Chi tiết bài viết

Người thương binh không cam chịu đói nghèo

15:53, Thứ Sáu, 2-1-2009

Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp đến thăm trang trại của gia đình ông Ngô Minh Trúc, thương binh hạng 3/4, ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh.

Với dáng người nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, ông dẫn chúng tôi đi dạo quanh trang trại và kể cho chúng tôi nghe những gian khổ, khó khăn mà người thương binh như ông đã vượt qua để có được thành quả như ngày hôm nay.

Sau khi rời quân ngũ, trở về quê, ông Ngô Minh Trúc và gia đình bắt đầu cuộc sống mới với 2,5 ha đất được UBND huyện Quảng Ninh cấp để khai hoang, phục hóa làm lúa nước. Đến khi có chủ trương giao đất lâu dài cho các hộ gia đình, với tinh thần tương thân tương ái, ông đã xin giao lại số ruộng trên cho UBND xã Vạn Ninh để xã chia cho các hộ gia đình khác trong vùng. Gia đình ông được giao lại 8 sào để tiếp tục sản xuất canh tác. Không có nghề phụ, nên với 8 sào ruộng quanh năm chỉ đủ ăn, chưa kể những khi mất mùa do thiên tai lũ lụt.

Hàng ngày, chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn, nghèo khổ của gia đình và người dân trong xã, người thương binh Ngô Minh Trúc trăn trở phải tìm ra hướng phát triển kinh tế để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Ông Trúc đem mong muốn ấy của mình đi giải bày cùng lãnh đạo địa phương. Được sự động viên của UBND xã Vạn Ninh, ông Trúc mạnh dạn nhận 18 ha đất trống đồi trọc và vay vốn đầu tư trồng rừng và lập trang trại. Lúc bấy giờ không ít người dân trong vùng nhìn ông đầy ái ngại, bởi vì để cải tạo trồng rừng trên diện tích đất như thế không phải là điều đơn giản. Nhưng với ý chí quyết tâm không khuất phục đói nghèo, ông Trúc đi đến các lâm trường để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, keo, bạch đàn... Bước đầu ông gặp không ít khó khăn, nhiều cây bị chết, bị trâu bò phá hoại. Ông tâm sự: "Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc vì quán xuyến không nổi, thấy cây bị phá, bị chết mà tiếc công sức vợ chồng bỏ ra. Nhưng cứ nghĩ đến ước muốn vượt lên đói nghèo cho mình và cho quê hương, tôi lại cố gắng''.

Không chịu khoanh tay đứng nhìn, ông nhờ sự can thiệp của xã để tăng cường công tác bảo vệ rừng. Đến nay, 13 ha diện tích rừng trồng bạch đàn và keo đã đưa lại cho ông thu hoạch gần 40 triệu đồng (năm 2007). Ông dự tính đến năm 2010 sẽ thu hoạch được khoảng 190 triệu đồng. Bên cạnh bạch đàn và keo, trong năm 2007, ông Trúc trồng được 700 cây cao su và một số loại cây như trầm hương, xà cừ, tiêu. Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông trồng các loại cây ngắn ngày như sắn nguyên liệu, ngô, lạc, nén. Năm 2007, gia đình ông thu hoạch từ những loại cây ngắn ngày này hơn 50 triệu đồng.

Ngoài trồng rừng, ông Trúc còn đầu tư phát triển chăn nuôi, đào ao thả cá với số lãi đáng kể góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Trong trang trại tổng hợp của ông Trúc, đàn bò có 35 con, hàng năm bán được 12 - 13 con, thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng; đàn lợn 25 con/lứa, trong thời gian tới ông dự định phát triển hơn 100 con lợn. Đồng thời, ông Trúc cũng thực hiện nuôi ong kết hợp với mô hình rừng trồng và rừng tự nhiên. Đến nay, trang trại của ông nuôi tổng số 25 đàn ong, thu hoạch hơn 10 triệu đồng/năm.

Xuất thân là một người nông dân chân chất, sống gần gũi chan hòa với bà con lối xóm, ngoài làm giàu cho gia đình, ông Ngô Minh Trúc còn giúp để bà con giải quyết việc làm trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ trang trại tổng hợp, hàng năm ông Trúc đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thời vụ với thu nhập bình quân từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Trúc thường xuyên ủng hộ bà con xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào các chương trình hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác xã hội ở địa phương. Tấm lòng nhân ái của ông được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận. Ở xã Vạn Ninh, ông Ngô Minh Trúc luôn được mọi người cảm phục như là một tấm gương biết vượt lên hoàn cảnh, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo.

Theo Thanh Diệu

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập