Chi tiết bài viết

Thoát ngèo bằng nghề làm miến gạo

8:19, Thứ Tư, 19-11-2014

(Portal Quảng Bình) - Với sự sáng tạo trong làm ăn kinh tế, năm qua, người dân trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã có những hướng đi đúng đắn, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như cơ sở chế biến miến gạo của anh Lê Phúc Đông, thôn Đông Dương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch. Nhờ làm nghề miến gạo mà gia đình anh Lê Phúc Đông đã vươn lên thoát nghèo. 

Anh Lê Phúc Đông lập gia đình từ năm 2008 với hai bàn tay trắng. Xuất thân từ một xã thuần nông, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống vợ chồng anh vô cùng khó khăn. Không chịu khuất phục trước đói nghèo, anh Đông đã bàn với vợ quyết tâm đầu tư làm nghề miến. Để tìm hiểu về cách làm miến gạo, anh đi học nghề 03 tháng ở tỉnh Lạng Sơn. Sau khi trở về, với số vốn ít ỏi của gia đình, anh đã mạnh dạn vay mượn người thân và ngân hàng để đầu tư mua sắm máy móc, làm tạm nhà xưởng phục vụ cho công việc làm miến. Bước đầu trong quy trình sản xuất miến gạo vợ chồng anh gặp không ít khó khăn. Qua thời gian, nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác mà vợ chồng anh đã thành công trong từng công đoạn chế biến miến gạo từ khâu chọn loại gạo phù hợp đến khâu nghiền thành bột cũng như nghiền thành sợi miến và bảo quản sản phẩm...

Trung bình mỗi ngày cơ sở anh làm được 01 tạ miến bán với giá 1.500.000đ. Nhiều lúc hàng tiêu thụ nhiều, anh phải thuê thêm nhân công lao động với giá 50.000đ/1 buổi. Miến gạo ở cơ sở của anh được làm từ giống lúa Khang Dân hoặc lúa IR 504 nên sợi miến dai và đều, không chất hàn the hay các chất phụ gia khác, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thương hiệu miến Đông Dương của anh Đông đã được khẳng định trên thị trường với chất lượng tốt. Hiện tại sản phẩm miến gạo của anh làm ra được phân phối đến nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Trạch, ngoài ra còn được tiêu thụ ở một số xã vùng xa ngoài huyện như ở xã Văn Hóa, Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa). Thu nhập bình quân đạt từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Anh Đông cho biết: “Bước đầu đến với nghề làm miến gạo, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự kiên trì, chịu khó giờ đây cơ sở của tôi đã có uy tín đối với người tiêu dùng. Nhờ nghề làm miến mà cuộc sống gia đình đã khá giả hơn trước nhiều.”

Có thể nói cơ sở làm miến Đông Dương của anh Lê Phúc Đông là một trong những mô hình làm miến đầu tiên trên địa bàn huyện Quảng Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nhân rộng và cần có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành chức năng nhằm đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã Quảng Phương nói riêng, huyện Quảng Trạch nói chung.

Hoài Thi (Đài TT-TH Quảng Trạch) 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập