Chi tiết bài viết

Bác sĩ của rừng xanh

11:11, Thứ Năm, 17-3-2011

Một đôi vượn Siki con chưa đầy tuổi bị nhóm thợ săn đánh bắt, hai cá thể vượn sau đó được đưa về trung tâm Khoa học và cứu hộ vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), không may một con bị nhiễm cúm vào mùa lạnh, nếu không chạy chữa sẽ chết. Đêm đêm, bác sĩ thú y Trần Ngọc Anh phải dùng hơi ấm của mình để cứu một sinh linh bé nhỏ…

Một nhóm thợ săn ở Minh Hoá đã hạ sát đôi vượn bố mẹ. Trên thân nó hai con non đang bấu víu vào bầu vú. Chúng ngơ ngác khi nhóm thợ săn đưa ra khỏi rừng. Lực lượng chức năng bắt quả tang và tịch thu các cá thể vượn Siki. Hai con non còn sống nhanh chóng chuyển về cho trung tâm cứu hộ Phong Nha – Kẻ Bàng. Người ta cứ nghĩ, chúng thoát nạn, nhưng một trận ốm kịch liệt lại hành hạ cá thể nhỏ hơn. Mạng sống của nó hết sức mong manh giữa mùa đông tháng giá.

Cứu vượn trên giường ngủ

Người lo nhất sinh mạng của chúng là bác sĩ thú y Trần Ngọc Anh, phụ trách trung tâm cứu hộ. Anh là người trực tiếp đón nhận hai sinh linh bé bỏng từ hơn trăm cây số về đây. Anh bắt đầu tận tình chăm sóc hai sinh linh đó mỗi ngày và phát hiện một con bị sốt siêu vi tấn công. Anh đứng ngồi không yên. Đã truyền nước biển, thuốc tây, truyền dịch nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đêm mùa đông trời lạnh buốt, nằm trong chăn cạnh khu chuồng linh trưởng, Anh cảm nhận hai cá thể vượn Siki đang lạnh run vì chúng không còn hơi ấm từ mẹ, thiếu nghiêm trọng chất đề kháng từ sữa tươi chúng thường được bú mẹ. Nửa đêm canh ba, chong đèn thức dậy, vượn nằm trên tấm ván trong trạng thái mê man. Con khoẻ phủ mình lên con ốm. Anh bế con ốm vào giường, đắp chăn bông, nằm cạnh nó để giữ nhiệt. Hôm sau, vượn Siki dần hồi sức, lồng ngực đã thở đều, nhưng mắt chưa mở, vẫn còn trong trạng thái ngủ sâu. Cứ thế, mỗi ngày, Anh cùng đồng nghiệp trung tâm người bón sữa, người ủ ấm cho cá thể vượn Siki bé bỏng. Điều trị đặc biệt hai tuần, cá thể vượn bắt đầu hồi phục. Vẫn còn mùa đông, Anh sợ chúng bị sốt trở lại, cho nó lên giường ngủ đúng hai tháng trời. Mọi sinh hoạt, Anh chăm bón như nuôi con mọn, dọn dẹp từng chút bài tiết, lo toan đầy đủ từng miếng ăn đặc biệt.

Mùa đông năm 2009 đã qua, nay nhớ lại, Anh nói: “Đó là hành trình giành giật sống chết để cứu vượn Siki non. Nay chúng đã lớn, bình phục và tiếng hót của chúng đã bắt đầu”. Ai có lên trung tâm cứu hộ này, đến bên không gian của hai cá thể vượn Siki được cứu, sẽ thấy chúng thích đứng trước ánh đèn chụp ảnh, tiếng hót của chúng đã bắt đầu hoà vang giữa không gian rừng di sản. Một tiếng hót được cứu khỏi sự dã man của đám thợ săn.

Thức ăn cho động vật được cắt gọt vỏ khi đưa ra khỏi tủ lạnh. Ảnh: Quốc Nam



Nâng niu từng mạng sống

Đã có gần 1.000 cá thể động vật cứu chữa ở đây và chúng lần lượt được tái thả về tự nhiên. Từ cá thể ăn thịt như báo lửa, đến gấu, khỉ, voọc, rùa, rắn, trăn, chim… Chúng được chăm sóc đặc biệt với chế độ ăn vô trùng hoàn toàn trước khi đưa ra chế biến. Muốn vào khu cứu hộ, bạn phải lột bỏ hành lý, giày dép, mặc bộ đồ đặc biệt, bước vào thau tẩm hoá chất nhằm tránh không đưa theo vào khu chuồng trại các vi khuẩn bên ngoài. Và quy định ở đây là không có bất cứ ngoại lệ nào. Bởi đây là tuân thủ cho tương lai tái thả các cá thể động vật được cứu hộ về lại với môi trường tự nhiên của chúng.

Khỉ mặt đỏ là những cá thể náo động nhất, chúng có tập tính bầy đàn cao, và thường đánh nhau để có vị thế trong đàn, mỗi lần có người vào, chúng thường thể hiện vai trò đó. Có con canh chừng ở ngoài chuồng, có con leo tót lên trên cao để báo hiệu cho một số cá thể ở các chuồng bên cạnh. Nhìn những con Culi núp dưới các tán lá khô, ẩn mình sâu trong các hộp gỗ với ánh mắt tò mò nhút nhát càng làm cho các cán bộ cứu hộ thêm hiểu rằng, cứu được chúng là một việc, đưa chúng về với tự nhiên mới là mục đích cuối cùng để ánh mắt đó vơi đi nỗi ám ảnh hiển hiện hàng ngày.

Tất cả các cá thể động vật được cứu hộ tại đây có thức ăn hoa quả tươi như chuối, nho, dưa chuột, càrốt… cất giữ trong tủ lạnh có công nghệ làm lạnh nano. Các bác sĩ thú y như Ngọc Anh phân chia lịch ăn mỗi ngày ba bữa. Cá thể nào ốm sẽ theo dõi mỗi 15 phút một lần để có phương pháp chữa trị tốt nhất. Mỗi tháng, chi phí thức ăn cho chúng hết 11 triệu đồng. Đó là khoản tài chính không hề nhỏ với trung tâm ở đây, nhưng vượt lên trên hết là lợi ích môi trường, tính nhân bản với tự nhiên. Và cứ mỗi cá thể được cứu, rừng xanh lại có thêm một giọng điệu mới, mà rõ ràng nhất là đôi vượn Siki là điển hình, chúng đã góp thêm tiếng hót cho rừng xanh.

Bài và ảnh Quốc Nam
(Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị media)



Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập