Chi tiết bài viết

Ông Bí thư “Chân đất ”

8:54, Thứ Hai, 13-6-2011

Có người đã nói: “Viết về người tốt, việc tốt đã khó, viết về người rất tốt, nhất là người lãnh đạo, càng khó hơn, bởi họ không muốn nói về mình”. Tôi đã vấp phải “hòn đá tảng” khi tìm hiểu về một tấm gương như vậy. Nài nỉ bao nhiêu lần, ông cũng trả lời “không”. Gặp gỡ nhiều cộng sự và bạn bè của ông, tôi mới có được chân dung của một vị lãnh đạo ở huyện rộng nhất tỉnh Quảng Bình.

Ngày chủ nhật không hẹn trước, tôi đến nhà ông Nguyễn Hồng Thanh ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bây giờ ông mới nhận nhiệm vụ Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nhưng 10 năm vừa qua, ông là Bí thư huyện ủy huyện Bố Trạch.

Bước vào sân mà tôi vẫn không tin lắm: Một căn nhà cấp 4 bình dị, xây lâu năm chưa tô, cũ kỹ. Vườn rộng nhưng cây cối chẳng có gì đáng kể, ngoài mấy luống ngô và gốc mai nở muộn. Tôi có cảm giác, ngồi đối diện với mình trong căn nhà gỗ là một bác thợ cày chứ không phải ông Bí thư huyện. Mặc dù đã cố cạn mấy ly rượu cùng ông để “moi chuyện”, nhưng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu. Ngồi mấy tiếng đồng hồ chỉ nghe ông kể mỗi chuyện làm… dân vận. Cũng từ cái chuyện dân vận bình thường ấy, hình ảnh của ông đã khắc sâu trong lòng bà con, nhất là đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa.

Do có nhiều công lao với địa phương, năm 2010, Hội đồng thi đua khen thưởng huyện đề nghị tỉnh và Trung ương tặng thưởng ông Huân chương Lao động hạng ba, nhưng ông đã từ chối. Nói ông làm bản thành tích, ông nhất định không làm. Anh cán bộ Tuyên giáo đành phải “chấp bút”. Tôi đã may mắn được đọc bản thành tích ấy ở huyện. Bản đánh máy 5 trang nhưng chỉ nêu những thành tích về… tập thể, còn cá nhân chỉ vỏn vẹn có mấy dòng. Nổi bật nhất là: “Gương mẫu trong cuộc sống, sâu sát kiểm tra, xử lý kịp thời các vướng mắc ở cơ sở, nghiêm túc trong sinh hoạt và công tác, thẳng thắn chân tình trong phê bình…”.

Những câu chuyện về ông, tưởng như đùa mà hóa thật. Các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng 593 kể rằng: Khi bộ đội giúp đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch tập trồng lúa nước, ban đầu còn thiếu nhiều thứ, nhất là nông cụ. Biết vậy, khi lên công tác, ông ghé qua nhà bảo vợ gom hết dụng cụ nào cuốc, xỉa, bàn cào… bỏ sau xe u-oát để tặng. Ai dè bộ đội ta đã sắm được mấy thứ, chỉ xin cái bàn cào gỗ. Ông lại cắm cúi bó về, nói để bà xã làm mấy sào ruộng. Cánh lính tinh nghịch trêu: “Có cày bừa rồi, chỉ xin bố cái bàn cào gỗ để sau này trưng bày nhà truyền thống”.

Mỗi lần ông Thanh lên thăm Đồn 593 hay 591, lính trẻ thường gọi ông bằng bố như vậy, nhưng cũng có sự trùng hợp. Ấy là các con ông (3 gái, một trai) học hành tử tế, đều tự xin việc làm, ông không can thiệp. Đứa nào ông cũng bảo: Con mới ra trường, phải xung phong lên vùng cao, vùng sâu công tác, vất vả ban đầu rồi sẽ nên người. Riêng cô con gái út mới tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, ông nhắc Phòng giáo dục huyện cử lên dạy ở Thượng Trạch, một xã miền núi xa xôi. Dân ở xã này phần lớn là tộc người Ma Coong, đa số mù chữ. Đời sống ở đây khó khăn nhất tỉnh bởi không có hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, chợ. Một số thầy cô giáo chịu không nổi sự vất vả, bỏ về xuôi và bỏ nghề, giáo viên luôn thiếu. Cô con gái út sau nhiều lần nghe bố phân tích, đã đồng ý rời thị thành lên với các em học trò vừa rời hang đá chưa lâu. Và cái duyên đã đến với cô: Một sĩ quan biên phòng của Đồn 593, từ chỗ cảm phục đã đem lòng yêu thương cô giáo giàu nghị lực. Đôi bạn trẻ yêu nhau mấy năm trời nhưng kín quá, trước ngày cưới vài hôm ông Thanh mới biết. Hóa ra, chàng rể tương lai chính là con trai của bác lái xe riêng cho ông. Bí thư huyện ủy bắt tay thông gia cười vui: “Ông nội lái xe cho ông ngoại, càng hay!”.

Việc riêng “lơ là” vậy nhưng việc chung thì ông luôn sâu sát, nhất là với cơ sở. Làm Bí thư 2 nhiệm kỳ liền (từ năm 2001 đến 2010), cũng chừng ấy năm ông lăn lộn với từng cánh đồng, ruộng mía, đồi cây. Nói đến trồng mía, anh cán bộ Phòng Nông nghiệp còn nhớ như in chuyện ông Thanh chỉ đạo rất kiên quyết. Hồi đó, bà con một số xã chưa tin lắm về hiệu quả của cây mía, ông bảo cán bộ, đảng viên trong xã làm trước, bà con làm sau. Mấy tháng sau ông lên thăm đồng mía của xã Phú Trạch, thấy cỏ tốt hơn mía, ông bắt cán bộ, đảng viên trong xã hoãn mọi cuộc họp, tập trung làm cỏ mía. Dân thấy thế, tự giác làm theo và chăm bón tốt nên cuối vụ thu hoạch năng suất cao. Còn ở xã Sơn Trạch, đất bồi ven sông Son rất tốt nhưng lãnh đạo xã ngại khó, đổ lỗi cho đất, không vận động dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Ông xắn quần lội xuống từng thửa ruộng, bốc từng nắm đất, bảo anh kỹ sư đem về nghiên cứu để trồng mía, trồng lạc. Vụ đầu tổ chức trồng, mía và lạc tốt bời bời, từ đó cán bộ xã cũng hết quan liêu. Bà con nông dân rất mến phục người Bí thư nhiều kinh nghiệm.

Bố Trạch có 30 xã, diện tích rất rộng, vậy mà xã nào ông cũng đã đến thăm nhiều lần. Riêng hai xã Tân - Thượng Trạch giáp đường biên, xa nhất và đường sá khó đi nhất, nhưng hầu như tháng nào ông cũng lên thăm. Còn nhớ, năm 2009, một số giáo dân xã Phúc Trạch bị kẻ xấu lợi dụng, tự ý dựng tượng Chúa trên núi, nơi có Di sản quốc gia. Qua nhiều lần vận động, bà con chưa hiểu hết việc làm sai trái, không chịu tháo dỡ tượng. Bí thư huyện ủy vào cuộc, ông triệu tập lãnh đạo xã và đội ngũ cốt cán, phối hợp với Ban tôn giáo tỉnh, kiên trì vận động từng nhà, từng người. Ông gần như có mặt ở xã một tháng trời, cùng ăn, cùng ở với đồng bào, phân tích cho đồng bào thấy ý đồ thâm độc của những phần tử chống phá lợi dụng đồng bào. Nghe ra, bà con giáo dân tự nguyện hạ tượng Chúa.

Thương yêu dân hết lòng nhưng đối với việc phê bình, nhất là với cán bộ, đảng viên ông Thanh rất thẳng thắn. Biết Chi bộ thôn Thanh Khê yếu kém do nội bộ mất đoàn kết, cán bộ tranh giành chức quyền, gây bè phái. Trăn trở về một vùng quê có tiềm năng kinh tế nhưng không mạnh về công tác Đảng và chính quyền, ông đã giành nhiều thời gian để “vực” địa phương này đi lên. Dù ở xa nhưng nhiều đêm ông đã về sinh hoạt chi bộ, phân tích mổ xẻ, chỉ rõ đúng sai. Ông cương quyết cải tổ, thay thế những đảng viên thoái hóa biến chất, trục lợi, sắp xếp lại cả bí thư lẫn trưởng thôn và một số cán bộ. Từ đó, Chi bộ đã đoàn kết vươn lên, lòng dân ý Đảng đồng thuận, cùng xây dựng thôn Thanh Khê và Chi bộ phát triển vững mạnh.

Tác phong giản dị và đức tính cần kiệm, không muốn làm phiền ai, đã trở thành thói quen của ông Bí thư có dáng lão nông tri điền. Đi công tác xa, bao giờ ông cũng dặn vợ hoặc lái xe gói cơm nắm muối vừng, hoặc có khi là túi bánh mì và hộp sữa. Lên các xã miền núi, đường sá khó khăn, khi xe hỏng dọc đường mới thấy giá trị nắm cơm muối vừng ông mang theo. Đến các xã làm việc xong, ông ít khi dự “bữa cơm thân mật”. Thường thì ông ghé thăm Đồn Biên phòng và xuống bếp tập thể cùng bộ đội. Có khi ông lại đến dùng cơm với bạn chiến đấu lâu ngày không gặp. Đến với đơn vị bộ đội nào, bao giờ ông cũng có quà. Chỉ là cân chè Thái và lít rượu trắng do chính tay bà vợ ông nấu, nhưng bao giờ cũng làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ. Bộ đội các Đồn Biên phòng đã từ lâu xem ông như người nhà. Bà con dân tộc thiểu số như Ma Coong, A Rem, ông đến thăm nhiều lần nên quá quen. Tuy biết “Bác bí thư” tửu lượng kém nhưng già bản nào cũng quý, muốn kéo ông về nhà mình. Họ mời thưởng thức một tý rượu cần, hoặc nhờ ông đặt tên cho đứa trẻ mới sinh. Mới vài hơi rượu, cả chủ và khách đều lâng lâng, bá vai bá cổ như anh em. Lên xe về, già bản nào cũng muốn tặng giò phong lan, nhưng ông đều từ chối.

Cái việc tặng và nhận quà đối với nhiều người là lẽ thường, nhưng đối với ông Thanh, đó là điều cấm kỵ. Bất cứ là do quý nhau hay nhờ vả điều gì, làm thế nào để ông nhận quà, đó là vấn đề nan giải. Một doanh nghiệp trong huyện, thấy ông có cái vườn đẹp nhưng không có cây gì đáng giá, bèn tặng ông hai chậu cảnh to. Ông đi làm về, gọi ngay Giám đốc cảm ơn và bảo mang xe vào chở cây về, nếu chậm, ông sẽ thuê xe chở đến tận nơi. Hồi ông còn nghiện thuốc lá, đi công tác có người biếu cả cây thuốc, ông vui vẻ nhận nhưng hôm sau biếu lại cả can rượu. Bà xã nhà ông là cán bộ Mặt trận, vừa tất bật với công việc chung, vừa chăm lo mấy sào ruộng và đàn heo. Ông hầu như chẳng giúp được gì cho vợ con, ngày nghỉ hiếm hoi cuối tuần, dành cho bạn bè tri kỷ. Vui nhất vẫn là chuyện cái thời ông làm Bí thư Đảng ủy xã. Cùng lội ruộng đi cày, tìm kiếm giống mới, thâm canh tăng vụ, làm cho đồng lúa của quê nhà liên tục được mùa, năng suất cao nhất nhì huyện.

Điều ông Thanh tâm đắc nhất hiện nay là sau 10 năm lãnh đạo, Đảng bộ huyện Bố Trạch đã vững mạnh, số chi bộ yếu kém giảm hẳn, đời sống của đa số bà con khá lên trông thấy. Hầu hết các chỉ tiêu đã đạt và vượt so với Nghị quyết của huyện đề ra. Phấn khởi nhất là kinh tế gò đồi, vùng bán sơn địa cằn cỗi năm xưa nay đã phủ một màu xanh no ấm. Riêng cây cao su, kho “vàng trắng” đã làm cho nhiều gia đình trở thành triệu phú. Rừng thông lấy nhựa, rừng keo, tràm, bạch đàn bát ngát cả miền tây Bố Trạch. Ông rất vui và cao hứng khi nói đến tương lai tươi sáng của Bố Trạch. Thấy ông đang vui, tôi hỏi :

- Căn nhà này làm đã 15 năm, sao ông chưa hoàn thiện cho vợ con được nhờ?

Ông gãi đầu cười thật hiền:

- Để thế ở cũng… không sao, đẹp chán! Rồi ông lảng sang chuyện khác, mời tôi tuần sau cùng lên thăm xã Thượng Hóa. Nơi ấy đồng bào Rục mới tập làm được mấy héc-ta lúa nước. Đời ông là những chuyến đi, đến những nơi nghèo khó nhất để nắm tình hình mà lãnh đạo. Còn nhớ trong cơn lũ lịch sử năm ngoái, buổi sáng vừa thấy ông mang áo mưa đứng trên thuyền ở Sơn Trạch để chỉ đạo khắc phục thiên tai, trưa chiều đã thấy ông cùng bộ đội dựng lại nhà cho bà con ở Xuân Trạch. Trên vị trí mới, là Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, ông càng có cơ hội gần dân hơn để giúp đỡ, sẻ chia.

Đỗ Thu Hồng
(Quân đội nhân dân)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập