Chi tiết bài viết

Ông Tứ vươn khơi

11:37, Thứ Năm, 30-10-2014

(Portal Quảng Bình) - Tại căn nhà của chủ tàu ông Nguyễn Văn Tứ, thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, không khí trước khi ra khơi khá nhộn nhịp. Ông Tứ và các con làm bữa cơm gia đình đãi bạn cùng đi. Đây cũng là lúc chủ tàu trao đổi, giao việc cho bạn tàu, vừa là lúc chuyện trò, hỏi thăm nhau tình hình con nước, dòng chảy, các loại cá đang di chuyển trước khi bước vào chuyến biển ra khơi của mùa biển tháng 9 dương lịch mà theo kinh nghiệm của ngư dân là được mùa cá hố, mực ống xuất khẩu, cá ngừ đại dương... 


Vợ chồng ông Tứ đang bán cá cho các thương lái (ông Tứ mặc áo xanh đứng gữa)

Vào năm 2012, được sự hỗ trợ về xăng dầu theo chương trình của Nhà nước, ông mạnh dạn đầu tư tìm ngư trường vươn khơi đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa và đã cho thu hoạch lớn, nhất là loại cá hố, mực, cá ngừ đại dương... Ông tâm sự: “Nghề làm biển cũng không nói trước ai hay ai dở. Chuyến này khá phải dành dụm, cho chuyến khác ít cá, để bù lỗ cho chi phí dầu, nước đá, thực phẩm... Chịu khó đi xa cũng vất vả nhưng có thu nhập cao hơn”. Trong 20 chuyến biển của năm 2013, gia đình ông có 10 chuyến đánh bắt ở vùng biển xa, gần quần đảo Trường Sa, có chuyến trúng hơn 10 tấn cá các loại như cá ngừ đại dương, ngừ sọc dưa, mực. Mỗi chuyến ra khơi tàu ông thu về khoảng 150 - 180 triệu đồng/chuyến, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 lao động thường xuyên của xã. Năm nay được mùa cá, chỉ tính riêng tháng 8/2014, tàu ông trúng lớn, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng/chuyến, trả công cho 10 bạn tàu cùng đi mỗi người 9 - 10 triệu đồng, đồng thời để dành số tiền còn lại tu sửa tàu và mua sắm thêm ngư lưới cụ, tiếp tục ra khơi cho chuyến tới...

Ông Tứ kể thêm, muốn câu được cá ngừ đại dương cần phải có một giàn câu bủa rất độc đáo với dây triên dài chừng 20km, làm bằng cước 2,2 ly. Đầu giàn câu là 1 cái phao có gắn cờ hiệu, trên giàn câu treo các thẻo câu. Mỗi thẻo gồm có 3 đoạn: Đoạn trên là “dây bill” bằng nhựa PE, đoạn giữa là cước 1,8 ly và đoạn cuối là cước 1,4 ly. 3 đoạn dây này đều có móc khóa xoay được để thẻo câu không xoắn vào nhau. Lưỡi câu được làm bằng inox loại 4,8mm. Mỗi giàn câu có từ 500-700 lưỡi câu tùy theo thuyền lớn hay nhỏ, mỗi thẻo câu cách nhau 30m. Dọc theo dây triên có gắn hàng chục “dọi cờ”. Dọi cờ là 1 phao có gắn 1 bóng đèn chạy bằng 2 pin đại. Khi trời tối thì bóng đèn tự động nhấp nháy. Tới ngư trường, việc đầu tiên ngư dân phải làm là bủa lưới để đánh bắt cá nục, mực - loại mồi mà cá ngừ đại dương rất thích. 3 giờ chiều bắt đầu thả giàn câu. Bạn tàu lần lượt móc cá nục, mực vào lưỡi câu, gài thẻo câu vào dây triên rồi thả xuống biển. Do số lượng lưỡi câu nhiều nên việc móc mồi được tiến hành đến 7 giờ tối mới xong. Lúc này người câu có thể nhìn suốt giàn câu nhờ những dọi cờ nhấp nháy giữa khơi.

Ông cũng cho biết: “Làm nghề câu cá ngừ đại dương cũng bấp bênh lắm, vì chi phí lớn, phải đầu tư máy bộ đàm 14 triệu đồng, máy định vị gần 10 triệu đồng... nếu tàu có điều kiện sắm thêm điện máy tầm ngư khoảng 20 triệu đồng phục vụ cho việc bắt cá ngừ đại dương là tốt nhất. Ngoài ra, cần phải chuẩn bị lương thực cho 10 - 12 người dùng trong 20 ngày, gần 350 cây nước đá được xay ướp vào khoang trữ lạnh”.

Việc đánh bắt hải sản ở ngư trường quần đảo Trường Sa không phải dễ. Đây là khu vực nước vừa sâu, vừa quá trong, cá rất khó cắn câu. Gió thường xoáy mạnh và xoáy đều từng đợt từ dưới lên, dòng hải lưu thay đổi liên tục, phải giàu kinh nghiệm mới xử lý được. Ông Tứ cho biết, sau khi xác định được các khoảng vĩ độ khai thác trên bản đồ đánh bắt, tài công phải tiến hành khoanh tròn và quyết định ngay những điểm câu. Thường thì địa hình dưới đáy biển không đồng đều, nhưng những chỗ cao, chỗ thấp, chỗ lồi, chỗ lõm chính là vùng biển lý tưởng cho sự sống của các loài cá ngừ đại dương. Nhưng tại vùng biển này, do sự chênh lệch quá lớn về độ nông, sâu gây nên từng đợt sóng mạnh, cuộn từ dưới lên, đòi hỏi tài công phải giỏi, bạn tàu có sức khỏe và ghe tàu đủ lớn mới đánh bắt hiệu quả.

 
Sau một chuyến biển dài ngày tàu ông Tứ lại cho một mùa cá đầy khoang

Nằm trong diện chuyển đổi tàu nghề đánh bắt vùng biển xa, ông mong muốn chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện cho ngư dân ở xã Đức Trạch tiếp cận sớm với chính sách hỗ trợ vốn vay đóng tàu vươn khơi của tỉnh. Trước đây, với đội tàu công suất nhỏ, ngư dân xã Đức Trạch ít chú trọng đến việc đầu tư trang thiết bị cho tàu cá. Ngày nay, với công suất tàu ngày càng lớn thì việc đầu tư cho tàu cá càng được ngư dân chú trọng hơn. Bởi ngoài việc đánh bắt cá vùng biển xa, còn ngăn chặn được độ va chạm giữa các tàu với nhau, nhất là những cú va chạm lớn. Mỗi lần vươn khơi, rủi ro luôn rình rập ngư dân. Do vậy, việc chọn cách đóng tàu có công suất lớn được ngư dân mong muốn, đồng thời tăng độ an toàn của tàu để có được những chuyến biển dài ngày hơn.

Điều đáng tự hào hơn, trong nhiều năm liền, ông được bình chọn là hộ sản xuất kinh doanh, gương điển hình làm kinh tế giỏi cấp xã, huyện, được bà con trong vùng trìu mến gọi là "ông Tứ cá" như một cách gọi thân quen, đậm chất mặn mòi vùng quê biển Đức Trạch.

Đặng Hà 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập