Chi tiết bài viết

Gieo chữ giữa đại ngàn Trường Sơn

14:40, Thứ Sáu, 7-1-2011

Sự cố gắng của những giáo viên không quản ngại gian khó, cách trở và thiếu thốn mọi điều đã làm sáng dần lên những bản làng heo hút giữa rừng già Trường Sơn. Trong những năm qua, đã có hàng chục học sinh theo học lên cấp III ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình và hai em người Ma Coong sau khi tốt nghiệp được cử đi học ngoài Hà Nội. Ngoài ra, tại bản Cà Roòng 1 hiện còn có em Đinh Miệt hiện đang học năm cuối trường Đại học sư phạm Huế.

VƯỢT TRƯỜNG SƠN DẠY HỌC

Mới sáng sớm, thầy giáo trẻ Cao Văn Lê (SN 1982, trú xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã gói gém tất cả những thứ nhu yếu phẩm như gạo, cá khô, kem đánh răng... vào túi để chuẩn bị vượt đường 20 Quyết Thắng lên gieo chữ cho con em đồng bào Arem. Tuy đoạn đường từ nhà thầy Lê lên đến Trường tiểu học cơ sở Tân Trạch - nơi thầy đang dạy dài khoảng 60 cây số, nhưng để lên đến đó đi xe máy phải mất hơn một buổi, vì con đường này chạy xuyên giữa rừng vắng, đèo dốc thăm thẳm, đá gồ ghề lởm chởm nên rất hiểm trở. “Nếu không may mà xe bị hỏng dọc đường thì chỉ có vứt lại rồi chờ có ai qua xin họ đi nhờ về trường, hôm sau thuê thợ sửa xe quay lại đó sửa rồi mang về” - Thầy Lê tâm sự. Có lẽ chính vì vậy mà trong chuyến “vượt” Trường Sơn gieo chữ sáng hôm ấy có thầy Mai Văn Hào (SN 1989, ở Lâm Trạch, huyện Bố Trạch) đi cùng để nếu xảy ra sự cố thì hai người sẽ giúp đỡ lẫn nhau.

Thầy Lê đã có vợ, đứa con nhỏ của hai vợ chồng thầy vừa mới chào đời được mấy tháng nay. Vậy nhưng, ngoài việc chăm nom con nhỏ thì mọi công việc trong nhà, vợ thầy đều phải đảm trách để chồng yên tâm dạy học. Thầy Hào cũng mới cưới vợ được hơn một năm nay, trong đợt này thầy về nhà để làm đầy tháng cho đứa con nhỏ vừa mới chào đời.

Nhiều năm qua, huyện Bố Trạch rất quan tâm đến công tác giáo dục tại hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Từ năm 2004, huyện đã xây dựng hoàn thành công trình Trường THCS Thượng Trạch với mô hình trường nội trú, tất cả con em đồng bào khi học lên đến cấp 2 đều đến học và ăn ở ngay tại trường, mọi chi phí được huyện lo. Còn cấp tiểu học, do đặc thù các em ở 18 bản nằm rải rác trong rừng sâu nên được xây dựng 18 điểm trường khang trang.

TÂM HUYẾT CỦA NGƯỜI THẦY

Nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì việc dạy chữ ở Tân Trạch và Thượng Trạch vẫn luôn thuộc vào loại khó khăn và gian nan nhất tỉnh Quảng Bình, nhiều điểm dạy học cho các em học cấp tiểu học vẫn phải tăng cường cả nhà văn hóa cộng đồng.

Tuy khó khăn như vậy, nhưng các giáo viên trẻ đang cắm bản gieo chữ nơi đây vẫn không ngại khó khăn cách trở, mà chỉ luôn lo các em học sinh không chịu đi học. Thầy Hào trăn trở: “Do các em là người dân tộc sinh sống giữa rừng sâu nên không có điều kiện tiếp xúc với miền xuôi, nhiều em không nhận thức được học rồi để làm gì nên toàn cứ bỏ học. Nhất là mỗi khi gia đình thiếu “cái ăn” là các em lại bỏ học theo bố mẹ vào rừng kiếm ăn. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải băng rừng, lội suối, vào tận nương rẫy để vận động các em quay lại lớp học”.

Bên cạnh đó, do đặc thù nơi đây học sinh toàn là con em đồng bào dân tộc, nên nhiều giáo viên trẻ khi mới về đây dạy học đã gặp một trở ngại lớn là bất đồng ngôn ngữ. Cô Nguyễn Thị Hảo đang dạy học ở điểm trường bản Cà Roòng 2 tâm sự: “Những ngày đầu đứng lớp, cô trò đều bất đồng ngôn ngữ nên sau đó cứ buổi tối, ngoài soạn giáo án thì tôi còn phải tranh thủ học thêm ngôn ngữ của các em. Chính nhờ vậy nên đến nay công việc truyền thụ kiến thức cho các em học sinh nơi đây được suôn sẻ hơn”.

Cô giáo Hảo đang miệt mài giảng bài tại bản Cà Roòng 2

Ông Hoàng Văn Hùng, Phó bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch cho biết: “Theo quy định của huyện Bố Trạch, các thầy cô giáo lên phục vụ tại Tân Trạch và Thượng Trạch, nếu thời gian phục vụ 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam thì có thể xin về. Nhưng nhiều năm qua, có những thầy giáo đã tình nguyện ở lại đây dạy học đến 8 năm như thầy Lãm, thầy Lữ, thầy Mạnh... thậm chí thầy Nguyễn Văn Khiểu, thầy Phạm Phong Ba đã dạy học ở Thượng Trạch gần 14 - 15 năm nay rồi. Không phải các thầy không muốn về xuôi cho gần gia đình, nhưng vì tình thương đối với các em mà ở lại. Các thầy đã dạy dỗ các em quen rồi nếu về dưới xuôi thì huyện phải bố trí thầy cô mới, không biết tiếng nói của dân tộc nơi đây nên các em lại không hiểu. Có lẽ vì vậy mà mà các thầy đã ở lại với các em, ngày đêm miệt mài dạy chữ trên đại ngàn này. Dạy học ở Tân Trạch và Thượng Trạch thì “thiệt thòi” là điều không thể tránh được, nhất là điều kiện sống thiếu thốn trăm bề. Về mùa khô còn đỡ, nếu là mùa mưa có những tuần ăn cơm với muối, vì con đường 20 Quyết Thắng mưa xuống là mặt đường trơn không thể đi được. Có những lúc hết sạch thức ăn, các thầy phải vào rừng lấy măng, xuống suối lặn cá để cầm cự mà dạy học”.

Sự cố gắng của những giáo viên không quản ngại gian khó, cách trở và thiếu thốn mọi điều đã làm sáng dần lên những bản làng heo hút giữa rừng già Trường Sơn. Trong những năm qua, đã có hàng chục học sinh theo học lên cấp III ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình và hai em người Ma Coong sau khi tốt nghiệp được cử đi học ngoài Hà Nội. Ngoài ra, tại bản Cà Roòng 1 hiện còn có em Đinh Miệt hiện đang học năm cuối trường Đại học sư phạm Huế.

TÌNH - SƠN - TRUNG
(Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập