Chi tiết bài viết

Kỳ tích lạ trên miền cát trắng

15:29, Thứ Ba, 22-12-2009

Thì rõ là biết danh ông đã lâu, thậm chí cả địa chỉ nữa: ông Nguyễn Lương Cảnh, sinh năm 1946, ở Tiểu khu 9, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình, vậy mà tìm ông như thể tìm chim. Mãi sau phải nhờ đến sự hỗ trợ của vị Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình - người có cái tên khá lạ: Cái Văn Lành, chúng tôi mới xác định được “điểm” mà người cựu chiến binh Cảnh đang ở…

Người về từ Trường Sơn

Trong một khuôn viên rất đẹp và thư thái như chính cái tên của nó “Tịnh tâm viên”, tiếp chuyện chúng tôi là người đàn ông tóc muối tiêu, vai u, lông mày chổi xể và điểm nhấn trên khuôn mặt phúc hậu ấy đôi mắt rất sáng. Ông là Nguyễn Lương Cảnh, người gần như cả đời gắn với Trường Sơn. Và có thể nói không ngoa rằng ông hiểu và nắm về Trường Sơn như trong lòng bàn tay.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã qua hơn 30 năm. Nhưng những khúc ca hùng tráng về một thời oanh liệt dường như vẫn vang vọng ở đâu đây, nó hiển hiện ở ngay trong khu vườn này.

Khu vườn rợp bóng cây xanh, điểm nhấn là những tiểu cảnh mà ông cất công ngược về Trường Sơn hùng vĩ khuân về, rồi vị lính già lại tỉ mẩn dựng lên khung cảnh Trường Sơn cho đỡ nhớ.

Câu chuyện giữa chủ và khách cứ ngược mãi về thời điểm của những năm về trước. Ấy là tháng 2-1965, Mỹ ném bom Đồng Hới, đang là dân quân địa phương, cậu trai trẻ Nguyễn Lương Cảnh xung phong ra trận tuyến - Đường 16 (thuộc làng Ho - Quảng Bình) từ ngày 15-7-1965! Đơn vị ông phụ trách làm đường, sửa đường sau khi bị quân địch phá hủy để cho bộ đội hành quân.

Sau đó được ít lâu, ông chuyển qua Đường 20 quyết thắng, dài 123km từ Phong Nha - Quảng Bình đến Lùm Bùm (Lào). “Chiến tranh ác liệt, sống- chết trong tấc gang”, ông Cảnh rơm rớm giọt lệ trên gương mặt sạm đen, nhớ lại.

Ông Nguyễn Lương Cảnh trong khu "Tịnh tâm viên"

Công việc ông cứ thế cho đến tháng 2-1967, Ban chỉ huy thấy ông “khéo tay” nên chuyển ông về Bộ Tư lệnh 559 để vẽ bản đồ. Sau thời gian ngắn học việc, được sự đồng ý của Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên, ông Cảnh được tuyển vào Phòng Bản đồ. Công việc của ông là vẽ, quản lý toàn bộ bản đồ ĐTS từ tháng 5-1967.

Một mình, lặng lẽ, kiên trì và chính xác trong vòng 10 năm ông Nguyễn Lương Cảnh vẽ toàn hệ thống đường Trường Sơn với 216 tuyến, tổng chiều dài trên 20.000 km, đi qua 3 nước Việt Nam- Lào – Campuchia.

Công việc của người vẽ bản đồ ĐTS thời đó không hề đơn giản và tuyệt mật. Để vẽ được một cách chuẩn xác, phải thu thập, nghiên cứu từ nhiều tài liệu như: từ bản đồ thông thường, bản đồ của địch mình thu được và các đơn vị tại chỗ khảo sát gửi lên, trinh sát gửi về... Rừng núi mênh mông, điệp trùng, gập ghềnh... khiến cho người vẽ rất khó định vị, nên phải tinh tế, chuẩn xác đồng thời phải biết tập hợp vẽ mạng lưới đường hoàn chỉnh cho Bộ Tư lệnh, báo cáo Bộ Tham mưu.

Người “anh hùng” thầm lặng giữa đời thường

Bước ra khỏi cuộc chiến, thời bình, Cảnh được điều về phụ trách kinh tế của Đoàn 559. Đến năm 1984, ông ra quân và trở về quê hương. Hai vợ chồng xuôi ngược làm đủ nghề để kiếm sống, nuôi 2 con nhỏ cùng cha mẹ già.

Thoạt đầu, ý tưởng thành lập doanh nghiệp không hề có – ông tâm sự - với mức lương 360 ngàn/tháng như vậy là không đủ.

Người lính Trường Sơn trở nên lạc lõng, ngỡ ngàng trước cuộc sống thời bình. Kinh nghiệm kinh doanh không có, nghề không chỉ có chút tài năng về vẽ thế là xoay đủ kiểu từ vẽ ảnh, chụp ảnh, bán giải khát, hàn cửa sắt, đổ xăng lẻ, làm kính, gương… ông ngồi tính từng nghề một với chúng tôi, hoá ra trước trở thành một doanh nghiệp cỡ bự như bây giờ, ông đã trải qua tới 11 nghề.

Ông nhớ lại: “Xoay mãi vẫn thất bát, đến 2001, cả Đồng Hới lúc đó hầu như chưa có ai làm nhôm kính, vậy thì tại sao mình không làm? Tôi quyết đầu tư dù không ít người bảo “hâm”, người thương mình thì gàn: "Làm rồi bán cho ai?". Mặc kệ, ông cứ theo ý tưởng của mình.

Vụ này nó đày Cảnh "lên bờ xuống ruộng", nhưng cái gan của lính đâu có chờn cái khó. Ông đã thành công trước sự ngỡ ngàng và khâm phục của nhiều người. Nhớ lại vụ táo bạo này, ông tâm sự: "Lúc khởi đầu, có những lúc tôi cũng cảm thấy nản. Thời gian đó, tôi sống như người mộng du, không chỉ đau đầu nghĩ đến giải pháp kỹ thuật để làm cho ra sản phẩm mà còn cả đầu ra nữa chứ".

Tổng thu nhập mỗi năm của công ty Hải Quân trên mười tỷ đồng

Dù chưa hề có chút kinh nghiệm gì về kinh doanh, nhưng người lính phục viên lại biết tính toán, sắp đặt kế hoạch để cơ sở hoạt động hiệu quả. Anh phân công công việc cho vợ con, rồi dần dần tuyển thêm người làm, chẳng mấy chốc cơ sở có trên chục công nhân. Ông nói: "Tôi không biết gì nhiều đến việc kinh doanh, nhưng thực tế dạy tôi biết phải làm gì. Tôi khá lên là nhờ nghĩ ra cách làm mặt hàng mới".

Cho đến giờ, ông đã thành lập Cty TNHH Hải Quân (trụ sở tại Bắc Lý- Đồng Hới- Quảng Bình) chuyên về nhôm kính, với đội ngũ 20 công nhân (đa phần là con em CCB) làm việc thường xuyên, thu nhập ổn định. Tổng thu nhập mỗi năm của công ty trên chục tỷ đồng.

Thêm nhiều ngành nghề kinh doanh như vận tải, du lịch. Ông Nguyễn Lương Cảnh là một trong những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của Hội cựu chiến binh Việt Nam, được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhiều lần khen tặng trong các Đại hội cựu chiến binh làm kinh tế giỏi từ năm 2001 đến năm 2008.

Điều đặc biệt là bên cạnh kinh doanh, cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh đã đào tạo nghề miền phí cho gần 200 con em của cựu chiến binh trong và ngoài tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có gần 300 cơ sở nhôm kính do con em cựu chiến binh đứng ra làm chủ… Không chỉ tạo việc làm cho con em cựu chiến binh trong nước, cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh còn đào tạo nghề miễn phí cho 15 em là con của các cựu chiến binh tỉnh Khăm Muộn, Lào. Ông cho biết, mình đã có kế hoạch từ nay đến năm 2010 sẽ bỏ kinh phí khoảng 700 triệu đồng để đào tạo nghề nhôm kính miễn phí cho 100 con em là cựu chiến binh Lào.

Người vẽ bản đồ Trường Sơn năm xưa nay là một ông chủ năng động, là một bộ óc đầy sáng tạo trong kỹ thuật cũng như trên thương trường. “Áp dụng gì trong cuộc chiến vào thời bình làm ăn kinh tế ư?” ông Cảnh tâm sự: “Trong gần 20 năm bộ đội nói về kinh tế đó là con số không. Nhưng tôi được đi nhiều, biết nhiều nơi, gặp nhiều người, và quan trọng là thái độ làm việc phải có cả hai chữ “Tâm” và chữ "Tầm". Tôi nghĩ mãi, quả thực ông nói phải và rất… thật.

Chiều muộn, tôi vẫn ngồi với ông Cảnh một cách thư thái trong “Tịnh tâm viên”. Gặp ông, tôi lại nhớ tới những “người lính bộ đội cụ Hồ” khác mà mình đã có dịp gặp. Tôi đã gọi họ là những những “anh hùng thầm lặng”. Tôi gọi họ là những anh hùng theo nghĩa bình thường chứ không phải là một danh hiệu. Hơn thế, người đàn ông đang ngồi trước mặt tôi đây còn như một mình chứng về phẩm chất bộ đội cụ Hồ còn sáng mãi trong mỗi người lính khi họ trở về với cuộc sống đời thường.

Và chính điều dung dị ấy nên tôi muốn gọi họ là những anh hùng thầm lặng theo nghĩa bình thường!

Kim Lung (VnMedia)


Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập