Chi tiết bài viết

Mương Hưng “cụt”

10:55, Thứ Bảy, 29-8-2009

Một người đàn ông đã dốc cả tài sản của mình để đào núi làm con mương dẫn nước cho bà con xóm Rốc (Xuân Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình). Chẳng biết nói gì cảm ơn, người ta bèn đặt con mương đó mang tên ông...

Bán bò để... đào núi  

Cứ tưởng lão Hưng “cụt” (tên thật là Đinh Xuân Hưng) là tay vạm vỡ, ăn nói ồn ào, nhưng khi gặp thì tôi thật bất ngờ. Ông nhỏ người, nét mặt pha chút khắc khổ. Đưa tôi đi ra tuyến mương, ông đi trước, ống tay áo bên trái cứ bay lất phất. Lâu lâu, ông ngoái lại cười hiền: “Tui sinh năm 1958. Khi tui lên tám tuổi, lúc đó chiến tranh ác liệt, một lần máy bay Mỹ ném bom xuống làng, tui dính một mảnh bom cắt luôn cánh tay trái. Sau này lớn lên thì bà con gọi thân mật là Hưng cụt”.  

Lấy vợ, sinh con trên miền quê nghèo. Nghèo thì hay đẻ, ông Hưng nói tếu, và thật, nghèo nhưng vợ chồng ông đẻ một lèo tới 6 người con. Cái cảnh hai vợ chồng nông dân cùng với sáu đứa con sống giữa núi rừng thâm u, cái ăn, cái mặc nhờ vào củ sắn khiến ông Hưng suy nghĩ đến buốt đầu. Ông bàn vợ bỏ làng, đưa cả nhà lên vùng Rốc để có đất đai mà làm ăn. Lên vùng Rốc rồi, cái nghèo đói vẫn bám theo vì ở đây thiếu nước, trồng được cây gì thì đến mùa hè cũng teo tóp lại rồi chết mòn. Ông Hưng bần thần nhớ lại: "Hồi đó, nhờ trời mà cây lúa được mùa thì gặt hái được khoảng ba yến (30kg) thóc trên một sào (500m2) ruộng. Để con đừng đứt bữa thì một hạt lúa phải chịu độn thêm ba, bốn lát sắn hoặc hạt ngô cho qua...". 

Chiều chiều, vác rựa đi quanh vùng đồi, ông Hưng chợt lóe lên ý tưởng: “Tại răng mình không làm thủy lợi, đào mương dẫn nước về vùng đất đang ở. Có nước là cây cối sinh sôi, là đủ ăn mà?”. Nghĩ đến vậy, ông tất tả quay về. 

Ngày lên vùng Rốc, tài sản lớn nhất của gia đình là hai con bò. Khi nghe chồng nói bán bò lấy tiền làm thủy lợi thủy hại chi đó, vợ ông phát hoảng. Bà vợ kiên quyết không cho bán, để lại mà làm vốn có khi xảy ra cơ sự... Vậy rồi, ngày này qua ngày khác, người dân xóm Rốc cứ thấy dáng người nhỏ choắt, đi nghiêng nghiêng về bên trái vì cái tay cụt leo lên leo xuống bên mấy triền đồi, cùng quanh quẩn với hai con bò cạnh dòng suối. Sau nhiều tháng với bộ dạng đó, một bữa ông Hưng đột ngột về nhà đưa cho vợ một bản giấy nhiều chữ có dấu đỏ chót. Ông nói với vợ giọng chắc nịch: “Đó, bà coi đi, đây là “hồ sơ” trình làm thủy lợi của tui được ủy ban xã đồng ý rồi. Vì vậy, bà không đồng ý bán bò thì cũng không được”. 

Cả xóm Rốc có 13 hộ có chung gần 6 ha đất lúa bị khô hạn. Khi nghe Hưng "cụt" nói làm thuỷ lợi và mời bà con nghe ý tưởng đào kênh mương qua đồi và phải tự bỏ tiền ra làm thì ai nấy đều ngại như bỏ của trước cổng nhà. Nhiều người so đo: Có công trình thủy lợi của Nhà nước bỏ tiền ra tốn cả tỷ cũng khô queo, không có nước thì công trình ông Hưng “cụt” này làm sao tin là dẫn nước về được cho cây lúa, cây ngô? Không ủng hộ đã đành, có ông bạn hàng xóm còn nói như hất nước vào mặt: “Nếu mà có tiền thì để lại đong gạo mà ăn còn hơn là đưa cho ông Hưng”. Tức khí, Hưng "cụt" quả quyết: "Tui bỏ tiền ra mần, nếu không được thì bà con khỏi mất đồng mô hết cả". Rốt cuộc, có cả thảy 5 hộ đồng ý theo ông Hưng đi... xẻ núi. 

Vậy hồi đó, ai thiết kế ban đầu cho bác để làm công trình này? Ông Hưng đứng lại cười khà khà, rồi tiết lộ: “Bản vẻ, bản đồ chi mô chú. Chẳng qua thấy bà nhà cương quyết không cho bán bò nên tui chơi cú “lừa” đó mà. Chẳng qua là tui lấy bản khai xin làm thuỷ lợi từ có con dấu đỏ của xã để cho bà tin mà…chấp hành thôi”.  

Bán cặp bò được bốn triệu đồng, ông Hưng cất biến và lên “dự toán” chi cho thiết kế công trình: chiều dài con mương là 1,5km, bốn đoạn phải đào vòng vắt qua bốn triền đồi, phải có ống nhựa hoặc gang, đoạn mương qua triền đá ở đồi thứ hai phải xẻ bằng mìn, phải xin phép mới được. Chi phí ban đầu có tiền bán bò rồi... 

Suốt sáu tháng trời bất chấp nắng chang chang, mưa rơi lút mặt, ngày thì 10 người, ngày 12 người quần quật với đất đá. Khi mọi người nghỉ thì ông Hưng lại tất tả coi lại tuyến, chạy vật liệu đến vẹt cả đôi dép. Rồi tuyến kênh mương thuỷ lợi của Hưng "cụt" cũng thành hình. Một đập rọ đá cao gần 3m chắn dòng suối đã bắt con nước chảy ngang vào tuyến mương dọc sườn đồi về với ruộng. Hai đoạn băng qua hai con suối khác phải làm ống dẫn đi ngầm. Ông Hưng đã thiết kế ống có hình cong theo kiểu sắt chịu lực dầm gánh trong xây dựng để tránh nước lũ cuốn trôi. Đoạn kênh dẫn đầu mối được đắp nổi trên một triền đồi, lấy nước suối nơi cao nhất, vì vậy dù cốt nền mương có kiểu gì thì nước cũng tự chảy về được ruộng.  

Đứng trên đoạn kênh đầu mối có đáy rộng chừng 0,6m sâu đến 3,2m, được đào bạt taluy với chiều rộng bề mặt chừng 2,5m băng qua một triền đồi cao, ông Hưng phấn khởi: “Bây chừ thì nước cứ gọi là như suối chảy về rồi”.              

“Không có Hưng “cụt” thì mãi nghèo thôi” 

Khi công trình hòm hòm và đến ngày thông tuyến thì ông Hưng lại sợ. Ông ngồi nấp trong bụi cây nhòm ra chứ không dám phát lệnh khơi dòng. Ông lo biết đâu nước lại không chảy theo dòng. Chao ôi, lúc đó thì biết ăn nói sao với bà con, với “món nợ” cặp bò trót “lừa” vợ bán đi để đổ vào chuyện thủy lợi.  

Người con trai của ông vác cuốc nện thật lực vào vào bờ đất, dòng nước nén lâu ngày vỡ òa réo ồ ồ chảy tràn vào mương. Nước chảy đến đâu, mọi người đua nhau chạy theo đến đó. Khi ấy, ông Hưng mới thở phào và xắn quần lắp xắp chạy theo, hớn hở như đứa trẻ được quà. Cứ thế, nước vòng qua ngọn đồi, xiên qua ngọn đá, tràn thỏa thuê xuống ruộng. Ai cũng vui như đi hội. Có người nhảy chồm chồm dưới mương, vạt nước lên mặt rồi hét to khen lão Hưng “cụt” là bậc đại tài, đại tài. Người điềm tĩnh hơn thì cứ nguyên áo quần đằm xuống mương tắm một trận đã đời cho thỏa cả mấy tháng phơi lưng dưới nắng...

Công trình thủy lợi này không có bản vẽ thiết kế, cũng khó tính được dự toán chi phí. Ông Hưng bảo: “Gặp đá thì đục, qua núi qua đồi thấy chỗ nào thuận tiện thì vạch trên đất mà đào. Có chỗ sâu cả gần 5m, có chỗ chỉ 1m.

 

Công trình dài trên 2.000m, rộng từ 0,6 đến  1m và phải xuyên qua 9 ha đất của bốn sườn đồi mới “lái” được nước từ hai khe ở trong rừng về ruồng đồng”. Ngoài ra, công trình còn phải kể đến đoạn ống ngầm dài khoảng 35m được đặt sâu dưới lòng đất khoảng 0,4m để đưa nước về mà không cần có kỹ sư chuyên ngành tính toán.

Mọi năm chỉ làm được một vụ lúa vãi, thêm vụ ngô trầy trật trong nắng hạn. Cái đói không chừa hộ nào. Cái nghèo cũng vì vậy mà nương theo, đeo đuổi rốt sau lưng mọi nhà. Khi có ruộng nước, mỗi năm mọi nhà làm hai vụ lúa. Hưng "cụt" bắt tay vào làm giàu cho gia đình với ý nghĩ đầu tiên là phải trả nợ bán bò cho vợ. Vậy là ông trằn lưng ra với hơn 1ha ruộng. Ngày bứt lá làm phân xanh, ngày với đôi quang gánh trên vai cặm cụi nhặt phân bò trên đường làng về bón cho ruộng. Sau năm 2002 thì ruộng nhà ông đã cho thu hoạch đều đặn từ 6-7 tấn thóc mỗi năm. Thóc đầy bồ rồi, dự trữ đủ ăn, còn lại ông bán mua heo về nuôi, tăng thêm kinh tế gia đình.  

Trên vùng ruộng nhà ông Hưng có hai hố bom cứ đến mùa hè cạn nước là mấy bố con hì hục tát khô bắt cá.

Bây giờ có nước không cạn khô nữa, ông cải tạo thành hồ nuôi. Tiện thể, ông cho đào thêm hai hồ sát nhau thành bốn hồ cá. Sẵn cỏ ven đồi, lá sắn trên nương làm thức ăn nên mấy ao cá nhà ông cũng sinh lợi lớn. Vụ cá đầu tiên thu được hơn 6 triệu đồng, ông Hưng mang ngay xuống chợ phiên Quy Đạt mua về cặp bò giống thật to đưa về “trả nợ” vốn vay lúc làm thủy lợi cho vợ. Ngoài việc “trả nợ” cho vợ, ông Hưng khoe: “Bây chừ, còn có lưng vốn khoảng hai chục con bò nữa rồi chú ạ”. 

Có nước, cả xóm bắt tay vào cải tạo ruộng khô thành ruộng nước. Gia đình ông Hưng cùng nhiều nhà khác mở thêm đất trồng rau màu, rồi lấy rau màu phục vụ chăn nuôi. Màu xanh trù phú đã về trú ngụ trên vùng Rốc vốn khô cằn vì hạn hán. Nhiều hộ nuôi được bò đàn, sắm xe máy, sửa nhà cửa cũng từ hạt thóc trên cánh đồng Rốc khô cằn khi xưa. Ông Đinh Văn Phương, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hoá, vui ra mặt: "Công bằng mà nói, không có lão Hưng “cụt” thì cả xóm e cứ đói nghèo mãi thôi".

Theo: Báo NNVN Online

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập