Chi tiết bài viết

Người bác sỹ gieo hạt giống nhân đức

11:25, Thứ Hai, 18-1-2016

Gần 10 năm trời, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, vị bác sỹ già ấy vẫn tận tụy đến từng nhà người bệnh, bắt mạch, kê đơn và khám bệnh miễn phí cho những người nghèo. Ông bảo đó là cách để trả nghĩa cho những người dân nghèo quê mình bởi họ đã đùm bọc, che chở gia đình ông suốt những năm ông ở trong quân ngũ.


Ông là bác sỹ Lưu Đức Thọ (Hạ Trạch, Bố Trạch), nguyên là Thượng tá Quân đội, công tác tại Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn 968.

Buổi đầu gặp gỡ, tôi trông vị bác sỹ ấy hiền lành và từ tốn lắm. Từ tốn như cái cách mà ông đang gieo từng hạt mầm nhân đức nhưng vẫn cứ luôn bảo rằng không có gì to tát, đó chỉ là việc người già chăm sóc cho người già. Việc “không có gì to tát” mà ông vẫn nói ấy là ngày ngày khám, chữa bệnh miễn phí cho từng người nghèo quê mình. Họ trân quý ông bởi sự nhân từ, bởi cái cách mà ông tận tụy đến từng nhà người bệnh, đau từng nỗi đau của họ và vui niềm vui khi họ lành bệnh hẳn.

Là người lính, lại khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, ông tự đặt lên vai mình trách nhiệm gấp 2, gấp 3. Những ngày còn trong quân ngũ, ông đi khắp các miền quê, chữa trị cho các chiến sĩ, bà con các bản làng các tỉnh Quân khu IV. Dạo ấy, cứ mỗi dịp nghe ông bác sỹ Thọ về nghỉ phép thăm nhà, bà con trong thôn, trong xã lại kéo nhau đến nhờ ông khám bệnh.

“Cách đây hơn 10 năm, trong xóm có mấy người sắp sinh, nghe tin ông Thọ về là quyết định không lên trạm xá nữa mà ở nhà nhờ ông nhà tôi đỡ đẻ cho. Họ nói họ tin tưởng vô tay nghề ông ấy. Vậy mà dịp đó, ông đỡ đẻ cho đến 3 đứa trẻ”, vợ ông – bà Nguyễn Thị Liệu kể lại mà đôi mắt lấp lánh tự hào.

30 năm xa gia đình trong nỗi nhớ dài đằng đẵng, nhưng khi về hưu, ông vẫn tiếp tục công việc của mình bằng cách đi chữa bệnh cho bà con lối xóm. Nghe tin vị bác sỹ giỏi về nghỉ hưu, không ít phòng khám tư nhân ở thành phố Đồng Hới ngỏ ý mời ông về với mức thu nhập ổn định nhưng vì điều kiện sức khỏe lại vì muốn trực tiếp giúp đỡ những người bệnh quê nhà, ông từ chối tất cả những lời mời đầy hấp lực ấy. Bởi ông hiểu, đã là người bệnh thì ai cũng khổ như nhau nhưng với những người dân nghèo không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại như ở quê ông, nỗi khổ ấy càng tăng lên gấp bội.

Thế nên nhiều năm trước, khi Trạm y tế xã Hạ Trạch chưa có bác sỹ chuyên trách, bà con hễ ai có ốm đau, bệnh tật nặng nhẹ gì cũng dắt díu nhau đến nhà ông thăm khám, người nào không đi lại được, ông đến tận nhà. Vậy là gần 10 năm qua, trên chiếc xe máy cũ, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, đêm hôm khuya khoắt hay trưa hè chói chang nắng, hễ cứ ai cần là ông lại tận tụy đến từng nhà. Nhiều người nể trọng ông không chỉ bởi cái tài, cái cách nói chuyện với bệnh nhân ân cần mà trên tất cả, họ quý ông bởi những mầm xanh nhân đức ông đang gieo trên suốt cuộc hành trình cuối đời mình.

Ở căn nhà cuối thôn 9, xã Hạ Trạch, ông dành hẳn một căn phòng nhỏ, có tủ thuốc và giường bệnh hẳn hoi để cho những người đến thăm khám và điều trị. Người nào khá giả thì ông chỉ lấy tiền thuốc, gặp bệnh nhân quá nghèo thì ông tự bỏ tiền túi mình ra mua thuốc cho họ. Ai đến thăm khám ông đều rất nhiệt tình chỉ bảo từ việc ăn uống, kiêng khem gì để tốt cho sức khỏe đến việc mua thuốc nào uống cho hợp lý.

Chính từ sự nhiệt thành trong công việc, thương người nghèo mà phòng khám của ông lúc nào cũng đông người lui tới. Với những bệnh nhân nặng, bác sỹ Thọ đến điều trị tại nhà cho đến khi dứt bệnh mới yên tâm. Nếu biết bệnh nặng cần mổ hay phải dùng phương tiện điều trị hiện đại, ông tư vấn, hướng dẫn và cùng gia đình bệnh nhân đưa người nhà đến bệnh viện. Nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhờ bác sỹ Thọ sơ cấp cứu kịp thời mà thoát án tử nên với nhiều người, ông còn là ân nhân cứu mạng. Danh tiếng là thế, nhưng chưa một lần ông tự cao về những gì làm được, vẫn ngày ngày đọc sách, nghiên cứu tài liệu để nâng cao tay nghề.

Thương chồng, thương cha nên nhiều lúc vợ con ông cũng lo lắng, phàn nàn bởi bản thân ông vốn bị huyết áp cao và đã hai lần bị đột quỵ. Nhưng qua cơn bạo bệnh, ông lại tiếp tục cuộc hành trình chữa bệnh cứu người. “Nhiều đêm, trong xóm có người bệnh nặng, người nhà họ đến gõ cửa mình đúng lúc huyết áp tôi đang tăng cao, vậy là lại dậy uống đỡ viên thuốc, cùng họ vượt đêm đến tận nhà. Họ đang ở cửa tử và cần mình cứu giúp, làm ngơ sao được?


Bác sỹ Lưu Đức Thọ đến tận nhà khám bệnh cho bà con.

Tôi hai lần tưởng như suýt chết mà trời vẫn cho sống, có lẽ là trời thương và cũng muốn mình làm công việc đó”, ông bác sỹ phân trần. Cứ vậy, ngày lại ngày, người bác sỹ già lại cần mẫn trên từng vòng xe, dùng đôi bàn tay đã chồng chéo nếp nhăn và trái tim luôn căng tràn nhiệt huyết để tiếp tục tận tụy với công việc đã gắn bó với ông trọn cuộc đời.

Chúng tôi đến thăm nhà bác sỹ Lưu Đức Thọ vào đúng lúc ông đang khám cho cụ Phan Văn Sang (90 tuổi) ở cùng thôn. Cụ Sang bảo, từ lâu rồi, vợ chồng cụ đã giao cả sức khỏe của mình cho bác sỹ Thọ. Trạm y tế gần nhà nhưng hễ có bệnh là lại sang gõ cửa nhà ông bác sỹ. “Bà nhà tôi cũng một tay ông ấy thăm khám, rồi điều trị cho đến khi mất. Bệnh nặng nhẹ chi cứ đến hỏi bác sỹ Thọ là lại thấy yên tâm”, cụ Sang chia sẻ.

Thực tế hiện nay, với những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn thì chi phí đi lại, thăm khám ở các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện lớn trở thành gánh nặng không nhỏ. Nhưng ngược lại bác sĩ Thọ lại là người đi tìm bệnh nhân nghèo, thăm khám miễn phí, chỉ bảo tận tình về chế độ ăn uống cho họ. Rồi ông trở thành những người thân trong gia đình của bệnh nhân lúc nào không hay. Tình nghĩa ấy cũng là cách ông trả ơn cho bà con lối xóm đã giúp đỡ gia đình ông trong suốt những năm ông xa nhà đằng đẵng.

Ông bảo, đến lúc nào còn được sống, trời còn thương, còn cho ông sức khỏe thì ông còn đi chữa bệnh giúp người. “Gieo nhân nào, gặt quả đó”, tin rằng một khi ông gieo hạt giống nhân đức thì đời sẽ đơm cây an lạc và kết trái ân tình.

Năm 2009, có hai thợ điện quê ở Lệ Thủy bị điện giật rơi từ cột điện cao xuống đất, ngay lập tức, bác sỹ Thọ tiến hành sơ cứu kịp thời rồi theo xe cấp cứu đưa hai bệnh nhân lên đến bệnh viện. Vì họ không có người thân ở bên nên ông ở vậy chăm sóc, đợi hai anh thợ điện qua cơn nguy kịch mới bắt xe về lại nhà. Nhiều ngày sau đó, thân nhân của họ từ Lệ Thủy ra tận nhà cảm ơn ơn cứu mạng của ông bác sỹ già.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập