Chi tiết bài viết

Tiếp tục hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho lao động ngành Ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình EPS

16:16, Thứ Năm, 23-11-2023

(Quang Binh Portal) - Tại Hội thảo thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đi làm việc ở nước ngoài diễn ra vào ngày 27/10/2023 ở thành phố Đồng Hới, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan khẳng định: “Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế. Với mức chi phí tham gia Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) thấp, cách thức triển khai công khai, minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách, qua đó đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội”.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH báo cáo tình hình lao động ngành Ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình EPS 

Trong những năm qua, Quảng Bình xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng, đặc biệt là đưa người lao động đi theo những chương trình phi lợi nhuận là mũi nhọn trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong  đó có Chương trình EPS.

Dựa theo thực tế việc làm, thu nhập của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, trong nước còn hạn chế, chưa hấp dẫn nên trong những năm qua, phần lớn lao động Quảng Bình có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm có từ 3.000 - 4.000 lao động đi làm việc tại các thị trường lao động ở các nước châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, nhiều nhất là Hàn Quốc. Từ năm 2007 đến nay, Quảng Bình đã đưa được 3.607 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc thông qua Chương trình EPS; chỉ trong năm 2023, có hơn 500 lao động xuất cảnh và trên 1.500 người đăng ký thi mới, hơn 500 người đã đạt kết quả dự thi, hiện đang làm hồ sơ.

Hội thảo thảo luận về quy trình triển khai Chương trình EPS do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vào chiều ngày 27/10/2023 tại thành phố Đồng Hới thu hút sự quan tâm của người lao động

Tính riêng về Chương trình EPS trong ngành Ngư nghiệp, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 892/2586 lao động đăng ký dự thi, 611/1.198 lao động thi đỗ và nộp hồ sơ dự tuyển (68,4% lao động thi đạt), 489/879 lao động xuất cảnh (chiếm 55,4% lao động xuất cảnh). Đạt kết quả đó là do Quảng Bình có nhiều lao động đủ kinh nghiệm, tay nghề đi biển đáp ứng được yêu cầu; ngành có số điểm đạt thấp nhất; hạn ngạch cấp phép nhiều; phía Hàn Quốc đang thiếu nhân lực làm việc, do đó tỷ lệ lao động ngành Ngư nghiệp xuất cảnh sẽ nhanh hơn so với các ngành khác.

Bên cạnh những thuận lợi, việc đưa lao động đi làm việc trong ngành Ngư nghiệp vẫn còn gặp không ít vấn đề khó khăn đang đặt ra, đó là: Trình độ văn hóa của đa số người lao động sinh sống bằng nghề biển thấp; việc tiếp thu kiến thức trong quá trình học tập tiếng Hàn rất hạn chế; thời gian học tập, dự thi và chờ đợi xuất cảnh theo Chương trình dài so với nguyện vọng của người lao động; nhiều lao động ngư nghiệp khi sang Hàn Quốc vi phạm quy định khi chuyển đổi nơi làm việc hoặc về nước không đúng thời gian quy định…

Xác định đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, nhất là trong ngành Ngư nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng với lao động Quảng Bình, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH đề xuất một số giải pháp, cụ thể: Đẩy mạnh phổ biến thông tin tuyển dụng trên phương tiện thông tin đại chúng; in ấn tờ rơi, pano, apphic tuyên truyền tại nơi đông dân cư để người dân trên địa bàn nắm bắt thông tin, tham gia; bố trí cán bộ về tận địa phương, nhất là xã ven biển tuyên truyền về Chương trình EPS giúp người lao động tiếp cận thông tin chính xác; xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, bố trí giáo viên có trình độ tham gia giảng dạy ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo người lao động tham gia trong lĩnh vực ngư nghiệp.

Ngoài ra, để Chương trình EPS ngày càng phát triển, có nhiều lao động được tiếp cận, Sở cũng kiến nghị đến Bộ LĐ-TB&XH cùng một số cơ quan, đơn vị liên quan, đó là: Tăng cường tổ chức, trang bị, bổ túc kiến thức cho người lao động kỹ năng trước khi sang làm việc tại Hàn Quốc; đẩy nhanh tiến trình xử lý hồ sơ, thời gian xuất cảnh cho người lao động, tổ chức liên tục kỳ thi; tổ chức hội nghị trao đổi với chủ doanh nghiệp Hàn Quốc về công tác tiếp nhận lao động cũng như đề nghị người sử dụng lao động thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết, đảm bảo quyền lợi, tích cực hỗ trợ thêm cho người lao động khi có khó khăn; chú trọng truyền thông đến người lao động nhằm tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu đúng hiểu rõ quy định, chính sách, đảm bảo việc chấp hành quy định của nước sở tại…

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập