Chi tiết bài viết

Đổi mới hoạt động khuyến nông

16:10, Thứ Năm, 16-11-2023

Với nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, năm 2023, công tác Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) đã góp phần đa dạng cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và đời sống của người nông dân…

Phát huy hiệu quả các mô hình…

Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết, năm 2023, trung tâm đã thực hiện 18 nội dung hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, trung tâm đã ưu tiên thực hiện các mô hình hỗ trợ chuyển đổi đất nông nghiệp, vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng các loại cây, như: Sen, dừa xiêm, tre lục trúc lấy măng, na Thái…
 
Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cũng cho biết thêm, việc thực hiện các mô hình theo hướng hữu cơ, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hỗ trợ nhãn mác và tiêu thụ sản phẩm cũng đã được đơn vị chú trọng, như: Hỗ trợ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu; trồng lạc cúc theo hướng hữu cơ; hỗ trợ thâm canh cam, bưởi, mít ruột đỏ theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...
 
Mặt khác, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 4 nhà lưới (800 mét vuông/nhà) sản xuất rau, quả an toàn VietGAP, tạo nên vùng chuyên canh rau an toàn gắn với thương hiệu, cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Được biết, sau khi trừ chi phí sản xuất và khấu hao, mỗi nhà lưới cho lãi từ 120-160 triệu đồng/năm.

Việc chuyển đổi nhiều vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao

Trên lĩnh vực chăn nuôi, trung tâm chú trọng thực hiện hỗ trợ chăn nuôi ứng dụng CNC gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với gà, vịt, lợn; chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ chăn nuôi các loại đặc sản, như: Chồn hương, chồn mốc, don. Đặc biệt, các mô hình chăn nuôi hỗ trợ sinh kế cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số luôn được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ…
 
“Các mô hình chăn nuôi ứng dụng CNC đã cho thấy hiệu quả kinh tế, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với chăn nuôi truyền thống trước đây. Với ứng dụng chăn nuôi khép kín, tự động trong các khâu, đặc biệt là với việc kiểm soát nghiêm ngặt, chất lượng sản phẩm chăn nuôi tạo ra tốt hơn, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm vì thế cũng dễ dàng hơn và giá thành ổn định…”, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho hay.
 
Bên cạnh đó, Trung tâm KN-KN tỉnh cũng đặc biệt ưu tiên, chú trọng đưa các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào trong quá trình nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
 
Nhiều mô hình được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao, như: Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao đất lót bạt ứng dụng CNC; nuôi cá kình trong ao lót bạt; nuôi xen ghép tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, xen ghép tôm sú-cua. Các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao đất lót bạt ứng dụng CNC đã cho năng suất trên 18 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận mang lại trên 900 triệu đồng/1,2ha…

Chăn nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao tại huyện Lệ Thủy
 

Đổi mới hoạt động khuyến nông

Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải thông tin, năm 2024, các hoạt động KN sẽ tập trung vào các chương trình mục tiêu trọng điểm của tỉnh; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phục vụ chương trình tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; đồng thời tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ dân sinh; ưu tiên hỗ trợ các mô hình, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có thế mạnh của tỉnh; các mô hình ứng dụng CNC, sản xuất theo hướng hữu cơ; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, mô hình áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua, công tác KN-KN trên địa bàn tỉnh còn gặp một số hạn chế, như: Một số mô hình triển khai còn chậm do vướng mắc ở thủ tục; các mô hình ứng dụng CNC đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, do đó, người dân chưa mạnh dạn thực hiện; các địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác KN trên địa bàn, thiếu chỉ đạo tích cực trong việc tuyên truyền nhân rộng, xem việc nhân rộng kết quả mô hình thuộc các cơ quan của tỉnh; đồng thời việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động KN quá hạn hẹp…

Theo đó, trước mắt, trung tâm sẽ đổi mới phương pháp hoạt động KN, chuyển từ KN kỹ thuật sang KN tổng hợp theo nhu cầu của thực tiễn sản xuất; chủ động bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được giao, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, lồng ghép các chương trình dự án để mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động KN-KN trên địa bàn tỉnh; tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, các nhà máy chế biến để bao tiêu sản phẩm cho người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa thông tin sản phẩm nhằm minh bạch quy trình sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từng bước nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế… 

“Tổ chức có hiệu quả chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên KN để tăng cường năng lực cho hệ thống KN; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nông dân để nâng cao trình độ sản xuất, kỹ năng tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa và chuỗi giá trị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng phóng sự các mô hình, chương trình KN, giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các mô hình điển hình sản xuất có hiệu quả cho nông dân…”, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho hay.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập