Chi tiết bài viết

“Thỏ ruby” – Làm giàu từ đôi bàn tay trắng

16:42, Thứ Sáu, 1-3-2019

 Giữa vùng đất đồi ở thôn Tây, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, nhìn khuôn viên trang trại rộng chừng 2.500m2 với trên 200 thỏ nái và 1.000 con thỏ giống, ít ai nghĩ rằng cơ ngơi này được một đôi vợ chồng trẻ tạo dựng từ đôi bàn tay trắng. Đó là trang trại Thỏ Ruby của vợ chồng chị Nguyễn Thị Sương và anh Bùi Thanh Nam.

Trong nền kinh tế mở, vấn đề thiết yếu được đặt ra cho người nông dân hiện nay là “nuôi con gì, trồng cây gì?” để mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Sau một thời gian tìm hiểu, phân tích thị trường và định hướng một ngành chăn nuôi mới có khả năng thay thế đàn lợn, gà... đang có xu hướng bão hòa, vợ chồng chị nhận thấy thỏ là một loại gia súc tương đối mới trong ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Do vậy, vào năm 2014, vợ chồng chị quyết định đầu tư vào con nuôi này.

Tuy nhiên vì kinh nghiệm nuôi Thỏ chưa nhiều, 2 năm đầu khởi nghiệp là 2 lần đàn thỏ của vợ chồng chị gần như bị xóa sổ hoàn toàn vì dịch bệnh. Nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại, vợ chồng chị lặn lội tới các trang trại khác để học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch cho thỏ. Sau một thời gian vất vả tìm hiểu, cuối cùng vợ chồng chị đã tích lũy cho mình một số vốn kha khá về cách nuôi thỏ và hạn chế được tối đa rủi do từ bệnh dịch. Theo đó, vợ chồng anh chị quyết định mở rộng đàn thỏ nuôi, đến nay, trang trại của vợ chồng chị đã có hơn 200 nái và trên 1.000 thỏ con, chủ yếu là giống thỏ New Zealand và thỏ Việt cỏ lai tạo.

Từ những thành công ban đầu, nhằm từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm, tháng 8 năm 2017, chị Sương đã thành lập HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ Hưng Phát. Với định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, quy trình sản xuất gần như khép kín, chị Sương tự trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho thỏ; HTX sử dụng hệ thống làm mát công nghiệp và công nghệ khử trùng nước lọc bằng tia UV cho thỏ và hoàn toàn nói không với dư lượng kháng sinh, không chất tăng trọng, nhờ đó hiệu quả chăn nuôi ngày càng được nâng lên rõ rệt. Theo chị Nguyễn Thị Sương, giống thỏ New Zealand này có khả năng sinh sản nhanh, một con thỏ mẹ đẻ 6-8 lứa mỗi năm, một lứa đẻ từ 6 đến 10 con. Thỏ là động vật dễ nuôi và hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên chỉ cần khi thỏ đạt trọng lượng từ 2,3 kg/con là có thể xuất bán nên rất nhanh có lãi.

Đặc biệt, HTX còn chế biến thịt thỏ để đưa ra thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng với thương hiệu “Thỏ Ruby” đã được chứng nhận đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Áp dụng quy trình mổ khô, hiện cơ sở của chị đã cung cấp cho thị trường các sản phẩm: thỏ mốc hàm (thỏ được làm sạch, để nguyên con), dăm bông thịt thỏ, thỏ nướng, thỏ xào sả ớt, thỏ giả cầy… Từ quy trình mổ khô này, tất cả các sản phẩm thỏ Ruby đều được chế biến sẵn, có kèm theo gói gia vị và được đóng gói hoàn chỉnh.

Ngoài ra, để các sản phẩm nông nghiệp sạch của mình có thể đến gần hơn với người tiêu dùng, vợ chồng chị Sương luôn tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu hang hóa do Trung tâm Khuyến công và XTTM Quảng Bình mời gọi để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, tuy mới chỉ tung ra thị trường chưa lâu, nhưng các sản phẩm Thỏ Ruby đã chinh phục được niềm tin người tiêu dùng, có mặt ở các địa phương trong tỉnh và các thành phố lớn trong cả nước, như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... Bình quân mỗi năm, cơ sở của vợ chồng chị Sương cung cấp cho thị trường từ 12-17 tấn thịt thỏ; sau khi trừ các khoản chi phí, anh chị lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm...

Sở Công Thương

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập