Chi tiết bài viết

Tình nguyện ở lại bản để chăm cột mốc biên giới

17:13, Thứ Sáu, 29-4-2011

Nghe câu chuyện vợ chồng già làng Hồ Mút và Hồ Thị Đăn, người dân tộc Mày ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) không về nơi định cư mới mà một mình ở lại bản Xòn để bảo vệ cột mốc biên giới khiến chúng tôi quyết định “thượng sơn” lên vùng biên, “làm khó” với các anh bộ đội Biên phòng ở đồn 589 để nhờ các anh dẫn đường lên thăm vợ chồng già làng Hồ Mút.

Đường lên cột mốc biên cương

Sáu giờ sáng, khi sương trắng đang còn vương vấn trên những lèn núi đá cao, chúng tôi đã khởi hành mà khi lên tổ biên phòng chốt tại vùng Lòm, mặt trời đã lên quá ngọn sào. Đại úy Trần Huy Cận, người được giao nhiệm vụ dẫn đường thông báo: “Mình chỉ có thể đi xe máy vào đến bản Si thôi, sau đó chuyển sang cắt rừng. Trong chuyến này có thêm vợ chồng Hồ Bông, con trai của già Hồ Mút cùng mấy đứa cháu nữa lên thăm ông”.

Bản Xòn cách bản Si thuộc vùng Lòm (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) hơn hai giờ đồng hồ cắt rừng đi bộ. Gọi là bản nhưng ở đây chỉ còn lại đôi vợ chồng già Hồ Mút- Hồ Thị Đăn, còn dân bản đã về vùng Lòm định canh định cư từ mấy năm nay rồi. Già Hồ Mút có 7 người con gồm năm trai, hai gái; 23 cháu nội ngoại và 10 đứa chắt, nhưng già khuyên cháu con nên về với dân bản, riêng mình tự nguyện ở lại dù chỉ còn chút sức lực vẫn lên để chăm chút cột mốc N11- khu vực biên giới do Đồn biên phòng 589- Ra Mai phụ trách.

Con dốc Xòn cao hút mắt, người đi sau đầu cứ tưởng như chạm vào chân người đi trước. Hồ Bông dấn người lên đầu tổ dẫn đường, tiếng nghe loáng thoáng: “Cán bộ yên tâm, chỉ mất hơn 30 phút leo dốc thôi mà!”. Đại úy Cận cho hay: “Đến nơi ở của già Mút mất hơn hai tiếng đồng hồ. Từ chỗ già lên tới cột mốc N11 thêm khoảng ba tiếng nữa. Thanh niên như mình đi còn mệt, rứa mà già Mút cứ dăm bữa nửa tháng lại trèo dốc, lội suối, cắt rừng lên thăm!”.

Già làng Hồ Mút đang kể lại quãng thời gian chăm nom cột mốc N11

Người giữ cột mốc vùng biên viễn

Già làng Hồ Mút sinh năm 1939, vợ ông- Hồ Thị Đăn, sinh năm 1942. Trong ngôi nhà sàn cũ nát, nằm chơ vơ bên dòng suối Xòn, già Mút khoe cùng chúng tôi gia tài “quý giá” của mình: Huân chương Kháng chiến hạng nhì; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển dân tộc; Kỷ niệm chương Vì chủ quyền an ninh biên giới; Huy hiệu Chiến sĩ thi đua năm 1968 và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng… “Tao nhớ… chắc cái thời chúng mày chưa ra đời! tại xã Dân Hóa (bao gồm cả xã Trọng Hóa bây giờ) chỉ có tao là trúng tuyển đi bộ đội. Mừng lắm! Ngày lên đường nhập ngũ, ra tới bản Hà Nôông thì nghe tin bố chết, cấp trên cho người ra gọi về, rứa là giấc mơ làm bộ đội tan theo. Đi bộ đội không được, ở nhà giúp biên phòng tuần tra biên giới”.

Vợ chồng ông Hồ Mút

Đại úy Trần Huy Cận xen vào câu chuyện: “Bọ Mút rất am tường đường đi lối lại giữa núi rừng nên giúp đỡ chúng tôi rất nhiều!”. Già Mút kể tiếp: “Đồn Cà Xèng chuyển về đóng tại bản Dộ, dân bản Xòn theo chủ trương của Đảng về định cư tại các bản thuộc vùng Lòm. Tao họp con cháu lại dặn: các con về vùng đất mới đi để chăm lo làm ăn, thoát khỏi nghèo đói, cho con cháu được học lấy cái chữ Bác Hồ do thầy giáo dưới xuôi mang lên. Tao ở lại với cột mốc, chân còn khỏe, tai còn nghe tiếng dội của đại ngàn, con mắt còn tinh… thì một tháng tao lên với cột mốc một lần. Lên đó thấy tự hào lắm!”.

Người đảng viên dân tộc Mày có trên 30 năm tuổi Đảng sống vững chãi như cây lim già giữa đại ngàn, ông trở thành niềm tự hào cho con cháu, cho dân bản, cho cả những người lính biên phòng ngày đêm cùng ông canh giữ toàn vẹn chủ quyền an ninh biên giới.

Phạm Phú Thép - Thành Long
(Báo Văn hóa)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập