Chi tiết bài viết

Nữ văn sĩ Đậu Vệ Nữ và tấm gương rèn luyện thành tài không cần tới bằng cấp

9:28, Thứ Sáu, 1-7-2011

Có lẽ thật khó tin có một nhà văn sáng tác nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng được đọc giả yêu mến mà mới học chưa xong tiểu học. Nhưng đó là sự thật về cuộc đời nữ nhà văn Đậu Nữ Vệ, ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Bà là tấm gương sống động về sự tự học, tự rèn luyện thành tài không cần tới bằng cấp.

Học chỉ đến nửa lớp 4, cô bé Đậu Nữ Vệ ngày nào vừa mò cua bắt ốc, lại xung phong vào công nhân biên phòng để góp phần vào công cuộc đánh Mỹ cứu nước. Cuộc sống thật khắc nghiệt với Đậu Nữ Vệ khi người chồng qua đời khiến chị càng lạc lõng đơn độc. Thế nhưng với lối suy nghĩ lạc quan “thực tế cuộc sống đừng bao giờ lùi bước, cứ nghĩ phía trước bao giờ cũng đẹp hết, thì mọi gian khó sẽ vượt qua”. Trải qua bao nhiêu khó khăn đó, bà đã đưa vào những tác phẩm văn học của mình hiện thực cuộc sống và những mảnh đời đã chiến thắng cái khó, cái khổ. Sau gần 20 năm, nữ văn sĩ vùng cát Đậu Nữ Vệ đã tìm được chỗ đứng cho mình trên văn đàn. Tác phẩm của bà đều đặn đến tay bạn đọc từ năm 1993 đến nay với nhiều thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cười đến kịch bản phim…

Ngôi nhà nhỏ dưới chân Đèo Ngang, nơi ba mẹ con chị sống dựa vào cái quán cóc với mấy thứ hàng tạp hóa, mấy con gà nuôi thả rong, những lúc rảnh rỗi chị lại đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải qua ngày. Tuy nhiên, những vần thơ, trang tiểu thuyết, truyện ngắn lần lượt ra đời tại đây và được độc giả nhiệt thành đón nhận.

Gần nửa thế kỷ trước, Đậu Nữ Vệ lúc đó mới 10 tuổi đang học lớp 4, vì hoàn cảnh khó khăn đã phải bỏ học giữa chừng. Nữ Vệ đến đồn biên phòng gần cửa Lạch Sông Loan xin vào làm công nhân. Ngày đêm nhìn thấy những cánh quân ra vào cửa Lạch, chứng kiến sự tàn phá của giặc đối với quê hương mình, sự căm thù giặc như đốt cháy trong lòng cô bé 10 tuổi. Đường đi lối lại trên cái cửa Lạch gai góc ấy Nữ Vệ gần như thuộc hết. Những ngày sau đó mặc cho nguy hiểm luôn rình rập, nhưng cô công nhân quốc phòng “nhí” đã vững vàng đưa hàng trăm chuyến hàng và con người cập bến an toàn…Sau ngày giải phóng, với sức trẻ của tuổi mười chín đôi mươi, Nữ Vệ khát vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước. Chị đã có một cuộc hôn nhân thật đẹp nhưng cũng đầy nước mắt. Hạnh phúc qua nhanh, ngày chồng qua đời, chị chỉ còn hai bàn tay trắng và hai đứa con thơ dại. Hàng ngày, Nữ Vệ chạy từng bữa chợ, buôn bán đủ thứ, từ cá, mắm muối, ruốc cho đến quần áo, vải vóc để nuôi con nhỏ… Chính cái vốn sống và chứng kiến bao nhiêu chuyện, bao nhiêu hoàn cảnh ở đời đã cho chị nhiều cảm xúc. Chị lại nghĩ tới cuộc sống của mình. Chị nghĩ có nên ghi lại không nhỉ? Chị đặt bút ghi lạị nhật kí về cuộc đời mình như một món ăn tinh thần. những dòng chữ ngoằn nghèo bắt đầu hiện lên trên trang giấy. Gần 3 đêm thấy cái “tự truyện” của mình dày lên, đặt tên cho nó là “Thuyền tình ngược bến” và gửi cầu may. Không ngờ sở VHTT Quảng Trị cấp giấy phép cho nó ra đời. Sau khi tác phẩm được công bố (năm 1993), nhiều bạn đọc gửi thư về khích lệ “một hiện tượng lạ”. Chị Vệ nhớ lại “thư của bạn đọc gửi về kèm theo những lời động viên, yêu mến thậm chí nhiều bạn đọc đã khóc cùng tôi, tôi thấy mình mạnh mẽ lên rất nhiều và không còn thấy mình cô đơn như trước nữa”. Nhận được số tiền nhuận bút, chị quyết định về Quảng Bình, chị không về Cảnh Dương mà chọn dưới chân Đèo Ngang dựng tạm căn lều để 3 mẹ con sinh sống. Cũng từ đây, chị bắt đầu nuôi mộng lớn “trở thành một nhà văn, nếu thành đạt sẽ để lại tiếng thơm cho lớp hậu duệ mai sau”.

Từ năm 2000, nữ nhà văn dưới chân Đèo Ngang bắt đầu viết khỏe và cho xuất bản nhiều tập tiểu thuyêt, truyện ngắn. Theo bà cái quan trọng nhất đưa đến sự thành công cho tác phẩm đó là phải biết dẫn dắt độc giả chạy theo ngòi bút của mình, qua chủ đề tư tưởng để gửi gắm cho độc giả một thông điệp của cuộc sống. Càng viết chị càng thấy mình có thêm nhiều ý tưởng và ngôn ngữ của mình ngày càng sắc sảo hơn và chị hi vọng sẽ ngày càng chiếm được đông đảo bạn đọc trên cả nước.

Cuộc sống của nữ nhà văn Đậu Nữ Vệ dần đi lên, khi đó bà cũng có nhiều thời gian hơn cho nghiệp viết của mình. Không giữ cho riêng mình, bà tự bỏ tiền ra in sách rồi tặng cho những người nào thích đọc những tác phẩm của mình. Bà tâm sự: Tôi thấy nhiều người thích đọc sách của tôi nhưng do điều kiện nên không thể mua được nên tôi tự bỏ tiền in sách tặng họ. Tôi muốn hướng đến tâm hồn mọi người, để mọi người hiểu hơn về giá trị cuộc sống và hiện thực cuộc sống. Đến nay đã có hàng trăm độc giả yêu mến bà được bà kí tặng. Mới đây, nữ nhà văn Đậu Nữ Vệ đã tặng cho thư viện trường Đại học Nông Lâm Huế và Học viện hải quân TP Nha Trang- Khánh Hòa hàng chục cuốn sách của mình. Bà chia sẻ “tôi muốn sách của mình sẽ có mặt trong các thư viện trường ĐH trên cả nước vì vậy nếu trường Đại học nào yêu mến nhà văn Đậu Nữ Vệ thì cứ gửi thư về tôi sẽ tặng sách miễn phí. Tôi không cần tên tuổi, tiền bạc, cái tôi muốn hướng đến đó là thay đổi tư tưởng, tâm hồn con người theo hướng tích cực".

Trải qua gần 20 năm cầm bút, miệt mài và đam mê. Nhiều tác phẩm đã đi vào công chúng bạn đọc như :Thuyền tình ngược bến- Tiểu thuyết; Ba giọt máu đào- truyện phim (NXB Thuận Hóa 2004); Tình viễn khách- tập thơ(NXB Thuận Hóa 2005); Miền quê thức tỉnh –phim truyền hình 18 tập (TTSX phim truyền hình VN 2006); Mặt trái cuộc đời- tiểu thuyết 2 tập( NXB Thuận Hóa 2007); Tiền chết- tập truyện ngắn (NXB Hội nhà văn Vn 2007)… Cái đích cuối cùng mà Đậu Nữ Vệ hướng đến đó là chống tiêu cực, làm chuyển biến tư tưởng, phong phú hơn tâm hồn con người./.

Theo TTXVN

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập