Chi tiết bài viết

Vượt khó làm giàu

16:46, Thứ Năm, 10-8-2023

Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Bùi Văn Truyền, thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) “bén duyên” với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Từ sự nhạy bén, dám nghĩ dám làm, anh đã thành công với mô hình chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại của anh Truyền nằm giữa cánh đồng thôn Lệ Kỳ. Với diện tích gần 3ha, trang trại được quy hoạch hợp lý, khu ao nuôi cá tách biệt với khu chăn nuôi gà, vịt, lợn. Anh Truyền cho biết, nhận thấy điều kiện tự nhiên ở quê hương có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi, năm 2017, vợ chồng anh bắt tay vào đào ao thả cá, xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu anh Truyền nuôi 100 con vịt đẻ, 20-30 con lợn và một vài ao cá.
 
Với vốn tự có ban đầu khá khiêm tốn, mô hình chăn nuôi của gia đình anh chỉ mới chập chững những bước đầu, kinh nghiệm còn thiếu, nên thu nhập không được là bao, chỉ vừa đủ chi phí chứ chưa có lãi. Không nản lòng, anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức; học hỏi những người có kinh nghiệm ở những địa phương lân cận để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình. Nhờ sự chăm chỉ, ham học hỏi nên việc chăn nuôi của gia đình anh ngày một đi vào ổn định. Năm 2020, anh Truyền mở rộng quy mô trang trại, nâng tổng đàn vật nuôi lên hàng nghìn con, cho thu nhập ổn định hơn 500 triệu đồng/năm.
 
“Sau nhiều năm cực khổ, vất vả xây dựng, cơ ngơi đã đến ngày “hái quả” thì một lần nữa gia đình tôi lại trắng tay do ảnh hưởng của thiên tai. Đợt mưa lũ năm 2020 không chỉ cuốn trôi đàn vật nuôi mà cơ sở hạ tầng của trang trại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”, anh Truyền cho hay.

Mô hình chăn nuôi vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao của anh Bùi Văn Truyền.

Với quyết tâm vượt khó làm giàu, sau thiên tai, anh Truyền vay mượn thêm nguồn vốn mở rộng chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, anh Truyền dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập kinh nghiệm, mở rộng kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, anh cũng chủ động tìm mua những con giống có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
 
Nhờ vậy, những năm qua, vật nuôi trong trang trại sinh trưởng và phát triển ổn định, cho nguồn thu năm sau cao hơn năm trước. Chính việc bảo đảm kỹ thuật và các biện pháp an toàn trong chăn nuôi đã giúp trang trại vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh. Mỗi năm, trang trại của anh nuôi và xuất bán 12.000 con vịt, 100 con lợn nái, 4 tấn cá các loại, như: Vược, thát lát, mè, diếc… Từ hai bàn tay trắng nhưng với sự nỗ lực không ngừng, anh Truyền đã thành công trong chăn nuôi, với doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm.
 
Khi được hỏi về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, anh Truyền cho biết, ngoài sự cần cù chịu khó thì người nông dân cần phải đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa những giống cây mới vào sản xuất; thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Yếu tố quan trọng nữa là phải biết áp dụng đúng khoa học kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Với mong muốn tìm hướng đi mới, bền vững để phát triển kinh tế gia đình, anh Truyền đã mạnh dạn “thử sức” nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Anh đã đầu tư chuồng trại đạt chuẩn theo quy định và nuôi thử nghiệm 100 con lợn. Theo anh Truyền, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ thời gian dài hơn so với nuôi lợn truyền thống, quá trình nuôi hoàn toàn không sử dụng thuốc thú y, thuốc kháng sinh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thức ăn được sử dụng hoàn toàn là các thực phẩm có sẵn ở địa phương, như: Ngô, lúa, cám gạo…, được ủ bằng chế phẩm vi sinh, hoàn toàn không dùng thức ăn công nghiệp. Kết quả bước đầu cho thấy, nuôi lợn theo hướng hữu cơ rất hiệu quả, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương nên chi phí nuôi thấp hơn lợn truyền thống.
 
Bà Đỗ Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Ninh chia sẻ: “Anh Bùi Văn Truyền là người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và là một trong những tấm gương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế trang trại, anh Truyền luôn sẵn lòng chia sẻ với các hộ nông dân có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình”.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập