Chi tiết bài viết

Nâng cao đời sống dân cư, giảm nghèo bền vững

17:14, Thứ Năm, 2-7-2020

(Quang Binh Portal) - Thời kỳ 2016 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2016 tỉnh Quảng Bình đối mặt với quá nhiều khó khăn do sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng 4/2016, năm 2019 hạn hán kéo dài và dịch tả lợn châu Phi, lũ lụt... đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất và tinh thần của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh nhưng nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh cùng với sự tác động kịp thời về cơ chế, chính sách và sự nỗ lực phấn đấu của người dân nên sản xuất, đời sống ở các địa phương sớm đi vào ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thu nhập của người dân ngày một nâng cao, giảm nghèo bền vững. 

Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 2.002 nghìn đồng/01tháng; đến năm 2019 đạt 3.050 nghìn đồng/01tháng và ước tính năm 2020 đạt 3.370 nghìn đồng/01 tháng. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường gây thiệt hại nặng nề; nhu cầu an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường sống ngày càng cao trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn hẹp, nguồn thu ngân sách thiếu vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, thiếu lao động kỹ thuật cao...

Để nâng cao đời sống của người dân về vật chất lẫn tinh thần, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn các biện pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, sản xuất hàng hóa; hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tạo điều kiện thu hút và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến về nông sản, gỗ rừng trồng...; hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Chăn nuôi cũng chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngành lâm nghiệp được chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất mang tính xã hội hóa. Ngành thủy sản đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, đa dạng sản phẩm nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng từng bước gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như chế biến gỗ rừng trồng, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng... Các loại hình doanh nghiệp công nghiệp phát triển cả về quy mô, số lượng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng phát triển; hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn được đầu tư xây dựng, cải tạo; cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, thông tin - truyền thông phát triển khá nhanh; bộ mặt từ thành thị đến nông thôn thay đổi rõ nét. Hoạt động văn hoá, thể thao có nhiều tiến bộ.

Mặt khác, tỉnh cũng đã giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo; đặc biệt là tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo như Chương trình 135, Chương trình 30a, trong đó hỗ trợ đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất được mở rộng, các ngành nghề, dịch vụ, phục vụ sản xuất được chú trọng và phát triển hơn. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi được hỗ trợ đã hăng say sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm trong nông nghiệp, lâm nghiệp từng bước nâng cao đời sống cho người nông dân, một số hộ đã tự túc được lương thực, thu nhập được nâng lên, có của ăn của để, từng bước thoát nghèo.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội đó đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho thời kỳ 2016 - 2020 của tỉnh giảm từ 14,42% cuối năm 2015 xuống 4,98% cuối năm 2019, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,36%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng đói nghèo tuy giảm nhưng chưa vững chắc, vẫn còn hộ thoát nghèo rồi lại tái nghèo. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí của các hộ nghèo thấp, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa nắm chắc được kỹ thuật sản xuất; một số người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vựơn lên để thoát nghèo, thậm chí tư tưởng muốn được nghèo hoặc cận nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước luôn tồn tại nên tình trạng số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo những năm qua vẫn ở mức khá cao.

Từ thực tế đó, để nâng cao hơn nữa đời sống của Nhân dân, thời gian tới, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp... nhằm thực hiện toàn diện và hiệu quả các chương trình dự án xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, phấn đấu hết năm 2020, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 3,78% như mục tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra.

N.Q

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập