Chi tiết bài viết

Một cộng tác viên dân số tâm huyết

17:18, Thứ Ba, 13-3-2012

Đó là chị Trần Thị Phượng, cộng tác viên (CTV) dân số thôn Bàu 2, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa. Với thâm niên hơn 10 năm làm cộng tác viên dân số, chị Phượng luôn tích cực vận động các cặp vợ chồng trong thôn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng.

Thấu hiểu được những khó khăn, vất vả từ việc đông con, đầu năm 2002, chị Trần Thị Phượng đã tình nguyện tham gia làm cộng tác viên dân số của thôn. Những ngày đầu đảm nhận công việc mới, chị Phượng gặp không ít khó khăn, phần do chị chưa quen với công việc, phần nữa là số đông người dân trong thôn vẫn còn mang nặng tư tưởng ''đông con hơn lắm của'', ''sinh con trai để nối dõi tông đường'', những người già thì thường truyền lại cho con cháu rằng ''trẻ cậy cha, già cậy con'' mà phải là con trai. Nhưng với sự nhiệt huyết, say mê công việc, cùng sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chia sẻ, động viên của gia đình, chị đã miệt mài bám lấy công việc. Hàng ngày, tranh thủ những lúc rãnh rỗi chị lại tìm đến gia đình các chị em để nắm bắt tâm tư, nguyên vọng, kiên trì phân tích cho từng đối tượng hiểu rõ tác dụng của việc sinh đẻ có kế hoạch, đồng thời động viên họ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nhiều trường hợp chị phải vận động đến 5 - 6 lần mới thuyết phục được. Đối tượng được chị quan tâm nhiều hơn là những gia đình nghèo, đông con, những gia đình sinh con một bề (sinh toàn con trai hoặc con gái), những gia đình kinh tế khá giả có nguy cơ sinh con thứ. Ngoài tuyên truyền, vận động, lấy những tấm gương người thật, việc thật để giúp chị em hiểu về những hệ lụy của việc đẻ nhiều, đẻ dày và lợi ích việc sinh đẻ có kế hoạch, chị còn vận động các chị em tham gia sinh hoạt tổ, chi hội ở cơ sở, tham gia câu lạc bộ không sinh con thứ ba... Chính nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết, kiên trì trong công việc nên năm nào công tác Dân số - KHHGĐ của thôn cũng đạt chỉ tiêu, kế hoạch. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng nhiều. Hiện nay, trong thôn có 53 chị em trong độ tuổi từ 15-49 tuổi, trong đó có 31 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại như: Sử dụng bao cao su, đặt vòng, đình sản, uống thuốc, tiêm thuốc hoặc cấy thuốc tránh thai. Vì làm tốt công tác dân số nên hơn 10 năm liền thôn không có người sinh con thứ 3. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong thôn được nâng lên. Chị Trần Thị Phượng bộc bạch: Muốn vận động được các cặp vợ chồng thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch thì trước hết mình phải có cái tâm, đừng nên suy nghĩ nhiều cho bản thân, thứ nữa là tạo dựng được sự thân mật, gần gũi với họ, sau đó mới vận động và áp dụng phương pháp ''mưa dầm thấm lâu'', làm sao để thành quả cuối cùng mình nhận được là làm cho cuộc sống của từng gia đình thêm phần ấm no, hạnh phúc.

Không chỉ là cộng tác viên năng động, nhiệt tình trong công việc, chị Trần Thị Phượng còn là một người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát. Các con của chị đều chăm ngoan, hiếu thuận, gia đình chị luôn được công nhận là gia đình văn hóa và được bà con trong thôn quý mến, tin yêu. Với sự nỗ lực không mệt mỏi trong công tác Dân số - KHHGĐ, chị Trần Thị Phượng được UBND huyện Tuyên Hóa, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh biểu dương, khen thưởng là cộng tác viên có thành tích xuất sắc về Dân số - KHHGĐ tại cơ sở. Chị xứng đáng là tấm gương sáng cho những cộng tác viên dân số khác noi theo.

Báo QB số 52 - 2012

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập