Chi tiết bài viết

Hồ Phong hiến đất làm trường

8:44, Thứ Hai, 1-2-2010

Ðặt lợi ích "trồng người" của cộng đồng lên trên lợi ích của gia đình, nghĩa cử của anh Hồ Phong ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã tự nguyện hiến một nghìn m2 đất để làm trường học cho con em, được nhân dân ghi nhận.

Xã Trường Xuân có năm bản là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước và các dự án, một số bản đã có điểm trường để con em học tập. Nhưng tại bản Khe Ngang, do địa hình núi cao nên việc tạo mặt bằng để xây dựng một điểm trường là rất khó khăn. Do vậy, lãnh đạo xã Trường Xuân đã vận động bà con dân bản hiến đất xây dựng trường học.

Với tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, Hồ Phong, bí thư chi bộ bản Khe Ngang đã bàn với vợ con hiến đất của gia đình để xây dựng trường học cho con em trong bản. Ban đầu vợ Hồ Phong tỏ ra không đồng ý bởi ngoài mảnh vườn trồng các loại cây ăn quả sắp đến mùa thu hoạch vợ chồng anh chẳng còn tài sản gì đáng giá. Mặt khác, chị có ý định sẽ dành phần đất ấy dựng nhà cho con trai khi lập gia đình. Thế nhưng Hồ Phong hiểu, nhiều năm trước bà con dân tộc Vân Kiều sống du canh du cư, chủ yếu dựa vào rừng, từ khi Nhà nước vận động định cư, hướng dẫn trồng lúa nước nên không còn thiếu đói. Cái chữ của Bác Hồ đã giúp cho dân bản sáng cái đầu và biết cách làm kinh tế, cải thiện cuộc sống. Mà muốn học chữ thì phải có trường học. Sau khi được chồng thuyết phục, vợ Hồ Phong đã hiểu ra và cùng chồng tự nguyện hiến đất làm trường cho con trẻ. Hôm gặp chúng tôi, người bí thư chi bộ của bản Khe Ngang nói vui: "Miềng (mình) hiến đất để làm trường học là cho con cháu, rứa có mất đi mô. Việc nhỏ mà...". Chuyện vợ chồng Hồ Phong hiến một nghìn m2 đất vườn để xây dựng trường học được cán bộ, nhân dân xã Trường Xuân và bản Khe Ngang khen ngợi. Có đất rồi, dự án xây trường học của một tổ chức quốc tế dành cho tỉnh Quảng Bình không còn phải loay hoay tìm mặt bằng nữa.

Năm 2009, Trường mầm non Khe Ngang - công trình "dự án và nhân dân cùng làm" được khánh thành trong sự háo hức của người dân các bản Khe Ngang, Khe Dây, Nà Lâm, Hang Chuồn và khu tái định cư bản Cây Trai (xã Trường Xuân). Từ đây, con em của các bản không lo thất học hoặc phải nhọc nhằn vượt nhiều cây số đường rừng để học cái chữ. Nhìn cô cháu say mê học hát, ê a đọc chữ trong ngôi trường mới giữa đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi cũng thấy vui. Vâng! Niềm vui ấy có được trước hết từ tấm lòng bao dung vì con trẻ của người bí thư chi bộ Hồ Phong.

Không chỉ tự nguyện hiến đất làm trường, Hồ Phong còn gương mẫu trong các hoạt động của chi bộ, của bản làng. Làm trưởng bản từ năm 1997, rồi làm bí thư chi bộ từ năm 2001 đến nay, Hồ Phong luôn trăn trở làm sao để nâng cao đời sống cho bà con. Anh đã cùng với 11 đảng viên trong chi bộ, trong đó có Hồ Nam - trưởng bản, vận động bà con ngăn đập làm lúa nước. Mỗi năm bà con gieo cấy được 12 ha lúa, xem như đủ lương thực cho cả bản. Anh nhận năm ha đất để trồng rừng. Bà con thấy thế cũng làm theo, nhờ vậy mà những quả đồi bát úp chung quanh bản đã được phủ kín bởi mầu xanh của bạch đàn, keo tai tượng.

Anh Hồ Phong xứng đáng là một điển hình trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Theo Nhân dân

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập