Chi tiết bài viết

Người nông dân trăn trở làm giàu trên vùng đất cao su đã bị gãy đổ Tin có hình

15:20, Thứ Ba, 8-1-2019

(Quang Binh Portal) - Đó là nông dân Nguyễn Văn Diệm (67 tuổi) ở thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch).

Ông nguyên là cán bộ ngành Thương nghiệp, được về nghỉ hưu mất sức sớm do ngành giảm nhẹ biên chế. Cuối năm 1993, qua nghe các phương tiện thông tin đại chúng, biết Nhà nước đang có chương trình “Phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, ông Diệm quyết định bỏ nghề kinh doanh thương mại cùng gia đình ở Hoàn Lão, di dân lên vùng kinh tế mới thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung để theo đuổi chương trình này. Tháng 5/1994, ông được giao 11,5 ha đất đồi toàn cây hoang dại để khai hoang chuẩn bị cho trồng mới cây cao su. Vùng đất được giao nhận là đồi cây hoang dại chằng chịt hố bom đạn lại thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu kỹ thuật… Tất cả ban đầu đối với ông hoàn toàn đều mới lạ và đầy những khó khăn, trăn trở. Nhưng với ý chí quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm và lòng đam mê của mình đã giúp ông cùng gia đình vượt lên khó khăn, định hình được mô hình trang trại tổng hợp 11,5 ha, trong đó cao su 10 ha, hồ tiêu 01 ha, ao thả cá 0,2 ha, đai rừng chắn gió 0,3 ha. Sau 09 năm đầu tư chăm sóc, vườn cao su và một số loại cây trồng khác ban đầu đã cho thu hoạch. Thời gian này doanh thu của gia đình ông bình quân từ 700 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận thu được từ 500 triệu đồng - 700 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ với mức lương bình quân từ 03 - 04 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên mọi khó khăn không dừng lại ở đó, như muốn thách thức bản lĩnh của người nông dân này thêm một lần nữa. Cơn bão số 10 năm 2013 ập đến, trang trại gia đình ông bị tàn phá quá nặng nề; 7,5/10 ha cao su xóa sổ hoàn toàn, một số tài sản, công trình và cây cối khác cũng bị tổn thất quá lớn. Từ những khó khăn, bế tắc trên, với ý chí, nghị lực và bản lĩnh của anh Bộ đội Cụ Hồ, ông Diệm đã gồng mình vượt qua, vươn lên để định hình lại một mô hình trang trại tổng hợp khoa học hơn, bài bản hơn, quy mô sản xuất ổn định và phát triển cho hiệu quả kinh tế ngày một cao hơn. Từ thực tế diện tích đất do chặt phá cao su sau bão số 10 năm 2013 quá nhiều, diện tích không canh tác quá lớn, một số cây trồng ngắn ngày thì hiệu quả quá thấp, ông đã vận động trong Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện phân công nhau đi khảo sát một số vùng miền trên cả nước, đến những nơi có khí hậu khắc nghiệt giống Quảng Bình nhưng có năng suất cây trồng cao hơn như vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Khe Mây (Hà Tĩnh), cam, măng tây xanh (Thái Hòa, Nghệ An), tiêu Quảng Trị, cây bơ một số tỉnh Tây Nguyên. Qua khảo sát kết hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, tập quán canh tác của địa phương cũng như phân tích, chọn lựa, bước đầu ông và những người khác đã tìm ra một số mô hình thích hợp như tập trung đầu tư phát triển cây hồ tiêu, cây ăn quả các loại.

Bắt đầu từ năm 2014, gia đình ông đầu tư trồng mới 03 ha cây hồ tiêu, 04 ha cây ăn quả các loại. Xác định, hồ tiêu là cây chủ lực, có ưu thế và được ưu tiên phát triển trên địa bàn. Là cây trồng cần nhiều nước mùa hè, chi phí đầu tư cao so với các loại cây trồng khác nếu cứ canh tác theo phương thức truyền thống sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm, gây lãng phí lao động và thời gian. Từ thực tế tham quan mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ ISRAEL ở một số tỉnh, thành, ông Diệm đầu tư cho 04 ha hồ tiêu, 04 ha cây ăn quả bắt nước nhỏ giọt theo công nghệ mới này. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm lao động, chi phí, nước, chống xói mòn, tăng năng suất cây trồng. Nhờ đầu tư chăm sóc bài bản, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất sản lượng không ngừng tăng cao. Năm 2017, gia đình ông thu được 02 tấn hồ tiêu, năm 2018 trên 03 tấn, dự kiến năm 2019 sản lượng đạt trên 05 tấn. Không dừng lại ở đó, ông phát triển thêm nghề nuôi ong, hươu sao, lợn rừng với 20 đàn, 10 con hươu sao, 10 con lợn rừng... Tổng doanh thu của gia đình ông năm 2018 trên 750 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu được là 300 triệu đồng.

Đặc biệt, hộ nông dân Nguyễn Văn Diệm luôn gương mẫu đi đầu trong sản xuất tiêu sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để giữ vững danh tiếng và phát huy hơn nữa tiềm năng thế mạnh của cây hồ tiêu trên địa bàn, đầu năm 2017, ông đã làm hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu tập thể cho hạt tiêu Phú Quý. Tháng 10/2018, Hạt tiêu Phú Quý đã có Quyết định đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Để có điều kiện áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như có điều kiện tổ chức sản xuất tiêu sạch theo hướng hữu cơ với quy mô lớn hơn, ông đã mạnh dạn sáng lập và vận động thành lập Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hạt tiêu Phú Quý. Đến nay, Tổ hợp tác đã đi vào hoạt động với 25 thành viên do ông Nguyễn Văn Diệm làm Tổ trưởng, với mục tiêu tổ chức sản xuất tiêu sạch, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu cho hạt tiêu Phú Quý và có thị trường đầu ra ổn định lâu dài. Đây là hạt nhân của phong trào chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tiêu sạch theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng, giá trị của sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và có thị trường đầu ra để thúc đẩy sản xuất phát triển. Hiện, Tổ hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 người, lao động thời vụ cho 15 người với mức lương bình quân 05 triệu đồng/người/tháng.

Với việc tiên phong tìm ra hướng đi mới hiệu quả và vai trò là thành viên Hội cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội làm vườn, Ủy ban Mặt trận thị trấn, huyện, ông Nguyễn Văn Diệm đã được nhiều hộ nông dân trong vùng tín nhiệm tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm. Không ngần ngại chia sẻ, ông Diệm đã giúp đỡ nhiều hộ nông dân tiếp cận với những khoa học - kỹ thuật mới và những kinh nghiệm ông rút ra được từ thực tế nhiều năm. Hiện nay trên địa bàn thị trấn Nông trường Việt Trung có trên 100 ha hồ tiêu và trên 20 ha cây ăn quả các loại được chuyển đổi trồng mới, cây đang phát triển tốt và có nhiều tín hiệu tích cực cho việc chuyển đổi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, toàn thị trấn hiện có trên 450 đàn ong cho sản lượng trên 2.000 lít mật/năm, doanh thu ước đạt 01 tỷ đồng/năm, nhờ đó đã góp phần tận dụng được lao động nhàn rỗi cho bà con trên địa bàn.

Có thể nói trong thời gian gần đây, những trận bão lớn liên tục xảy ra, gây rủi ro lớn cho người trồng cao su, việc tìm ra cây trồng, vật nuôi thay thế phù hợp trên diện tích cao su gãy đổ như nông dân Nguyễn Văn Diệm đã làm thực sự là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hồng Mến

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập