Chi tiết bài viết

Gieo mầm yêu thương!

15:47, Thứ Ba, 14-11-2023

Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật (GDTKT) Lệ Thủy đứng chân trên địa bàn xã An Thủy. Trải qua hơn hai thập kỷ hoạt động, trung tâm đã trở thành tổ ấm, điểm tựa tin cậy cho nhiều gia đình có trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện.

Giám đốc Trung tâm GDTKT Lệ Thủy Nguyễn Quang Hùng mở đầu câu chuyện với chúng tôi về những điều “đặc biệt” ở đây rằng, trung tâm có trường hợp học sinh dạng đa tật nhiều, nhiều em khuyết tật nặng nên khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, tham gia các hoạt động. Hơn nữa, phần đông học sinh ở đây thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
 
“Có nhiều em những ngày đầu vào trung tâm, khi hỏi tên gì, bao nhiêu tuổi vẫn ấp úng, mơ hồ. Giờ, con chữ trên từng trang vở đã bớt nguệch ngoạc hơn, kỹ năng hòa nhập với cộng đồng ngày càng vững vàng và hoàn thiện. Bởi ở đây, các em không chỉ được các thầy, các cô quan tâm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ mà còn được học tập, vui chơi như bao bạn bè cùng trang lứa…”, Giám đốc Trung tâm GDTKT Lệ Thủy Nguyễn Quang Hùng bộc bạch.

Một tiết học tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy

Em Vày Cẩm Minh, trú tại xã Hoa Thủy, hiện đang theo học lớp 4 tại trung tâm. Dù bị khuyết tật trí tuệ nhưng Cẩm Minh lại rất đam mê với việc học. Để thỏa mãn niềm đam mê của mình, dù gia đình cách trung tâm khá xa, nhưng hơn 4 năm nay, Cẩm Minh luôn được người thân đưa đến trung tâm để theo học, thực hiện các kỹ năng giao tiếp, hòa nhập cộng đồng.

Theo chia sẻ của các thầy, cô giáo tại trung tâm, Cẩm Minh là học sinh có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bởi, khi sinh ra, Cẩm Minh không biết bố là ai, mẹ thì bỏ đi làm ăn xa. Hiện, Cẩm Minh đang ở với bà ngoại. Mấy năm theo học ở trung tâm, Cẩm Minh tiến bộ rất nhiều trong học tập, đồng thời kỹ năng thực hành và kỹ năng tự phục vụ rất tốt.

Khác với Cẩm Minh, mặc dù bị khuyết tật trí tuệ nhưng trước đây Lê Thị Phương Thanh, trú tại xã Liên Thủy, đã theo học hòa nhập tại một trường tiểu học ở địa phương. Đầu năm học mới này, Phương Thanh được chuyển về Trung tâm GDTKT huyện. Hoàn cảnh của Phương Thanh cũng cám cảnh, bởi em mồ côi mẹ, bố bỏ đi làm ăn xa. Hiện, em đang ở với bà nội, gia đình ở địa phương cũng không khấm khá là bao…
 
Giọng nói còn ngọng nghịu, Phương Thanh rụt rè chia sẻ: “Nhờ có các thầy, các cô ở trung tâm mà em đã được học chữ như các bạn cùng trang lứa. Các thầy, các cô thương em lắm, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy chúng em cách ăn nói lễ phép, dạy học chữ, dạy kỹ năng tự phục vụ, thực hành, giao tiếp…”.
 
“Những năm qua, mặc dù đã được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm. nhưng trung tâm vẫn còn gặp một số khó khăn, đó là: Đối tượng học sinh dạng đa tật nhiều, một số em khuyết tật nặng nên khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, tham gia các hoạt động; học sinh đa số thuộc diện có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; đội ngũ giáo viên chưa có chứng chỉ dạy học giáo dục chuyên biệt, một số giáo viên phương pháp dạy học chuyên biệt còn hạn chế, nhất là dạy học sinh khiếm thính; cơ sở vật chất chưa bảo đảm cho việc giáo dục, phục hồi và chăm sóc học sinh khuyết tật. Đặc biệt, trung tâm hiện chưa có mô hình dạy nghề, để sau khi học sinh vững tin tái hoà nhập cộng đồng…”, Giám đốc trung tâm Nguyễn Quang Hùng cho biết.
Thực hiện nhiệm vụ “đặc biệt” ở trung tâm được hơn 3 năm nay, sau khi đã có một khoảng thời gian dài tham gia giảng dạy ở các cơ sở giáo dục công lập khác, cô giáo Ngô Thị Mai Sương (SN 1994) chia sẻ, những bài học, tiết học ở trung tâm không được hiện đại, dễ dàng như ở nơi khác. Nhưng bằng tấm lòng nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ, tận tâm, đội ngũ giáo viên của trung tâm luôn tìm tòi mọi phương pháp để giúp các em khuyết tật ở đây học tập tốt hàng ngày.

“Dạy học sinh ở trung tâm khó khăn lắm, bởi trẻ khuyết tật ở đây rất nhiều dạng. Vì thế, phương pháp dạy, tổ chức dạy cũng khác. Các em học sinh ở đây tâm lý rất đặc biệt. Nhiều khi đang học, một số em bất ngờ có những hành động rất khó hiểu. Bởi vậy, một bài học, nhiều khi thầy cô giáo phải dạy nhiều lần, hướng dẫn tỉ mỉ. Đặc biệt, thầy cô giáo phải luôn động viên học sinh trong học tập cũng như trong sinh hoạt…”, cô giáo Mai Sương cho hay.
 
Giám đốc Trung tâm GDTKT Lệ Thủy Nguyễn Quang Hùng cho biết, đơn vị hiện đang giáo dục, chăm sóc 54 học sinh khuyết tật với 6 lớp đa tật và 2 lớp khiếm thính. Bên cạnh tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học các bộ môn, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung tâm còn đổi mới phương pháp dạy học hướng tới phát triển năng lực cho học sinh. Đặc biệt, cho học sinh chủ động học tập và thường xuyên rèn luyện phương pháp tự học, tự quản; đồng thời rèn luyện kỹ năng sống trong tập thể, kỹ năng giao tiếp, nhất là kỹ năng hợp tác, chia sẻ…

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập