Chi tiết bài viết

Áp dụng kiến thức khoa học công nghệ để làm giàu

16:39, Thứ Năm, 24-10-2013

Sẽ khó ai có thể tin được người thanh niên tràn đầy tự tin đang sở hữu hơn 3,5 ha trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản với doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm lại có xuất thân từ một anh chàng bán kem nghèo khổ. Trong gần 20 năm quyết tâm phấn đấu với nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân, anh Đinh Đăng Tuân (thôn Đoàn Kết, Hưng Thuỷ, Lệ Thuỷ) đã góp phần cải tạo vùng đất nghèo nhiều cát trắng, đồng khô thành những ao hồ lớn chăn thả cá giống hay các chuồng trại nuôi lợn, chim bồ câu... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi thương phẩm và nhân giống chim bồ câu Pháp bằng phương pháp nhốt chuồng là một bước tiến táo bạo của trang trại anh Đinh Đăng Tuân (Hưng Thủy, Lệ Thuỷ)

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, những người thân thường xuyên ốm đau bệnh tật, từ rất sớm, anh Tuân phải nghỉ học, làm nhiều nghề để nuôi sống gia đình, từ bán kem, kẹo kéo, nhôm nhựa...

Trên chiếc xe đạp cũ cộc cạch, dạo qua nhiều ngõ ngách để mưu sinh, anh có cơ hội nhìn thấy nhiều tấm gương nông dân làm giàu bằng chính đôi bàn tay, sức lao động của mình. Anh tự nhủ: "Tại sao họ làm được, mình lại không làm được?". Nghĩ là làm, cuối năm 1994, anh bàn với gia đình khoanh hố bom cạnh nhà để nuôi cá.

Tiếp đó, anh lại thuê thêm một số diện tích đất bỏ hoang để mở rộng quy mô hồ nuôi. Và anh quyết tâm bỏ nghề nhôm nhựa để chuyển sang nghề nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2005, cơ hội lớn mở ra cho anh khi kinh tế trang trại được chú trọng phát triển, anh mạnh dạn đấu thầu 7 sào mặt nước hoang nhằm mở rộng diện tích ao hồ, đồng thời chăn nuôi thêm gà công nghiệp, lợn, giun quế... Lấy ngắn nuôi dài và mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ chính là hai phương châm làm kinh tế của trang trại gia đình anh Đinh Đăng Tuân.

Khó khăn ban đầu của anh chính ở vốn, con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Về vốn, anh nhờ sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và sự vận động từ thân nhân, bà con. Về con giống và tiêu thụ sản phẩm, anh phải mất một thời gian dài để có thể ổn định với nhiều tìm tòi, đột phá, táo bạo. Để tích luỹ kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản, anh lặn lội đi nhiều nơi "tầm sư học đạo", từ Bố Trạch, Quảng Trị cho đến Nha Trang, Hà Nội...

Được tai nghe mắt thấy, cầm tay chỉ việc, lại có cơ hội thực hành, ứng dụng, sau mỗi chuyến đi, anh lại thêm quyết tâm làm giàu và được trang bị nhiều kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển sản xuất tại quê nhà. Ngoài ra, thói quen thường xuyên đọc sách trau dồi kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng là một bí quyết của anh. Nhưng, không phải bất cứ ứng dụng nào cũng thành công. Anh còn nhớ, năm 2011, nhận thấy tiềm năng của con cá rô đầu vuông, anh quyết tâm học và nuôi thành công. Vậy mà khi hoàn thành, sản phẩm lại không có thị trường tiêu thụ, bởi nhu cầu của bà con ở mức thấp. Đây cũng là một bài học quý báu cho anh trong chăn nuôi thuỷ sản.

Anh Đinh Đăng Tuân tâm sự, hiện nay, trang trại của anh có diện tích 3,5 ha, chủ yếu chăn nuôi giống thuỷ sản và nuôi lợn, chim bồ câu Pháp. Các giống cá do trang trại cung cấp rất đa dạng, như: cá trê lai, cá rô phi, cá chép, cá trắm... Trang trại thường xuyên duy trì 30 lợn nái siêu nạc, và mỗi năm xuất chuồng khoảng hơn 500 lợn con. Đặc biệt, từ năm 2012, anh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện mô hình nuôi thương phẩm và nhân giống chim bồ câu Pháp bằng phương pháp nhốt chuồng. Được sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, công nghệ, từ 100 cặp chim bố mẹ ban đầu, hiện tại, trang trại đã có 200 cặp và dự tính sẽ tiếp tục mở rộng số lượng trong những năm tới.

Bên cạnh đầu tư xây dựng trang trại gia đình, anh Đinh Đăng Tuân còn tích cực hỗ trợ người dân trong xã, trong huyện có nhu cầu xây dựng trang trại bằng chính nhiệt huyết, kỹ năng, kinh nghiệm của mình. Với vai trò là Chủ nhiệm CLB Trang trại xã, anh hồ hởi cho biết, xã Hưng Thủy hiện có 16 trang trại. Sắp tới, bên cạnh việc mở rộng thêm quy mô diện tích ao hồ, chuồng trại, anh sẽ chủ động nuôi một số vật nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: cá lăng đỏ...

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của trang trại gia đình anh Đinh Đăng Tuân và một số trang trại ở thôn Đoàn Kết là vẫn chưa có con đường giao thông và hệ thống điện hoàn thiện để thuận tiện trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, việc thiếu vốn vay cũng là một bài toán khá đau đầu. Anh và nhiều chủ trang trại ở đây mong muốn có sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng, tổ chức... để có thể mở rộng, phát triển chăn nuôi, làm giàu trên quê hương.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập