Chi tiết bài viết

Những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lệ Thủy năm 2022

17:24, Thứ Hai, 26-12-2022

(Quang Binh Portal) - Năm 2022, huyện Lệ Thủy triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là thời tiết khí hậu có những biến đổi bất thường, đặc biệt là trận lũ xuất hiện khi lúa đang vào thời kỳ trổ bông đã thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp... Song được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, nỗ lực phấn đấu của Nhân dân, doanh nghiệp toàn huyện nên tình hình kinh tế - xã hội phát triển khá, quốc phòng - an ninh giữ vững, có 18/19 chỉ tiêu hoàn thành và đạt cao so với kế hoạch (KH).

Cụ thể, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,05% (KH 5¬5,5%); giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 13,75% (KH 12-13%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 17,09% (KH 12-13%); tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 88.549 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,82 triệu đồng/người/năm (KH 57,8 triệu đồng); thu ngân sách trên địa bàn đạt 370 tỷ đồng (KH 350 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,26%, còn 5,72% (KH giảm 01 - 1,5%); giải quyết việc làm cho 4.700 lao động (KH 4.500 lao động); độ che phủ rừng đạt 64,36% (KH trên 63,5%)…

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, huyện Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp đảm bảo đúng lịch thời vụ; quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi, thực hiện tốt việc tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh; hướng dẫn bố trí cơ cấu giống phù hợp với nhu cầu thị trường và diễn biến thời tiết; nhờ đó năng suất, sản lượng cây trồng đạt khá, chất lượng, giá trị sản phẩm được nâng lên. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng được huyện tập trung khôi phục và phát triển, giá trị sản xuất tăng cao so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình OCOP, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong năm, huyện được công nhận thêm 07 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 04 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Huyện đã tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn và triển khai kịp thời các hạng mục đảm bảo theo kế hoạch.

Mặt khác, huyện Lệ Thủy cũng tích cực đôn đốc, chỉ đạo tăng cường thu ngân sách; cải cách hành chính theo hướng điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và ngải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm; thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của Quốc gia, của tỉnh ở địa bàn, nhất là dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển; tăng cường quản lý đất đai, ngăn chặn, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích, đặc biệt là tại các xã, thị trấn có Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường ven biển đi qua.

Ngoài ra, địa phương cũng tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ văn hóa - xã hội; phòng, chống dịch bệnh; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chế độ, chính sách, an sinh xã hội, chính sách dân tộc trên địa bàn; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, vì vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, an ninh biên giới, trên biển được giữ vững.

Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, huyện Lệ Thủy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất ứng dụng công nghệ cao tuy có chuyển biến nhưng chưa mạnh, hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững; công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi một số cơ sở chưa quan tâm đúng mức; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa mạnh, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn; việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ giải quyết TTHC về đất đai còn chậm, hồ sơ trễ hạn vẫn còn nhiều; tình hình an ninh nông thôn, trộm cắp tài sản, tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp…

Năm 2023, huyện Lệ Thủy tiếp tục tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, gắn sản xuất với chế biến và liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển nhanh nền kinh tế; phối hợp đôn đốc nhà đầu tư đưa một số hạng mục của Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang vào khai thác nhằm kích cầu du lịch; chú trọng sản xuất các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, xây dựng sản phẩm OCOP, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với du lịch dịch vụ; phấn đấu tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung thực hiện các công trình trọng điểm; chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn đảm bảo kế hoạch; kêu gọi, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài chính ngân sách; củng cố và phát triển nguồn thu, phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn đạt và vượt kế hoạch giao; tiếp tục thực hiện chương trình phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

PV:NQ

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập