Chi tiết bài viết

Vợ chồng tàn tật có 4 con học đại học

16:45, Thứ Hai, 19-4-2010

Bà con thôn Định Miệu, xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá ai cũng khen cặp vợ chồng ông Lê Vĩnh Sinh (sinh năm 1945), bà Trần Thị Xuân (sinh năm 1950), cả hai đều tàn tật nhưng khéo nuôi con ăn học. Chồng mù cả hai mắt, vợ cụt mất cánh tay phải, hai người nương tựa vào nhau xây dựng cuộc sống gia đình, nuôi con khôn lớn, trưởng thành.

Đến nay, 3 người con của họ đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, còn người con út hiện nay vừa làm việc vừa học đại học tại chức. Cả vợ chồng đều sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, khi mới 3 tuổi anh bị một trận ốm, do không có thuốc thang nên dẫn đến mù cả 2 mắt. Còn chị, năm 1966 bị cụt mất cánh tay phải trong một trận máy bay Mỹ đánh vào làng. Năm 1978, anh chị lấy nhau. Bốn đứa con ra đời đều được nuôi dạy, ăn học nên người. Người con đầu Lê Đức Thành, sinh năm 1979 tốt nghiệp đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay là giáo viên trường THPT ở tỉnh Vĩnh Long. Con thứ 2 Lê Thị Thanh, sinh năm 1981, tốt nghiệp Đại học Sư phạm ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay là giáo viên trường THPT. Con thứ 3 Lê Thị Nhàn, sinh năm 1985, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, hiện nay là giáo viên ở quê. Con thứ 4 Lê Đức Giang, sinh năm 1988, hiện nay vừa làm việc vừa học đại học tại chức. Cả 4 người con ai cũng chăm chỉ học hành, siêng năng, cần cù lao động, biết vâng lời và thương cha mẹ, quý mến và sẵn lòng giúp đỡ bạn bè.

Khi trò chuyện với chúng tôi, anh tâm sự, có nhiều lần vợ chồng anh bị ốm đau không lao động được, nhà thiếu ăn, định cho con nghỉ học để ở nhà đỡ đần cho cha mẹ, nhưng rồi nghĩ đi, nghĩ lại thà chịu cực, chịu khổ, bữa cơm, bữa cháo còn hơn để con thất học. Tre để đầy ngoài sân, mắt anh bị mù nhưng cứ đều đặn ngày hai buổi chẻ tre đan rổ, đan thúng để vợ đi chợ bán, không kiếm được nhiều nhưng cũng đủ tiền mua gạo, mua mắm muối. Còn tiền giấy bút, sách vở cho các con học thì từ nuôi bò, nuôi heo. Trong vườn thì trồng khoai, trồng chuối... lúc nào cây cối cũng xanh tốt. Mấy đứa con một buổi đi học còn một buổi đứa đi củi, đi mót khoai, mót sắn, hái rau... Các con đứa nào cũng chịu khó, chịu khổ, biết thương cha, thương mẹ, chăm chỉ học hành. Bị tàn tật, không những vượt lên số phận nuôi dạy cả 4 người con ăn học đến nơi đến chốn mà anh còn dũng cảm cứu người trong lúc hoạn nạn. Lần thứ nhất cách đây đã lâu, đò chở tranh của chị Hà Thị Thí về đến ngang bến đò Cây Thị (sông Gianh) thì bị gió to làm lật thuyền. Trong thuyền có 2 nam và 1 nữ, 2 nam bơi vào được bờ, còn 1 nữ (bà Thí) không biết bơi đành ôm lấy bó tranh. Khi nghe tiếng kêu cứu, anh liền chạy xuống sông, lội qua bên kia sông Gianh, đẩy được chị Thí vào bờ để bà con đưa cấp cứu kịp thời. Đôi mắt mù, làm sao nhìn thấy người giữa sông mà cứu? Anh kể: Về mùa hè từ khi còn nhỏ, ngày nào tôi cũng ra sông Gianh tắm và tập bơi, tập lặn, đường đất lối lại nơi bến đò Cây Thị tôi đã quen rồi nên khi ngồi trong nhà nghe tiếng người kêu cứu là tôi chạy ra ngay bến đò rồi bơi ra sông, nghe tiếng động ở đâu là tôi bơi đến đó. Nói thế nhưng cũng phải biết cách không khéo để người ta ôm vào mình thì họ cũng chết mà mình cũng chết, chẳng cứu được ai".

Năm 2007, cơn bão số 2 đổ bộ vào, cả xã Văn Hoá chìm trong biển nước, nhiều nhà dân nước lũ ngập đến nóc. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng khi nghe tiếng kêu cứu ở bên nhà hàng xóm, anh không ngần ngại bơi qua (cách khoảng 50m). Vào nhà, nghe bà Trần Thị Mận (87tuổi, liệt cả chân) đang kêu cứu, anh liền bế bà lên gác nhưng loay hoay mãi không được đành gọi anh Bùi Đức Nam nhà gần đó đến giúp sức cùng đưa bà Mận lên chỗ an toàn. Với hành động dũng cảm đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã tặng Bằng khen cho ông Lê Vĩnh Sinh vì ''Đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn cơn bão số 2 năm 2007."

Kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, chịu khổ vượt lên số phận để nuôi con khôn lớn, trưởng thành và bất chấp hiểm nguy cứu người trong hoạn nạn, đó là lẽ sống của vợ chồng tàn tật Lê Vĩnh Sinh và Trần Thị Xuân.

Lại Thế Ái
Báo QB số 76 - 2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập