Chi tiết bài viết

Lo cho dân, nhận thua thiệt về mình

10:36, Thứ Hai, 11-11-2013

Miền Trung nói chung, tỉnh ta nói riêng hàng năm luôn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán và bão lũ. Qua mỗi đợt thiên tai, những người cán bộ thực sự "của dân, do dân, vì dân" càng trở nên gần gũi, gắn bó thân thiết nhân dân.

Đó là hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận tỉnh, huyện quan tâm sâu sát tới từng địa bàn, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng ngừa trước các cơn bão và lũ lớn; chỉ đạo đối phó trong khi bão đến và trực tiếp nắm tình hình thiệt hại, chỉ đạo giải quyết hậu quả một cách kịp thời, ân cần thăm hỏi, động viên những trường hợp bị thiệt hại...

Những hình ảnh đó làm cho nhân dân rất xúc động, thắt chặt thêm sự gắn bó giữa dân với Đảng và chính quyền, động viên nhân dân đùm bọc lẫn nhau, vượt qua thiên tai hoạn nạn. Bài viết này chúng tôi muốn nói tới đội ngũ cán bộ cơ sở ở một xã thường chịu khá nhiều thiệt hại trong bão lũ hàng năm - xã Cảnh Dương (Quảng Trạch).

Là xã ven biển, có cửa sông Roòn vừa cạn lại vừa hẹp, phía thượng lưu lại có hồ thủy lợi Vực Tròn. Trong các cơn bão lớn Ban quản lý hồ Vực Tròn thường có kế hoạch xả lũ để bảo vệ thân đê, làm mực nước phía hạ lưu tăng đột biến, đe dọa đến tính mạng, tài sản, nhất là tàu thuyền, nhà cửa của nhân dân.

Cơ sở sản xuất đá lạnh của gia đình đồng chí Bí thư Đảng ủy xã thiệt hại trên 100 triệu đồng

Chính vì vậy, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn được lãnh đạo xã và các hộ sản xuất cũng như người dân rất coi trọng và chấp hành nghiêm túc. Tiên lượng được mức độ nguy hiểm của cơn bão số 10 ngày 30-9-2013, ngay từ ngày 28-29-9-2013 xã đã chỉ đạo các bộ phận đôn đốc nhân dân tích cực triển khai phòng chống bão. Sáng 30-9, hầu hết các đồng chí lãnh đạo và lực lượng dân quân cơ động xã đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc và tham gia công tác phòng chống bão. Mặc dù vậy, sức công phá của thiên nhiên thật khủng khiếp.

Theo thống kê, trong cơn bão số 10 toàn xã Cảnh Dương có 86 tàu thuyền bị chìm đắm, mắc cạn, nứt vỡ, trong đó có 13 chiếc không thể khắc phục, thiệt hại từ 400 - 850 triệu đồng/chiếc. Có 39 chiếc thiệt hại từ 50 - 100 triệu đồng/chiếc. Số còn lại thiệt hại dưới 50 triệu đồng/chiếc. Hàng trăm hộ kinh doanh, dịch vụ dọc kè sông và khu vực chợ bị ngập nặng, làm hư hỏng một số lượng lớn hàng hóa, xăng dầu, máy móc... Cơ sở hạ tầng của 3 trường bị hư hại đáng kể, nhiều cây xanh có nhiều năm tuổi bị đổ, gãy ngổn ngang... Điện lưới, điện thoại không hoạt động. Ngư Linh Miếu, một công trình văn hóa tâm linh vừa được xây dựng thêm một số hạng mục phụ cận cũng đã bị bão số 10 gây thiệt hại, ước tính gần 50 triệu đồng. Cùng với đó, hàng trăm nhà ở của nhân dân bị bay tồn, bốc ngói hư hỏng đáng kể, trong đó có nhà ở của nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo xã.

Trong lúc bão vào, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt vẫn có mặt ở những nơi xung yếu để chỉ đạo, động viên mọi người trong việc ứng phó với bão. Ngay sau khi cơn bão vừa đi qua, lãnh đạo xã đã nhanh chóng khảo sát tình hình thiệt hại và khẩn trương họp bàn phương án khắc phục. Với tinh thần "tập trung lo cho nhân dân trước nhất", hầu hết các đồng chí lãnh đạo từ Bí thư, Chủ tịch đến các bộ phận, ban, ngành theo kế hoạch triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả bão lụt.

Đặc biệt nhất đối với số phương tiện bị thiệt hại, nếu không được ứng cứu kịp thời, thiệt hại sẽ còn lớn hơn. Với tinh thần khẩn trương như vậy, một mặt chỉ đạo thống kê nhanh để báo cáo, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, vừa động viên các tổ đoàn kết, các chủ phương tiện, vừa huy động các lực lượng hỗ trợ.

Chỉ sau 3-5 ngày, các tàu thuyền có khả năng phục hồi đã được giải phóng trước tiên để kịp thời tu bổ đi sản xuất. Các phương tiện khác lần lượt được đưa ra khỏi nơi bị nạn để tiếp tục khắc phục. Đối với trường THCS sau 2 ngày, trường tiểu học và mầm non sau 3 ngày đã tiếp tục dạy và học. Khu vực chợ, chỉ sau 1 ngày hoạt động trở lại, khu vực dịch vụ xăng dầu, nước đá lạnh đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các tàu ra khơi những ngày sau bão.

Một tuần sau cơn siêu bão, khi tình hình đã tương đối, lãnh đạo xã mới trở lại với công việc của gia đình. Các đồng chí Phó chủ tịch xã, Chủ tịch Mặt trận nhà đều bị tốc mái, mọi thứ phải che đậy bằng ni lông. Đồng chí Phó bí thư nhà ở khu vực ven biển bị sóng đánh vào, mọi thứ phải di dời. Đồng chí Chủ tịch xã nhà ở bị tốc mái, quày hàng của gia đình tại chợ cũng bị ngập nặng. Nhà ở đồng chí Bí thư bị tốc mái, đặc biệt cơ sở sản xuất của gia đình bị một chiếc tàu xa bờ dạt vào đánh vỡ mặt ngoài, hai giàn máy đá bị ngập hoàn toàn, hệ thống bồn chứa xăng dầu hư hỏng nặng. Sau hơn một tuần xếp lại việc gia đình để tập trung lo cho nhân dân, khi một số tàu đã trở lại sản xuất, các bộ phận, đơn vị trở lại với nhiệm vụ của mình thì lúc đó các đồng chí mới bắt tay giúp nhau khắc phục hậu quả tại gia đình.

Gặp đồng chí Phạm Đình Tiến, Bí thư Đảng ủy trong khi đang cùng một số anh em trong tổ thợ tháo lắp xúc xạc máy móc, anh vẫn cười nói vui: "Giờ đây không biết làm việc gì trước việc gì sau nữa! Chỉ vui là đã lo lắng cho nhân dân đâu vào đấy, gia đình mình dẫu có thiệt hại vẫn cứ yên tâm!". Chúng tôi tin rằng ý nghĩ này không riêng của đồng chí Bí thư mà là của tập thể những cán bộ lãnh đạo ở xã Cảnh Dương.

Những ngày sau bão, nhiều đoàn công tác của các cơ quan trong và ngoài tỉnh đã về địa phương ủng hộ bà con bị thiệt hại, Ban cứu trợ của xã vẫn làm việc suốt thứ bảy và chủ nhật. Điều đáng quý hơn, lãnh đạo ở đây đã đưa ra tinh thần chung là "động viên cán bộ, đảng viên, dù có thiệt hại cũng tạm lui về tuyến sau trong nhận hàng và tiền cứu trợ, để nhường cho các hộ khác". Thế là lại lao vào công tác bình xét, phân chia, sao cho "những tấm lòng vàng" đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng và có ý nghĩa nhất.

Trong danh sách các gia đình được giúp đỡ, tuyệt nhiên không có trường hợp nào là đảng viên hoặc cán bộ xã, thôn, mặc dù nhiều người trong họ vẫn thiệt hại không kém. Đó là hình ảnh chân thực nhất của đội ngũ những cán bộ của dân ở địa phương này. Đó cũng chính là những biểu hiện rõ nét trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, nhận lấy khó khăn, thua thiệt về mình, nhường sự ưu ái, thuận lợi cho nhân dân, nhất là trong thiên tai, bão lũ...

Có lẽ, đó chính là lý do mấu chốt để địa phương này luôn thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của Đảng. Đó cũng là câu trả lời khi các chủ trương của địa phương này luôn được người dân hưởng ứng đồng tình cao.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập