắm, mè, chép... Nhờ áp dụng những phương pháp, kỹ thuật có được từ các buổi tập huấn, mô hình cá - lúa trang trại của anh đưa lại hiệu quả ngày càng cao. Mỗi năm thu được khoảng 2 - 2,5 tấn thóc, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi được 20 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, nghe báo, đài nói đến việc phát triển chăn nuôi có hiệu quả, qua bao đêm suy tính, với số vốn tự có, anh Biên bàn với vợ vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, lợn giống. Để nâng cao kiến thức về chăn nuôi, anh Biên tích cực tham gia các lớp tập huấn do Chi cục Thú y và Hội Nông dân thành phố tổ chức. Ngoài ra, anh còn tìm tài liệu để nghiên cứu, học hỏi, bổ sung kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn. Chính vì thế, lợn giống do trang trại anh cung cấp luôn đảm bảo chất lượng con giống tốt, có sức đề kháng cao. Đàn lợn thịt, lợn giống được anh kết hợp nuôi xen kẽ. ’’Hai năm trở lại đây, thịt lợn lên giá nên mô hình chăn nuôi kết hợp này cho thu nhập khá ổn định". Anh tâm sự: Mỗi năm, trang trại của anh xuất chuồng từ 4-5 tạ lợn hơi, 20-30 con lợn giống. Ngoài hàng chục con lợn hàng năm, tận dụng diện tích tự nhiên rộng lớn xung quanh ao cá, chuồng lợn, anh nuôi thêm gà, vịt. Hơn 100 con gà, vịt/lứa, mỗi năm cũng cho anh thu nhập thêm 15 triệu đồng.

Bằng sự cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó, sau gần 3 năm, gia đình anh đã trả được nợ và có trong tay số vốn kha khá. Thu nhập gia đình tăng lên đáng kể. Từ mô hình đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đầu tư phát triển chăn nuôi, hàng năm, gia đình anh thu lãi ròng trên 50 triệu đồng. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình, anh Biên còn tích cực giúp đỡ bà con làng xóm về con giống, về kinh nghiệ trong kỹ thuật chăn nuôi... Từ sự giúp đỡ của anh, không ít hộ nghèo trong thôn đã tìm ra được hướng đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở thôn 5 mở đầu cho phong trào nuôi trồng thủy sản và phát triển chăn nuôi, lúc đầu mọi người còn e ngại với sự đầu tư của vợ chồng anh nhưng khi thấy hiệu quả của sự nỗ lực ấy bà con đều rất cảm phục. Từ chỗ là một hộ nông dân nghèo nhưng nhờ biết cách đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi, gia đình anh Nguyễn Văn Biên không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn trở thành hộ khá giàu, các con anh đều được đầu tư ăn học đến nơi đến chốn, giờ đã trưởng thành có công việc ổn định. Năm nào gia đình anh cũng đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình hiếu học.

Trò chuyện với tôi, anh tâm sự: ’’Hiện nay mô hình nuôi cá của gia đình tôi và một số hộ trong thôn đang gặp không ít khó khăn về nguồn vốn để mua giống mới và đầu tư nâng cấp, cải tạo ao hồ... Để mở rộng quy mô sản xuất nhằm khai thác hết tiềm năng ao hồ của địa phương, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền các ngành quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ những người tàn tật như chúng tôi, để chúng tôi có thể vươn lên làm giàu chính đáng và có thêm nghị lực hòa nhập cuộc sống".

Báo QB số 169

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập