Chi tiết bài viết

Kết luận của đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị thường kỳ tháng 6 năm 2023

15:57, Thứ Ba, 25-7-2023

(Quang Binh Portal) - Ngày 06/7/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, công tác chỉ đạo, điều hành tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 do đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023, một số nhiệm vụ, giải pháp; ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương và đại biểu dự họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận:

I. Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023

Trong những tháng đầu năm, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố bất lợi, lạm phát vẫn ở mức cao, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, tín dụng thắt chặt, thị trường bất động sản trầm lắng,... tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế; nhưng với sự triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách, phát triển quỹ đất, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh…, cùng với sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong toàn tỉnh, KT-XH 6 tháng đầu năm của tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 6,9% (đứng thứ 20 cả nước và đứng thứ 2 các tỉnh Bắc Trung bộ). Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 (là địa phương thứ 9 trên toàn quốc được phê duyệt); tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và xúc tiến đầu tư năm 2023 tại Hà Nội với chủ đề “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư” (đã trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 29 nhà đầu tư/32 dự án và khu vực quan tâm đầu tư với tổng vốn đăng ký 112.165 tỷ đồng). Du lịch đã có sự phục hồi nhanh và phát triển khá; dịch vụ phát triển mạnh, 06 tháng đầu năm ước đạt gần 2 triệu lượt khách, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ (đạt 66% KH). Phong Nha và Đồng Hới nằm trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam 2023 (lần lượt ở vị trí thứ nhất và thứ tám) do du khách trên toàn thế giới bình chọn. Tổ chức thành công các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023); 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023); 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Ủy ban Di sản thế giới - UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (2003 - 2023). Hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, đặc biệt tại SEA Games 32, 03 vận động viên Quảng Bình đã xuất sắc giành 8 huy chương (5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng). Giải quyết việc làm cho 11.200 lao động, đạt 60,4% kế hoạch năm, trong đó có 2.595 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 70,1% kế hoạch năm. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư từng bước được cải thiện. Chỉ số SIPAS năm 2022 xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 32 bậc so với năm 2021; Chỉ số PAR Index xếp hạng 14/63, tăng 20 bậc; Chỉ số PCI năm 2022 xếp hạng 48/63 tỉnh, tăng 9 bậc so với năm 2021. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới tiếp tục được giữ vững, ổn định. Tổ chức tốt các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2022 (riêng số người chết giảm 27%), đạt Kế hoạch năm đề ra là giảm từ 5-10%. Phấn đấu đây sẽ là năm thứ 14 liên tục tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm trên cả 3 tiêu chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số hạn chế: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn, vì vậy một số ngành như sản xuất trang phục, chế biến gỗ, khai thác quặng kim loại có đơn hàng xuất khẩu giảm, chi phí vật liệu tăng cao; hàng tồn kho ở mức cao, nhiều cơ sở cắt giảm lao động so với cùng kỳ. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu; thu ngân sách trên địa bàn chưa đảm bảo theo tiến độ dự toán, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, nhiều dự án còn chậm về thủ tục đầu tư; công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư của một số dự án trọng điểm còn nhiều vướng mắc, chưa đạt kế hoạch đề ra. Tổ chức đấu giá để thực hiện các dự án còn chậm. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu thể thao còn hạn chế....

II. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới

Dự báo thời gian tới tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp; sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất, giá cả các yếu tố đầu vào vẫn còn lớn; các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; hiện tượng EL NINO đang có xu hướng mạnh lên với mùa hè nắng nóng gay gắt, mưa, bão diễn biến phức tạp vào cuối năm; tiềm lực kinh tế của tỉnh còn hạn chế… sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của tỉnh. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh, trong đó các sở, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo cụ thể một số nội dung trọng tâm như sau:

1. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương: 

- Rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, trong đó chú ý đến các khâu khó, việc yếu, những chỉ tiêu đạt còn thấp hoặc khó đạt để trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế gắn kết hài hòa phát triển kinh tế với văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7-7,5% trong năm 2023.

- Khẩn trương triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật, đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương.

- Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

- Tiếp tục thu hút tối đa nguồn lực đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tăng cường thực hiện có hiệu quả quy hoạch, quản lý đô thị, hạ tầng công nghiệp.

- Thực hiện thực chất và hiệu quả phát triển kinh tế số, xã hội số.

- Quản lý hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới, sáng tạo.

- Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

- Triển khai các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch chuẩn bị và tổ chức các hoạt động, sự kiện kỷ niệm 420 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình.

- Chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch Dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam, phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình, phấn đấu hoàn thành 100% trước ngày 30/7/2023.

- Tham mưu và tổ chức kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đảm bảo theo yêu cầu và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục tham mưu các Tổ công tác của UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, tập trung thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân tốt hơn và có nhu cầu vốn, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện; tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác chỉ đạo thực hiện Quy hoạch tỉnh; tích cực tháo gỡ đối với các dự án khai thác khoáng sản phục vụ thi công các công trình dự án đầu tư. Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm tiến độ (phấn đấu trong tháng 7 phải xử lý dứt điểm).

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty CHK Việt Nam để thực hiện các thủ tục về đầu tư mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới.

3. Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tăng thu ngân sách, trong đó chú trọng đến các khoản thu đạt thấp trong 6 tháng đầu năm, các khoản thu không đạt kết hoạch; tham mưu các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, chống thất thu; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển quỹ đất, các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị đã được phê duyệt chủ trương đầu tư để tăng thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2023. Tập trung rà soát, dự báo các phương án về nguồn thu, xây dựng kịch bản thu chi, điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2023. 

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo dõi sát tình hình nắng nóng, hạn hán để điều tiết nước phù hợp, đảm bảo sản xuất và phục vụ sinh hoạt của người dân; hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích thiếu nước tưới; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc và cây trồng. Chuẩn bị tốt nội dung, điều kiện làm việc với Đoàn thanh tra EC lần 4. 

5. Sở Công Thương: Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc sử dụng điện đảm bảo sản xuất, sử dụng của người dân, đồng thời phục vụ điện chiếu sáng, trang trí tại các trung tâm đô thị, điểm du lịch, các khu vui chơi giải trí phục vụ du khách. Phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định; chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đưa Dự án Thủy điện La Trọng vào hoạt động trong thời gian sớm nhất; phối hợp huyện Quảng Trạch tháo gỡ khó khăn để triển khai các dự án điện của EVN. 

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh đã phê duyệt. Tập trung giải quyết các vướng mắc về GPMB, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm của tỉnh; giải quyết dứt điểm các vướng mắc đối với các khu đất đã đấu giá nhưng chưa giao đất. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đấu giá các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư để sớm triển khai thực hiện. Tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn để cung cấp thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam; tiếp tục rà soát, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo đúng theo quy định. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình, dự án đã được giao đất, cho thuê đất để đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng công trình, các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh về thuê đất, sử dụng mỏ đã hết hạn, hoặc vi phạm về môi trường; kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án đã quá thời hạn quy định nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng chậm tiến độ; đăng tải các dự án đã cho thuê đất chậm tiến độ lên trang thông tin của Sở và Cổng Thông tin điện tử tỉnh. 

7. Sở Xây dựng: Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các Quy hoạch phân khu; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan khẩn trương xử lý các dự án liên quan đến định giá đất để đưa dự án vào hoạt động tạo nguồn thu ngân sách.

8. Sở Du lịch: Tăng cường thực hiện hoạt động kích cầu du lịch, truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức nổi bật, đặc sắc, nội dung phong phú, chuyên biệt và phù hợp với xu hướng mới. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án về du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới; phấn đấu mỗi địa phương xây dựng một sản phẩm du lịch đặc trưng, một điểm du lịch được công nhận.

9. Sở Y tế: Triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng; chủ động phòng, chống các dịch bệnh mới phát sinh, dịch bệnh theo mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng... Đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn; đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, công khai minh bạch.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp các địa phương tăng cường công tác quản lý học sinh trong kỳ nghỉ hè 2023; hoàn thành duyệt tuyển sinh vào lớp 10 THPT, lớp 10 GDTX năm học 2023-2024; tổng hợp kết quả tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 báo cáo Bộ GD&ĐT. Hoàn thành công tác chấm thi, công bố kết quả thi Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023; tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2023 và báo cáo kết quả tốt nghiệp đến Bộ GD&ĐT. Chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai kế hoạch năm học 2023-2024.

11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Triển khai các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Thực hiện có hiệu quả kế hoạch năm 2023 về phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới.

12. Sở Văn hóa và Thể thao: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; đặc biệt là tham mưu chuẩn bị và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình.

13. Sở Nội vụ: Tiếp tục tích cực tham mưu UBND tỉnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2023 theo kế hoạch. 

14. Sở Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục tập trung triển khai các Kế hoạch, dự án về chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh, phản bác, chỉnh lý thông tin sai lệch, thông tin sai sự thật, xuyên tạc…; xử lý nghiêm các vi phạm.

15. Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với chuyển đổi số, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội thiết thực, hiệu quả.

16. Ban Dân tộc tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết của trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình.

17. Tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; tăng cường công tác quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, kết hợp hài hòa giữa phát triển KT-XH với quốc phòng, an ninh. Tập trung triển khai tốt các điều kiện để phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân và DN; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, an toàn cho các DN an tâm sản xuất, kinh doanh.
18. Các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là phối hợp để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR-Index, SIPAS năm 2023. 

19. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương quán triệt đến từng đơn vị, cán bộ, công chức việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. 
20. Các sở, ngành được phân công chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 hoàn thành theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. 

21. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Văn phòng và các ban của HĐND tỉnh hoàn chỉnh và phối hợp tốt để phục vụ phiên họp HĐND tỉnh giữa năm 2023 đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.

UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, địa phương liên quan biết và triển khai thực hiện.

Nguồn: Thông báo số 1367/TB-UBND ngày 07/7/2023

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập