Chi tiết bài viết

Chàng thợ mộc và giải thưởng Lương Đình Của

16:11, Thứ Ba, 13-3-2012

(Website Quảng Bình) - “Sống giản dị, tiết kiệm và luôn hòa đồng với mọi người”, đó là lời nhận xét của những người hàng xóm khi nói về Nguyễn Thanh Cường, người thợ mộc kiêm Bí thư Chi đoàn thôn Kiều Tiến, xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa.

Tuổi thơ của Cường ngoài thời gian dành cho học tập anh còn tham gia chăn trâu, cắt cỏ, đi rừng hái củi để cùng cha mẹ lo toan cuộc sống hàng ngày. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh làm hồ sơ đi học tại Trung tâm Công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh. Ra trường với tấm bằng Trung cấp Kỹ thuật viên Công nghệ thông tin, a xin việc nhưng không nơi nào nhận. Năm 2006, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Kiều Tiến, được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia vào Ban Thường vụ Xã đoàn Yên Hóa. Với suy nghĩ luôn trăn trở để tìm kiếm việc làm có thêm thu nhập cho bản thân và gia đình, anh đã tự mua dụng cụ về làm mộc như máy bào, dùi, đục… để tự đóng đồ dùng cho gia đình. Nhận thấy nghề mộc có thể phát triển được trên quê nghèo Minh Hóa nên anh đã huy động vốn từ gia đình và vay vốn Ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất. Anh đã đầu tư trên 20 triệu đồng để mua 2 dàn máy cưa bào liên hoàn, 01 giàn máy tiện gỗ và hơn 10 máy cầm tay các loại để phát triển nghề mộc. Sản phẩm làm ra chủ yếu là phục vụ nội thất gia đình và công sở như bàn ghế, tủ các loại, và cửa trần, cầu thang. Ngoài việc làm tại nhà xưởng theo đơn đặt hàng, anh còn nhận đóng bàn ghế, đóng giường và các nội thất khác tại nhà cho khách hàng khi có yêu cầu. Bình quân mỗi năm có 11 thợ lành nghề và thợ học nghề làm việc tại xưởng của anh, thu nhập của mỗi thợ từ 70.000 đến 130.000đồng/ngày, tương đương với 2 triệu đến gần 4 triệu đồng /tháng. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 100 – 120 triệu đồng. Anh Cường tâm sự: Để có thành công như ngày hôm nay, ngoài những kiến thức được học, mình đã thường xuyên học tập, tìm tòi và nghiên cứu mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tránh lãng phí về nguyên vật liệu gỗ trong thiết kế và thi công sản phẩm, lấy sản phẩm ít tiền nuôi sản phẩm nhiều tiền từ khi còn ít vốn. Bên cạnh đó, trong công việc anh không phân biệt chủ, thợ và biết sắp xếp công việc phù hợp với tay nghề của mỗi lao động.

Với cương vị là một Bí thư Chi đoàn, anh đã tích cực tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên phải biết tự mình khẳng định mình, vươn lên trong học tập và trong lao động. Anh cũng luôn mời các đoàn viên trong xã đến tham quan, học hỏi mô hình làm ăn của gia đình để nhân rộng. Không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhận giải thưởng Lương Đình Của do Trung ương Đoàn trao tặng, anh Cường chia sẻ: Đây là giải thưởng cao quý và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời, giải thưởng này sẽ là động lực để mình vươn lên trong lao động và vận động được nhiều thanh niên trong xã biết tự làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra.

Thùy Linh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập