Chi tiết bài viết

Triệu phú Vân Kiều

11:18, Thứ Hai, 15-4-2013

Bây giờ, lên vùng cao xã Kim Thủy (Lệ Thủy) hỏi: Ai là người nhiều rừng nhất trong số người Vân Kiều ở đây? - Là ông Chờ. Hỏi tiếp: Ai là người nhiều ruộng nhất? - Là nhà ông Chờ. Lại hỏi: Ai là người nhiều trâu bò nhất? - Cũng là cái nhà ông Chờ. Vậy, ông Chờ là người giàu nhất? - Ông nớ đó

Người giàu nhất bản Vân Kiều

Không biết thực hư thế nào, nhưng người Vân Kiều ở bản An Bai (xã Kim Thủy) vẫn tin rằng ông Hồ Chờ là người giàu nhất, bởi ông có nhiều rừng, nhiều ruộng, nhiều bò nhất ở bản, mà có lẽ cả cái xã Vân Kiều toàn tòng còn lắm nghèo khó này.

Tôi đem thắc mắc trên lên hỏi ông, ông khiêm tốn trả lời: "Giàu mô mà giàu. Nhà tui chỉ có gần 50ha rừng trồng keo tràm, hơn 1 mẫu ruộng, 29 con trâu bò, rứa thôi". Nói đến chuyện làm giàu, ông mới bộc bạch: "Với tui, làm kinh tế là để cho tương lai con cháu, mà trước hết là để mình có miếng ăn mà sống". Ông bảo: "Mình còn làm được là làm thôi". Nói xong, ông già 67 tuổi thoăn thoắt lội suối, thoăn thoắt leo dốc dẫn tôi đi thăm rừng nhà ông.

Ông Hồ Chờ bên rừng keo tràm 5 năm tuổi của mình.

Sau 10 năm quân ngũ, bị thương, ông về phục viên với hàm thiếu úy. Năm 1974, ông về quê khởi nghiệp, ban đầu chỉ với 4 con lợn. Đến kỳ lợn xuất chuồng, ông bán lợn mua trâu. Rồi trâu lớn, nhưng lần này ông bán 1 con trâu mua được 2 con bò cái. Cứ như vậy, bò sinh sản, bò lại nhân bò... Rồi ông có cả một đàn vài chục con trong tay. Ông nói: "Nếu không gặp phải dịch bệnh thì giờ đây ông có cả trăm con rồi". Từ bò ông chuyển sang đầu tư trồng... rừng keo tràm. Ban đầu, không có vốn nhiều, cứ mỗi năm ông lại bán ít con, rồi lấy tiền đầu tư mua giống cây keo, tràm để trồng. Mỗi năm trồng được khoảng trên dưới 5ha. Và đến nay diện tích tăng lên gần 50ha.

Song có lẽ cho đến nay, kỳ tích nhất với một người Vân Kiều như ông đó là chuyện ông dựa vào lợi thế của tự nhiên để đắp đập ngăn khe, khai hoang trồng lúa nước để bảo đảm cái ăn. Gọi là kỳ tích là bởi, ông là người Vân Kiều đầu tiên ở đây, nghĩ ra cái ý tưởng học theo cách của người dưới đồng bằng và nghiêm túc bắt tay vào làm. Chỉ bằng hai bàn tay, mặc mưa gió rét mướt, ông và các con ông đã đắp được 2 cái đập (cao 5m, tổng chiều dài 25m), đào 2 mương dẫn nước (dài 50m, rộng 5m).

Nhờ vào những công trình đó, mà ruộng lúa nhà ông có thể canh tác quanh năm mà không sợ hạn hán, hay ngập úng. "Tuy nhiên, trận lũ năm 2011 đã bưng mất con đập lớn, nên tui phải bán ít keo tràm để đầu tư hơn 40 triệu đồng, thuê máy xúc vào làm lại", ông Chờ cho biết. Vì vậy, nhà ông không thiếu ăn, phải chạy gạo bữa hay trông chờ vào gạo trợ cấp như những nhà khác. Đến nay, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình ông gần cả trăm triệu đồng. Mức thu nhập chưa đáng là bao với người dưới xuôi, nhưng ở xứ miền tây Lệ Thủy và đặc biệt với người Vân Kiều nơi đây, nó vô cùng có ý nghĩa.

Nhờ học cái chữ của Bác Hồ

Để ý thấy trong cuộc trò chuyện ông già người Vân Kiều này thường hay dùng cụm từ khá lạ: "tư duy làm kinh tế". Hẳn nhiên, tư duy kinh tế là để làm giàu rồi. Vốn bà con Vân Kiều chỉ dựa vào công thức canh tác truyền thống là đốt nương làm rẫy, "nay học theo xưa là không được, là nghèo, là đói", ông nói chắc như đinh đóng cột. Ông nhớ lại: chính những năm tháng ở bộ đội, được đi đây đi đó, nhờ học được cái chữ của Bác Hồ nên ông mới có lối suy nghĩ "khác người" như vậy. "Chính khoảng thời gian đó đã mở mắt cho tui đó. Tui vẫn còn nhớ mãi câu nói, không biết của ai, là "người đẻ chứ đất không đẻ", ông kể.

"Giờ thì người dân ở đây không còn đốt nương làm rẫy nữa, nhưng họ vẫn chưa biết nghĩ, chưa biết răng là làm kinh tế. Họ chỉ biết uống rượu, có đồng nào xào đồng nấy. Vẫn biết đói là có trợ cấp của Nhà nước, nhưng chừng nào còn ngồi chờ trợ cấp thì chừng đó còn đói nghèo hoài". Nhận thức được điều này, với vai trò là bí thư chi bộ, ông dành nhiều thời gian để đi vận động bà con. Nói nhỏ nhẹ mãi họ vẫn không nghe, có lúc tức quá, ông lớn tiếng: "Tụi bây đừng uống rượu nữa". Nói không xong, ông cầm tay chỉ việc, đến tận từng nhà bày vẽ cách làm ăn, cách làm lúa nước, cách chăn nuôi, trồng rừng...

"Cứ lấy tất cả những việc mà mình đã làm ra mà nói. Còn làm hay không, họ tất nhìn vào những gì mình đang làm mà noi theo", ông tâm sự. Nghe ông, nhiều người đã làm theo nên thoát khỏi cảnh nghèo đói như nhà Hồ Thủy, Hồ Thảo...

"Nếu chú không tin thì đi theo tui, tui chỉ cho...". Vừa nói, ông vừa xăm xăm bước đi trước. Ngoái lại nhìn cơ ngơi của ông, cái cơ ngơi nhất nhì cộng đồng Vân Kiều vùng biên này, tôi không thể không tin điều ông nói.

Anh Hồ Văn Xoan, Phó chủ tịch UBND xã Kim Thủy, người dẫn đường cho tôi, giật lấy áo của tôi, nói nhỏ: "Hồ Chờ là gương sáng cho bà con Vân Kiều ở đây đó. Chẳng những giỏi làm ăn kinh tế, mà ông còn là người tận tình hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ cách canh tác lúa nước, trồng sắn, trồng rừng để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Vì vậy, tiếng nói của ông rất có uy tín trong làng bản".

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập