Chi tiết bài viết

Chuyện về lão thành cách mạng "gàn dở"

14:58, Thứ Hai, 26-10-2009

Về xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch), hỏi thăm nhà lão thành cách mạng Huỳnh Ngọc Trợ thì ai ai cũng biết. Ông không chỉ nổi tiếng về những chiến công hiển hách thời kháng chiến với bộ sưu tập huân chương được treo trang trọng trong nhà mà còn là người gần 20 năm trông rừng phòng hộ cho dân.

Ông Trợ sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Cha ông là một nhà nho yêu nước. Từ nhỏ ông đã theo cha đi làm cách mạng. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia phong trào giành chính quyền rồi hoạt động ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong chiến dịch Biên giới 1950, ông chuyển sang Xanavăn thuộc hạ Lào rồi về Xê - Diệc làm công tác hậu cần. Hoà bình lập lại ông tập kết ra Bắc tai Mộc Châu - Sơn La. Đến 1958, ông lại chuyển về công tác tại khu lâm nghiệp Đại Trạch - Bàu Bàng, Bình Trị Thiên. ''Nắng gió Quảng Bình đã níu giữ chân tôi'' - Ông tâm sự. Xã Trung Trạch nơi ông sinh sống là một làng chài nhỏ nằm ven biển với một dải cát dài trắng xoá. Thế nhưng bây giờ hình ảnh của những cánh rừng phi lao chắn sóng xanh mướt chạy dọc theo bờ biển trong những năm 90 của thế kỷ trước chỉ còn là một kí ức buồn với người dân nơi đây. Vì cuộc sống lo toan, người ta đã thi nhau chặt phá rừng để lấy củi mà không một chút do dự, suy nghĩ. Hết cành, họ quay trở lại đào gốc, không cho cây có cơ hội tái sinh.

Quá đau xót khi chứng kiến cảnh tượng trên, ông ra sức vận động một số thanh niên trong xóm ra ngăn cản việc phá rừng. Ông tất tưởi chạy bộ lên huyện để nhờ can thiệp, không may lãnh đạo huyện đi vắng. Vài ngày sau, huyện mới có lệnh cấm chặt phá thì rừng cây chỉ còn là bãi cát trống trơn. Nhìn sóng biển và cát ngày càng ăn sâu vào đất liền, ông tự mình đi nhặt các hạt phi lao về ươm để trồng lại rừng phòng hộ đã mất. Khối người cho ông là ''gàn''. Nhưng với bản chất kiên định của anh bộ đội cụ Hồ đã từng trải qua hai cuộc chiến thanh khốc liệt, mặc cho mọi người lắc đầu, người nhà ngăn cản, ông vẫn quyết tâm làm. Những cây phi lao non nớt sau đó ít ngày đã nhanh chóng, toả khắp, các bãi cát dài. Nhưng dưới cái nắng gay gắt của miền trung, những cây phi lao yếu ớt không thể chịu nổi, ít ngày sau đã trở thành những que củi khô. Xót xa lắm song sự thất bại, lời dèm pha của không ít người không làm ông chán nản. ''Cái khó ló cái khôn'', ông nghĩ ra cách thuê người gánh đất bỏ vào các hốc cây khi trồng. Những cây con được ông ươm trong bọc nilon và chăm thật tốt rồi mới đem ra trồng. Đất không phụ công người, 4 ha rừng phi lao phát triển nhanh từng ngày. Không dừng lại ở đó, ông còn dự định xây dựng trên đồi cát một vườn ươm cây giống để phủ xanh những vùng đất trống còn lại. Ông đã bỏ tiền tự đầu tư đào giếng để lấy nước tưới cho cây giống với mơ ước biến cát trắng thành khu du lịch vui chơi cho người già và trẻ nhỏ. Bên cạnh việc tích cực trồng rừng, ông còn chăm chỉ dọn dẹp, quét vôi hai lô cốt trước đây vốn là lô cốt pháo 120 ly của bộ đội bảo vệ bờ biển. ''Đây là một chứng tích lịch sử oai hùng của dân tộc, phải giữ gìn để con cháu đời sau ghi nhớ, Ông nói. Trong lô cốt luôn được dọn dẹp sạch sẽ, một hàng chữ viết tay bằng sơn đỏ nổi lên: ''Bảo vệ rừng là bảo vệ Tổ quốc". Ông không ngừng động viên các thế hệ con cháu nối tiếp việc làm đầy ý nghĩa của ông. Mới đây, xã có dự án nuôi tôm trên cát và có ý định lấy lại một số diện tích đất mà ông đã trồng cây trên đó. Ông cười, ''Nếu việc gì có lợi cho mọi người thì tôi sẵn sàng''.

Cuộc đời ông đã cống hiến hết mình cho cách mạng, chút thảnh thơi còn lại cuối đời ông lại dành hết cho dải phi lao mà không mảy may một chút tư lợi. Đến giờ, hai vợ chồng ông bà vẫn sống trong căn nhà đơn sơ, giản dị. Tài sản có giá trị nhất đối với ông là những huân chương, huy chương mà ông được tặng thưởng trong kháng chiến và... chiếc rìu ông lấy được của bọn phá rừng để làm kỷ niệm.

Báo QB số 206

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập